Xã hội

Tìm được một người tàn tật, sẽ được trả công... 2 triệu đồng?!

“Chỉ cần anh tìm được một người tàn tật đưa đến đây, tôi sẽ trả công 2 triệu đồng, nếu tìm được nhiều người thì số tiền cứ nhân lên. Những việc khác như ăn ở, đưa đi đón về để bán hàng tôi lo tất”, một người đàn ông tự nhận là “quản lý” của cụ già đang bán hàng rong giữa trưa hè nói.

Dù nắng hay mưa, cụ già 76 tuổi vẫn ngồi từ sáng đến đêm bán hàng rong tại nút thắt giao thông Lê Văn Lương. Nhân vật Ch. (khoanh đỏ) luôn đứng từ xa quan sát. Ảnh: PV

Những “thủ thuật” bán hàng rong

Sau khi đăng tải bài viết về việc một người đàn ông hàng ngày đưa đón nhóm người tàn tật đến các điểm bán hàng rong như nút giao thông Linh Đàm - Nghiêm Xuân Yêm; ngã tư Giải Phóng để bán hàng rong, Báo Gia đình & Xã hội tiếp tục nhận được những phản ánh tương tự của người dân. Theo đó, trên địa bàn Hà Nội có nhiều người, nhóm người chuyên thu gom những trường hợp người già, tàn tật về ở tại một nhà trọ, sau đó buổi sáng sớm đưa họ ra đường bán hàng rồi đêm muộn mới đón về nhà trọ.

Trong số nhiều trường hợp, chúng tôi dành thời gian dài tìm hiểu trường hợp cụ già 76 tuổi quê ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa thường xuyên xin tiền và bán hàng tại ngã tư Lê Văn Lương – Khuất Duy Tiến khiến nhiều người ứa nước mắt. Mỗi buổi sáng, cụ được một người đàn ông chở xe máy đến đây rồi giao cho giỏ hàng gồm tăm bông, bút, kẹo cao su… Thời tiết đầu hè nắng nóng nhưng cụ với dáng vẻ tật nguyền vẫn oằn mình chống chọi chứ không dám rời chỗ. Nhiều hôm cơn mưa bất ngờ ập xuống, cụ ướt sũng người, miệng liên tục kêu rên...

Như lịch trình định sẵn, khoảng 22h đêm, một người đàn ông đi xe máy tới chở cụ già về một phòng trọ lụp xụp nằm sâu trong con ngõ 345 đường Khương Trung, phường Khương Đình (Thanh Xuân - Hà Nội). Đáng lưu ý, trong lúc cụ già bán hàng, người đàn ông này thường dựng xe máy dưới một tán cây gần đó hoặc ngồi tại các quán vỉa hè để quan sát. Một người dân làm việc gần khu vực này cho hay, sở dĩ người đàn ông này thường xuyên quan sát để tránh việc cụ già cất giấu tiền riêng hoặc ăn gian số lượng hàng đã bán.

Nhìn bộ dạng đáng thương của cụ già với gương mặt đen sạm, mái tóc lơ phơ bạc, không ít người đi đường không ngần ngại dừng xe giữa trưa nắng để mua một thứ gì đó hoặc cho cụ già vài đồng tiền lẻ. Theo tiết lộ, số tiền mỗi ngày cụ già kiếm được từ việc bán hàng rong lên tới vài trăm nghìn đồng.

Lối về phòng trọ lụp xụp nằm sâu trong con ngõ 345 đường Khương Trung, phường Khương Đình (Thanh Xuân - Hà Nội) của Ch. và cụ già bán hàng rong.

Như một “thủ thuật” để kiếm được nhiều tiền nhờ lợi dụng lòng thương của người tham gia giao thông, buổi sáng người đàn ông nói trên sẽ đưa cụ già bán hàng rong ở phía đèn đỏ bên phải hướng đi đường Lê Văn Lương – Tố Hữu, còn buổi chiều chuyển về ngồi ở nút giao thông hướng đường Khuất Duy Tiến về Phạm Hùng. Có hôm buổi tối, người này yêu cầu cụ già di chuyển sang một khu vực khác để tiếp tục xin tiền người đi đường.

