Xã hội

2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm

Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục do người quen, họ hàng, hàng xóm... gây ra.

Ngày 15-6, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có văn bản trả lời đại biểu Quốc hội về tình trạng xâm hại trẻ em trong thời gian vừa qua.

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh, TP, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (trong đó số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đa số là người quen. Ảnh minh họa

Tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều loại đối tượng trong xã hội gây ra. Tuy nhiên, phần lớn là những người quen, họ hàng, hàng xóm, không chỉ là người Việt Nam mà cả người nước ngoài và có cả trường hợp xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng.

Khi xảy ra xâm hại tình dục, nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng, vì sợ ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình của nạn nhân.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em là do hệ thống luật pháp, chính sách để bảo vệ trẻ em có một số nội dung chưa đầy đủ, rõ ràng, đặc biệt là hành vi dâm ô trẻ em.
Bên cạnh đó, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm hại trẻ em chưa quy định hết các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, cũng như các hành vi thiếu trách nhiệm trong tiếp nhận, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ.

"Ngoài ra, nhận thức và kỹ năng của một bộ phận cha mẹ, các thành viên trong gia đình, giáo viên, của người dân trong cộng đồng và của chính bản thân trẻ em về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ. Nhiều em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị bạo lực, xâm hại..." - ông Đào Ngọc Dung lý giải.

Các em khi bị bạo lực, xâm hại đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ của các em cũng chưa hướng dẫn những kiến thức cơ bản cho các em để chủ động phòng tránh bạo lực, xâm hại hoặc vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội; thậm chí còn chấp nhận thỏa thuận để nhận tiền đền bù.

Để hạn chế tình trạng xâm hại trẻ em, ông Đào Ngọc Dung cho rằng đơn vị sẽ đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật. Đặc biệt phối hợp xây dựng thông tư liên tịch quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thi hành một số quy định của BLTTHS năm 2015 về thủ tục tố tụng đối với vụ án có người dưới 18 tuổi.

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông về bảo vệ trẻ em; giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em.

"Thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia trên cơ sở đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em (18001567) do Cục Trẻ em thuộc Bộ LĐ-TB&XH quản lý để tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác vụ việc xâm hại trẻ em...." - ông Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: VIẾT LONG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP