Du lịch

4 loại quả xưa có đầy không ai hái, giờ thành đặc sản nổi tiếng giá ngất ngưởng thu hút người mua

Những loại quả này đều mọc dại ở miền Tây và trở thành đặc sản nổi tiếng khiến bao người mê mệt.

Trái quách

Trái quách là quả của cây quách (hay còn gọi là cây cần thăng), có nguồn gốc từ vùng sinh thái Indomalaya, phân bố ở Ấn Độ, Đông Dương... Tại Việt Nam, loại cây này có nhiều ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, nhiều nhất là tỉnh Trà Vinh.

Xưa cây quách mọc tự nhiên khắp các tỉnh miền Tây. Song dần dần chỉ còn vài ba nhà trồng chơi để lấy bóng mát, vì thế trái quách bỗng dưng trở nên khan hiếm, trở thành đặc sản nổi tiếng.

Người dân miền Tây cho biết, trái quách có thể ăn non bằng cách đập vỏ, lấy phần thịt màu trắng đục, chấm muối ớt, mắm đường. Họ còn dùng trái xanh ăn kèm với rau sống như chuối chát. “Khi muốn ăn, người ta thường dùng dao để bổ hoặc đập trái quách lên bề mặt cứng để quả nứt ra. Dùng phần thịt quả màu nâu sậm, thêm đá, đường và dùng như món giải khát.


Phần thịt của trái chín còn được dùng để ngâm rượu bổ, kích thích ngon miệng, hỗ trợ tiêu hóa, chống táo bón, mạnh gân cốt”, chị Ngọc Vũ (35 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết.

Cũng theo chị Ngọc Vũ, trái quách chín có mùi chua rất nồng, nếu ai ngửi không quen sẽ cảm thấy hôi. Khi chín hoàn toàn sẽ cho hương vị chua ngọt dịu và hơi có vị của trái cây lên men. “Để phân biệt, người ta thường cào nhẹ lớp vỏ xám bên ngoài quả, nếu thấy bên dưới vỏ có màu nâu thì quả đã chín hoàn toàn, nếu quả chín vừa thì sẽ có màu nâu nhạt, hơi xanh”, người phụ nữ 35 tuổi nói.

Bình bát

Bình bát (hay còn gọi là na xiêm, na nước) là loại cây thân gỗ nhỡ, cao khoảng 2-5m, thậm chí có cây cao tới 10m. Cây có tán lá rộng, phân nhiều nhánh nhỏ. Các cành non phủ một lớp lông mịn, các cành già nhẵn, bóng, không chứa lông.

Lá là lá đơn, mọc so le, đầu lá nhọn, gốc bo tròn. Lá dài 10–15 cm và rộng 5 – 7 cm, có 8 – 9 cặp gân phụ nổi rõ trên lá. Mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có phủ một lớp lông mịn, cuống lá có lông, dài khoảng 1 – 2 cm.

Cụm hoa mọc từ kẽ lá, gồm 2 – 4 hoa màu vàng. Đài gồm 3 phiến hình tam giác, mặt ngoài có lông. Tràng có 2 vòng. Cánh hoa hẹp, 3 cánh ngoài to, dày, có lông tơ. 3 cánh trong nhỏ nhắn. Nhị nhiều, trung đới kéo dài. Bầu gồm những lá noãn có lông.

Quả như quả tim, non màu xanh, khi chín chuyển màu vàng. Bên trong quả gồm nhiều hạt xếp lớp như các hạt của quả na. Thịt quả màu trắng hoặc hơi ngả vàng. Ăn có vị chua ngọt và hơi chát nhẹ và có mùi thơm thoang thoảng đặc trưng. Chúng ra hoa vào tháng 5 – 6, cho quả vào tháng 7 – 8 hàng năm.

Bình bát có nguồn gốc từ châu Mỹ và các đảo xung quanh. Hiện cây cũng thấy nhiều ở các khu vực trên thế giới như Ấn Độ, châu Phi, châu Úc. Tại Việt Nam, cây mọc hoang và được trồng tại vùng đất nhiễm phèn ở các tỉnh ven biển hoặc bờ sông, ao mương... từ Bắc vào Nam.

Quả bình bát khi chín được dùng làm món ăn – trái cây. Thường người ta sẽ đem bình bát gọt bỏ phần vỏ, lấy phần thịt thêm đường, đá. Đây được xem là thức quả, món ăn tuổi thơ của rất nhiều người thế hệ 8X hoặc 9X.