Qua hỏi chuyện, cụ già cho biết: “Công việc bán hàng rong thế này tuy vất vả nhưng đủ trang trải cuộc sống”. Hỏi về nghi vấn bị “chăn dắt” để trục lợi, cụ già đảo mắt nhìn về hướng người đàn ông đang quan sát từ phía xa rồi cúi mặt không nói. Được biết, trước đây ngoài cụ già còn có một người phụ nữ tàn tật khác nữa cùng được một người đàn ông đưa ra đường bán hàng rong nhưng hiện tại người phụ nữ này đã chuyển đi nơi khác.

Lộ diện “quản lý” người tàn tật

Chân dung của Ch. – Người tự giới thiệu muốn tìm những người tàn tật để “hợp tác làm ăn”.

Trong vai là một người đang gặp khó khăn và có nhu cầu đi tìm việc làm, chúng tôi lại gần chỗ người đàn ông đang ngồi trên xe máy quan sát việc bán hàng rong của cụ già để hỏi chuyện. Sau khi lấy được lòng tin, người này giới thiệu tên Ch., quê ở Thanh Hóa và đang quản lý một số người tàn tật để bán hàng rong. Nghe chúng tôi nói về một số trường hợp người tàn tật không có việc làm, Ch. gợi chuyện: “Chỉ cần anh tìm được một người tàn tật, đi lại bước cao, bước thấp hoặc tay chân bị dị tật nhưng đừng nói ngọng vì khó bán hàng, tôi sẽ trả công cho 2 triệu đồng. Nếu tìm được hai hay nhiều người tàn tật càng tốt, số tiền trả công sẽ nhân lên. Việc ăn ở, đi lại hay ốm đau tôi lo tất. Anh cứ nói với gia đình họ là ra chợ ngồi ghế bán tăm rất nhẹ nhàng chứ đừng nói phải bán rong ở đường. Mỗi tháng, tôi sẽ trả cho họ từ 2,5 đến 3 triệu đồng”.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của Báo Gia đình & Xã hội, lực lượng công an và chính quyền địa phương đã vào cuộc kiểm tra nơi ở trọ của người đàn ông nói trên và cụ già chuyên bán hàng rong. “Công an phường đã trực tiếp xuống địa bàn kiểm tra, thậm chí mời cả ông Ch. và cụ già lên phường làm việc. Thế nhưng họ nói rằng quen biết từ lâu nên ở chung và không có sự cưỡng ép ràng buộc nào nên rất khó xử lý”, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng Công an phường Khương Đình (Thanh Xuân – Hà Nội) thông tin.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hà Nội cho biết, Sở đã giao cho các quận, huyện, xã, phường kiểm tra những người lang thang, người tàn tật có dấu hiệu bị chăn dắt hoặc có hành vi xin ăn thì sẽ tập trung về các Trung tâm bảo trợ - xã hội theo quy định. Hiện tại Sở cũng đã thành lập 3 đội trật tự để phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành lập biên bản các hành vi người già, trẻ em, người tàn tật xin ăn để đưa về các Trung tâm bảo trợ. Về phản ánh của báo nêu, đại diện Sở cho biết sẽ rất khó xử lý nếu không có sự phối hợp của chính những người tàn tật có dấu hiệu đang bị chăn dắt, trục lợi.

Khó xử lý hình sự

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, luật sư La Văn Thái (Giám đốc Công ty luật Tầm nhìn và Thịnh vượng) cho biết: Chứng kiến hình ảnh người già, người khuyết tật dãi nắng, dầm mưa trên khắp các tuyến đường đi xin tiền, bán hàng khiến ai cũng thương tâm. Họ đều là những người không có khả năng tự vệ, chấp nhận bị hành xác để tự kiếm được khoản tiền ít ỏi trong khi những kẻ khỏe mạnh lại chọn cách kiếm sống bằng việc “ký sinh” trên thân thể người khác. Hành động trên của những kẻ chăn dắt là vô nhân đạo, tàn nhẫn, bất cứ ai, xã hội nào cũng không thể chấp nhận được.

“Từ những phản ánh của Báo cho thấy những nhân vật như ông K, ông Ch. có dấu hiệu chăn dắt những người già, người tàn tật để trục lợi. Ở đây chúng ta thấy họ đã dùng nhiều thủ đoạn, họ đã buộc những người già và người tàn tật đi bán hàng rong, xin tiền về cho họ và được trích một khoản để trả công. Tuy nhiên, để đủ chứng cứ luận tội và xử lý hình sự đối với những người này thì rất cần sự tố giác của chính những người bị chăn dắt”, luật sư Thái cho biết.

Tác giả: Nhóm phóng viên

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

  Từ khóa: người tàn tật ,ăn xin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP