Đại học Quốc gia Hà Nội là đại diện Việt Nam có thứ hạng cao nhất. Ảnh: VNU. |
Cụ thể, trong danh sách này, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp hạng 325, theo sau đó là Đại học Duy Tân với hạng 538 và Đại học Kinh tế TP.HCM với hạng 653.
So với năm 2024, thứ hạng của Đại học Quốc gia Hà Nội tăng đáng kể, từ vị trí 781-790 lên 352, còn Đại học Duy Tân lại tụt từ vị trí 455 xuống 538. Đại học Kinh tế TP.HCM cũng có sự cải thiện về thứ hạng khi vươn từ vị trí 841-860 lên 653.
Ngoài 3 trường nêu trên, thứ hạng của 7 trường còn lại như sau: Đại học Bách khoa Hà Nội (702), Đại học Quốc gia TP.HCM (880), Đại học Tôn Đức Thắng (921-930), Đại học Cần Thơ (1.061-1.080), Đại học Nguyễn Tất Thành (1.451-1.500), Đại học Huế (1.501+), Đại học Đà Nẵng (1.501+).
Trong năm 2025, Đại học Toronto (Canada) là trường đại học hàng đầu về tính bền vững trên thế giới, theo sau đó là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich). Đại diện của nước Mỹ là Đại học California, Berkeley và Đại học Lund của Thụy Điển cùng xếp ở vị trí số 3 trong danh sách này. Trường đứng ở vị trí số 5 là University College London - đại diện của Anh.
Bảng xếp hạng phát triển bền vững của QS năm 2025 đánh giá 1.800 trường đại học trên khắp thế giới, sử dụng các chỉ số để đo lường khả năng của một tổ chức trong việc giải quyết những thách thức lớn về môi trường, xã hội và quản trị.
Bảng xếp hạng gồm 3 nội dung đánh giá chính và chia thành 9 tiêu chí nhỏ, bao gồm: Tác động môi trường (giáo dục về môi trường, nghiên cứu về môi trường, tính bền vững của môi trường), tác động xã hội (tuyển dụng và đầu ra, sự bình đẳng, sức khỏe và an sinh, ảnh hưởng của giáo dục, chia sẻ kiến thức), quản trị (quản trị tốt).
Tác giả: Thái An
Nguồn tin: znews.vn