Sự việc do Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Cắm Muộn (Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) phát hiện ngày 10/9/2017. Khu vực có cây bị đốn hạ tại vùng giáp ranh khoảnh 9 và 13, Tiểu khu 148, thuộc địa bàn xã Quang Phong, huyện Quế Phong.
Đối tượng dùng cưa xăng đốn hạ gỗ pơ mu (Hình ảnh cắt từ clip do cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cắm Muộn quay được) |
Tại thời điểm phát hiện vụ việc, Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Cắm Muộn xác định được 2 nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi đốn hạ cây pơ mu. Lực lượng đã bắt giữ được một đối tượng có tên là Lô Văn Phương, trú tại bản Cắm Cáng, xã Quang Phong. Tang vật thu giữ gồm 2 máy cưa xăng, và 11 cây pơ mu đã bị đốn hạ.
Lâm tặc đốn hạ pơ mu bị cán bộ Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cắm Muộn bắt quả tang tại hiện trường ngày 10/9. Ảnh: Cơ quan chức năng cung cấp |
Từ báo cáo của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, ngày 20/9/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong và các lực lượng chức năng đã tổ chức khám nghiệm hiện trường, qua đó xác định có 11 cây gỗ pơ mu bị lâm tặc đốn hạ, có tổng khối lượng 13,69m3.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường pơ mu bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Nguyễn Anh Sáng |
Căn cứ kết quả khám nghiệm hiện trường, ngày 26/9/2017, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong đã quyết định số 78, khởi tố vụ án hình sự về tội danh “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” để điều tra, làm rõ.
Ngày 26/10/2017, mở rộng kiểm tra hiện trường lần 2, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Phong và các lực lượng chức năng phát hiện tại Tiểu khu 148 có thêm 2 cây pơ mu bị lâm tặc đốn hạ, với khối lượng 1,627m3.
Như vậy, tổng số pơ mu bị chặt hạ lên đến 13 cây với khối lượng trên 15,3m3 tại.
Từ các hình ảnh, clip của Trạm quản lý bảo vệ rừng Cắm Muộn ghi lại, Công an huyện Quế Phong đã điều tra xác định được một số đối tượng có hành vi đốn hạ 13 cây pơ mu. Hiện nay, cơ quan này đang tiếp tục tập trung đấu tranh, làm rõ.
Gỗ pơ mu là loại gỗ quý thuộc nhóm IIA trong bảng xếp hạng các nhóm gỗ tại Việt Nam, có vân đẹp, nhẹ và bền , không bị mối mọt có tác dụng xua đuổi côn trùng, theo kinh nghiệm dân gian thì gỗ pơ mu có khảng năng chống mỗi chính vì vậy gỗ pơ mu được sử dụng rất nhiều trong ngành thiết kế nội thất cũng như ngành công nghiệp xuất khẩu. Do là loài gỗ quý và khan hiếm nên giá trị kinh tế của cây pơ mu rất cao. Cây pơ mu là loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào nhóm gỗ nằm trong Sách đỏ Việt Nam năm 1996. |
Tác giả: Nhật Lân – Đào Tuấn
Nguồn tin: Báo Nghệ An