Nhiều người bán cho biết, bình bát có vị không ngọt và ngon như na, ăn có phần giống na bở vì thịt quả không dai, có nhiều bột li ti. Một người bán buôn bình bát trên mạng xã hội cho biết, chị nhập bình bát từ Sơn La về để bán, mỗi ngày bán được 15 – 30kg cho khách mua buôn và mua lẻ. Nếu mua từ 10kg trở lên sẽ có giá khá rẻ, khoảng 55.000 đồng/kg; còn mua lẻ sẽ có giá 80.000 – 90.000 đồng/kg.

Trái bần

Trái bần là loại quả dại, thường xuất hiện ở vùng đồng Bằng Sông Cửu Long, sống trong môi trường bùn nước. Chúng có hình tròn dẹt tựa như bánh cam, phần đuôi nhọn và cuống có nhiều cánh tỉa ra như hình ngôi sao.

Khi chín quả bần rụng và trôi nổi theo nước thủy triều, hạt sống lâu và phát tán mạnh trên các bãi bồi. Muốn trồng cây bần không cần gieo hạt chỉ cần nhổ những cây bần con mọc sẵn trong tự nhiên để trồng.

Hương vị đặc trưng của trái bần là bùi bùi, chua chua. Trẻ nhỏ ở miền Tây thường coi trái bần xanh là thức quà vặt, gắn liền với tuổi thơ: Bần được hái xanh rồi chấm với muối ớt hoặc mắm ruốc. Tất cả tạo lên vị mặn nồng của mắm và muối, giòn giòn chua chát của bần xanh.

Đến độ bần chín, chúng trở thành một nguyên liệu được các chị em nội trợ miền Tây ưa chuộng. Họ có thể dùng bần chín nấu canh chua, kho cá hay làm nước lẩu. Bởi nó mang đến vị chua thanh, hơn hẳn độ chua gắt của giấm hay me.

Trâm bầu

Cây trâm bầu (hay còn gọi là mận đen, mận Java, dâu đen Ấn Độ) là dạng cây bụi hoặc gỗ nhỏ, cao từ 2-12m. Thân có nhiều gánh ngắn, khi rụng lá trông như gai; cành non có 4 cạnh, lá mọc dối, hình trứng dài, chóp tù hay nhọn; hai mặt lá đều có lông, mặt dưới nhiều hơn. Cụm hoa gồm một hoa mọc ở kẽ lá, nhiều hoa nhỏ ở đầu cành, màu vàng nhạt. Quả dài từ 18-20mm, rộng 7-8mm, có 4 cành mỏng chứa một hạt hình thoi…

Tại Việt Nam, loài cây này phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Nam: từ Quảng Nam, Tây Nguyên đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Trái của chúng thường được thu hoạch vào mùa nước nổi.

Trước kia, trái trâm bầu được coi là thức quả ăn vặt của trẻ em miền Tây. Chị Yến Nhi (27 tuổi, Bến Tre) cho biết: “Trái trâm chưa chín ăn vào có vị chát, chín thì ngọt và ăn trong lưỡi của ai cũng tím ngắt. Chúng tôi thường hái trâm xanh chấm với muối ớt, ăn rất đã; còn trái chín thì cứ thể bỏ vào miệng tận hưởng. Tôi nhớ ngày đó vườn nhà ai cũng trĩu quả, rụng đầy gốc mà chẳng kịp thu hoạch. Giờ mọi thứ thay đổi, người ta ít trồng trâm bầu nữa, vì thế kiếm được chùm quả khó lắm. Thực sự loại quả này gắn liền với ký ức thời học sinh của biết bao người”.

Mặc dù hiếm nhưng một số nơi tại miền Tây vẫn còn trồng trâm bầu. Chị Thi - hiện sinh sống tại An Giang cho biết, gia đình chị trồng 10 cây trâm ven triền núi. Năm nào vào mua trâm, gia đình cũng tất bật hại để phục vụ khách du lịch. “Mỗi cây trâm có thể cho quả khoảng 40kg/vụ, quả càng to càng ngọt. Trâm thường được bán với giá 30.000-50.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ để bán. Du khách mua trâm có thể ăn với muối ớt hoặc ướp chung với đường, muối ớt rồi cho vào tủ lạnh để ăn cả tuần vẫn thấy ngon”, chị Thi nói.

Tác giả: K.T

Nguồn tin: phununews.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP