Kinh tế

Vietcombank lên tiếng vụ khách hàng bị lừa rút 50 triệu ngay trước mắt

Liên quan đến vụ việc khách hàng Trương Quang Lộc ở Thừa Thiên-Huế thông báo bị chiếm đoạt tài khoản và mất gần 50 triệu đồng sau khi nhấn vào đường link lạ, Vietcombank (VCB) vừa có thông tin chính thức.

Cụ thể, ngày 12/3/2019, Vietcombank nhận được yêu cầu hỗ trợ từ một khách hàng, thông báo bị lừa đảo qua việc bấm vào đường link giả mạo và đã cung cấp toàn bộ thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử kể cả mật mã OTP cho đối tượng lừa đảo. Đối tượng lừa đảo đã thực hiện các giao dịch trên tài khoản của khách hàng với giá trị 50 triệu đồng.

Ngay khi nhận được thông tin, Vietcombank cho biết đã phối hợp với khách hàng thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho tài khoản của khách hàng. Trong tổng số tiền 50 triệu đồng nói trên, VCB đã khoanh giữ được hơn 30 triệu đồng và đã thông báo cho khách hàng trong ngày 13/3/2019.

Hiện, ngân hàng đang tích cực phối hợp với đối tác và các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý để đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng.

Trước đó, trao đổi với báo chí, anh Trương Quang Lộc (trú tại đường Hải Triều, phường An Đông, TP. Huế) cho biết anh có kinh doanh, sửa chữa thiết bị ngành ảnh. Khoảng 17 giờ 45 chiều 12/3, nhân viên của anh nhận được một đơn hàng qua một tài khoản Facebook (hiện đã khóa), đặt mua 1 tủ chống ẩm máy ảnh rồi cung cấp tên, địa chỉ giao hàng ở P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình (Hà Nội). Số tiền thanh toán là 1.570.000 đồng, trong đó 70.000 đồng phí vận chuyển, nhưng do đặt mua cho người quen ở nước ngoài nên tiền sẽ chuyển từ nước ngoài về Việt Nam qua tài khoản của anh Lộc.

Sau đó, anh Lộc nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ có nội dung chuyển tiền quốc tế vào tài khoản của anh (1.570.000 đồng) kèm theo đường link. Anh Lộc đã bấm vào đường link sau đó làm theo một số hướng dẫn và lộ thông tin bảo mật cá nhân, mật mã giao dịch.

Trang web khiến anh Lộc mất tiền

Ngay sau đó, anh nhận được thông báo chuyển 50 triệu đồng từ tài khoản Vietcombank của anh qua ví điện tử Momo.

Biết bị lừa, anh không nhập mã OTP (mật mã sử dụng 1 lần) nhưng kẻ lừa đảo vẫn thực hiện lệnh chuyển tiền lần lượt 50 triệu đồng, mỗi lần 1 triệu đồng; lúc đó trong tài khoản anh Lộc có 110 triệu đồng. Cho đến khi được một nhân viên Vietcombank chi nhánh Huế can thiệp, khóa tài khoản, anh đã bị rút 50 triệu đồng.

Ngay sau đó, anh Lộc đã gửi đơn đến Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế trình bày vụ việc.

Trong thông báo chính thức của mình, Vietcombank cho biết hành vi lừa đảo trên của kẻ gian là không mới, nhiều ngân hàng đã liên tục cảnh báo về việc này trong đó có ngân hàng này.

Vietcombank khuyến cáo khách hàng Tuyệt đối KHÔNG được:

1. Mở tài khoản và đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho người khác sử dụng.

2. Tiết lộ tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập, mã PIN của bất kỳ dịch vụ ngân hàng điện tử, mã OTP, mã kích hoạt dịch vụ cho bất cứ ai qua bất kỳ kênh nào như điện thoại, email, mạng xã hội, ứng dụng, website, đường link lạ…

3. Chuyển tiền, nạp tiền vào số điện thoại do người khác chỉ định để làm thủ tục nhận thưởng/khuyến mại của ngân hàng.

4. Không truy cập vào các đường link lạ, cẩn thận với những email, tin nhắn hoặc các cuộc gọi thông báo trúng thưởng, nhận tiền, cảnh báo tài khoản bạn bị nghi ngờ xâm nhập trái phép kèm theo việc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thông tin truy cập dịch vụ.

5. Sử dụng tên truy cập và mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử làm mật khẩu truy cập các hệ thống khác ngoài ngân hàng…

NÊN thực hiện:

1. Thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến, Mobile Banking ngay lập tức sau khi phát hiện ra mình vừa click vào các đường link nghi ngờ giả mạo hoặc vô tình trả lời thông tin cho người lạ gọi tới.

2. Đăng ký sử dụng đồng thời dịch vụ SMS Banking để nhận tin nhắn thông báo biến động số dư để ngay lập tức biết được những giao dịch trên tài khoản nhằm hạn chế rủi ro và tổn thất đến mức thấp nhất.

3. Khi nhận được tin nhắn OTP, cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn (thông thường bao gồm: loại giao dịch, số tiền giao dịch, kênh giao dịch). Nếu nội dung tin nhắn không khớp đúng với giao dịch do chính khách hàng đang thực hiện, Quý khách tuyệt đối không nhập mã OTP này vào bất kỳ trang web nào hoặc tiết lộ cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức.

4. Khi hệ thống đang xử lý giao dịch, không thoát khỏi màn hình giao dịch và chờ thông báo kết quả từ hệ thống trước khi thực hiện các giao dịch khác.

5. Luôn nhớ Đăng xuất/Thoát khỏi hệ thống sau mỗi lần truy cập các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Tác giả: Sơn Ca

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP