Kinh tế

8 năm quyền lực của ông Trần Bắc Hà ở BIDV

Trần Bắc Hà, người hay vướng tin đồn bắt bớ, đã đưa BIDV đến nhiều thay đổi nhưng cũng không ít vi phạm trong 8 năm làm chủ tịch.

Ông Trần Bắc Hà chia tay BIDV để nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 1/9/2016 sau 35 năm gắn bó. Trong phần lớn các cuộc họp ở BIDV, hình ảnh thường thấy của ông Hà là dáng ngồi bệ vệ với điếu thuốc trên tay. Ông Hà sẵn sàng mắng "quân", kể cả đó là cấp lãnh đạo điều hành, ngay trước mặt khách. Ở BIDV, các nhân viên đều rất sợ ông.

Gia nhập BIDV từ năm 1981, ông kinh qua nhiều vị trí từ giám đốc một chi nhánh đến phó tổng giám đốc trước khi làm chủ tịch. Tháng 1/2008, ông chính thức là Chủ tịch HĐQT BIDV và từ đây cũng là lúc ông Trần Bắc Hà nắm toàn bộ quyền lực ở ngân hàng này.

Ông Trần Bắc Hà chủ trì một cuộc họp tại BIDV khi còn đương chức. Ảnh: N.M.

Theo kết quả kỳ họp thứ 26 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về dấu hiệu vi phạm tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020.

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương xác định những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là "rất nghiêm trọng", làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngân hàng BIDV, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Cụ thể, ông Hà đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, có biểu hiện áp đặt, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; vi phạm nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy về nghĩa vụ, trách nhiệm của người giữ chức vụ trong hệ thống BIDV.

Cựu Chủ tịch BIDV cũng vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng.

8 năm làm chủ tịch của ông Trần Bắc Hà cũng là thời kỳ BIDV trải qua nhiều dấu mốc thăng trầm. Từ một ngân hàng có tổng tài sản chưa đến 250.000 tỷ đồng năm 2008, BIDV đã trở thành một trong 4 nhà băng quốc doanh lớn nhất hệ thống, tổng tài sản xấp xỉ một triệu tỷ đồng (khi ông Hà về hưu). Tương tự, lợi nhuận của BIDV trong gần 9 năm ông Hà làm chủ tịch cũng liên tục tăng và lên gần gấp 4 lần khi ông nghỉ hưu.

BIDV chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) thành công năm 2011, niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2014 cũng dưới thời ông Trần Bắc Hà lãnh đạo. Đồng thời, ông cũng là người chỉ đạo thương vụ BIDV nhận sáp nhập Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), đưa quy mô của BIDV tăng trưởng mạnh.

Thế nhưng, đi đôi với lợi nhuận cao, quy mô nợ xấu của BIDV giai đoạn ông Hà về hưu cũng thuộc dạng dẫn đầu thị trường, dù tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, theo báo cáo tài chính, vẫn luôn dưới 3%. Tuy nhiên, quy mô nợ xấu lớn không phải vấn đề chính của BIDV mà việc có quá nhiều khách hàng có dư nợ "khủng" mới là rủi ro chính. Thực tế trong năm 2016, BIDV - với tư cách chủ nợ lớn nhất - đã gặp không ít khó khăn với Hoàng Anh Gia Lai - khách hàng mà chính ông Trần Bắc Hà khi nói với các cổ đông vẫn nhận là "lâu năm" và "cần hỗ trợ".

Ông Trần Bắc Hà được Uỷ ban Kiểm tra trung ương Đảng kết luận là có "vi phạm rất nghiêm trọng". Ảnh: BID.

Ông Trần Bắc Hà cũng là một ông chủ nhà băng quyền lực trong giới. Ông cũng vài lần vướng phải những tin đồn thất thiệt, trong đó chủ yếu liên quan đến chuyện bắt bớ khiến mọi người bàn tán. Đỉnh điểm là tháng 2/2013, tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt đã khiến thị trường tài chính Việt Nam chao đảo, chứng khoán giảm sâu, tỷ giá tăng mạnh và thậm chí, nhiều người dân khi đó đổ xô đi mua vàng. Sáng 9/8/2017, thị trường chứng khoán cũng giảm mạnh khi một lần nữa xuất hiện thông tin ông vướng lao lý.

Ông Hà cũng không ngại đưa ra những phát ngôn gây sốc khi còn đương chức. Khi những khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai bị đưa ra mổ xẻ, đứng trước các cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên, ông Trần Bắc Hà lớn tiếng yêu cầu cổ đông và báo chí không được dùng từ "giải cứu HAGL". Khi Bộ Tài chính đòi BIDV phải trả cổ tức tiền mặt, trước báo chí, ông Trần Bắc Hà không ngần ngại gọi động thái này của cơ quan chăm lo ngân sách là "vắt chanh kiệt vỏ".

Không chỉ vậy, ở BIDV, chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà là mệnh lệnh, dù sai hay đúng. Và chính ông đã chỉ đạo nhân viên giải ngân cho ông Phạm Công Danh vay tiền trái quy định, là một trong những nguyên nhân khiến ông cùng hai phó tổng giám đốc của BIDV vừa bị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng kết luận là "vi phạm rất nghiêm trọng" và "nghiêm trọng", có thể xem xét kỷ luật.

Ông Hà được nhà chức trách xác định liên quan tới đại án Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng Sacombank với 2 tư cách: người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng và đại án Phạm Công Danh xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB). Tuy nhiên tại phiên xét xử vụ án này hồi tháng 1/2018 được triệu tập đến toà với tư cách “người có nghĩa vụ liên quan” nhưng ông Hà đã vắng mặt với lý do “xin ra nước ngoài chữa bệnh”.

Cụ thể trong vụ án Phạm Công Danh, ông Trần Bắc Hà được cơ quan điều tra xác định đồng ý chủ trương cho 12 công ty vay 4.700 tỷ đồng theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các công ty này do Danh thành lập. Ngân hàng BIDV sau đó cho biết đã thu đủ gốc, lãi các khoản vay này.

Đến nay, gần 2 năm sau ngày ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, BIDV vẫn khuyết chức danh Chủ tịch HĐQT. Bản thân ngân hàng này vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng về quy mô tổng tài sản, lợi nhuận. Tuy nhiên, câu chuyện tái cơ cấu, kiện toàn bộ máy và khó khăn tăng vốn vẫn là những bài toán mà ngân hàng này cần nỗ lực giải quyết sau đó.

Tác giả: Thanh Thanh Lan

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: BIDV ,Trần Bắc Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP