|
1. Sử dụng chương trình chống phần mềm độc hại có uy tín
Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng nhiều người lại thường bỏ qua lời khuyên cài đặt chương trình chống phần mềm độc hại – bức tường thành vô cùng vững chắc để ngăn chặn vi rút và các cuộc tấn công mạng.
Sau khi cài đặt, bạn hãy chắc rằng chương trình này được hoạt động liên tục, cập nhật thường xuyên để có thể ứng phó kịp thời với những loại virus mới.
2. Tối ưu hóa tính năng bảo mật của máy tính
Ngoài việc duy trì và cập nhật phần mềm chống virut và gián điệp, bạn hãy cài đặt thêm tính năng bảo mật cho máy tính. Nhiều phần mềm độc hại được thiết kế dựa trên các lỗ hổng bảo mật trong hệ điều hành và trình duyệt web. Có hai cách đơn giản để bạn áp dụng:
- Giữ cho trình duyệt và hệ điều hành luôn được cập nhật sau mỗi lần phát hành các phiên bản mới.
- Chạy phần mềm Security Optimizer của System Mechanic. Phần mềm này sẽ tự động tìm và sửa những lỗ hổng đang tồn tại trong hệ điều hành và trình duyệt web của bạn.
3. Chỉ chia sẻ thông tin thanh toán cho những nhà cung cấp có danh tiếng và uy tín.
Để tránh rủi ro cho bản thân, bạn phải cực thận trọng trong bước cung cấp các thông tin thanh toán. Nếu bạn không chắc chắn về độ tin cậy của nhà cung cấp, hãy thử làm vài thao tác với Google để xác minh mức độ uy tín của họ.
Hãy sử dụng đơn vị thứ ba chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến thay vì trả tiền trực tiếp cho nhà bán lẻ. Hầu hết các trang web mua bán hàng trực tuyến đều chấp nhận dịch vụ thanh toán của bên thứ ba. Điều này sẽ hạn chế nguy cơ thông tin liên quan đến thẻ ngân hàng của bạn rơi vào tay kẻ xấu.
4. Sử dụng thẻ tín dụng thay cho thẻ ghi nợ
Thẻ tín dụng sẽ là lựa chọn an toàn hơn thẻ ghi nợ nếu bạn muốn thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến.
Nếu bị lừa với giao dịch thẻ tín dụng, bạn có thể dễ dàng đòi lại ngân hàng hơn là số tiền rút ra trực tiếp từ tài khoản phát hành thẻ ghi nợ.
Vì vậy, bạn hãy sử dụng thẻ tín dụng với một hạn mức vừa đủ khi mua sắm trực tuyến để hạn chế rủi ro khi bị đánh cắp thông tin tài khoản.
5. Chỉ thanh toán đơn hàng tại trang web được mã hóa
Trước khi thực hiện giao dịch tại các trang web bán hàng trực tuyến, hãy kiểm tra xem nhà cung cấp đó có mã hóa các đơn thanh toán của họ không. Nhiều trang web hiện nay sử dụng công nghệ SSL (Secure sockets layer) để mã hóa thông tin truyền từ máy tín bạn sang máy chủ của nhà cung cấp. Điều này được hiển thị bằng biểu tượng ổ khóa và địa chỉ website sẽ được bắt đầu bằng “https:” thay vì “http:” như thông thường.
6. In và sao lưu lại bản đơn đặt hàng
Bạn luôn luôn nên giữ lại một bản đơn đặt hàng của mình. Hầu hết các nhà bán lẻ sẽ gửi cho bạn email xác nhận mua hàng bao gồm cả mã đơn hàng và hóa đơn. Hãy lưu các thông tin này cho tới khi bạn nhận được sản phẩm.
7. Sử dụng các mật khẩu phức tạp
Mật khẩu là biện pháp an ninh tốt nhất mà chúng ta có thể dễ dàng thiết lập. Sử dụng một mật khẩu phức tạp gồm nhiều các ký tự đặc biệt sẽ giúp bạn bảo vệ tốt hơn các thông tin của mình. Hãy chắc rằng, mật khẩu của bạn không dễ đoán.
8. Kiểm tra sao kê tài khoản thường xuyên
Bạn hãy thường xuyên kiểm tra sao kê tài khoản để có thể sớm phát hiện các giao dịch lừa đảo, gian lận. Một khi bạn thấy phát sinh các giao dịch bất thường, hãy báo cho công ty phát hành thẻ tín dụng hoặc tổ chức tài chính để được hỗ trợ xử lý.
9. “Hàng rẻ là hàng ôi’’
Quy luật này vẫn được áp dụng trong mua sắm trực tuyến. Nếu bạn đang được nhà bán lẻ mời chào một món đồ với mức giá quá hời, hãy đặt nghi vấn ngay lập tức.
Bạn sẽ cần tìm kiếm thêm thông tin về nhà cung cấp này trước khi ra quyết định mua hàng. Đặc biệt, hãy kiểm tra tính chính xác của số điện thoại liên lạc và địa chỉ nhà cung cấp để nếu có bất cứ vấn đề gì với đơn hàng, bạn có thể liên hệ và yêu cầu trợ giúp.
Tác giả: Phương Thảo (theo Iolo)
Nguồn tin: Báo VnExpress