Giáo dục

Học sinh viết cam kết vì điểm thấp: Có gì tranh cãi?

Theo GS Phố, cần phải phân định nhiệm vụ của nhà trường và phụ huynh, không thể đổ mọi áp lực dạy dỗ, rèn luyện học sinh lên nhà trường.

Thông tin 5 học sinh lớp 6 trường THCS Lê Lợi (quận 3, TP.HCM) phải viết bản cam kết với nội dung xin lỗi vì điểm kiểm tra thấp và hứa lần sau sẽ học bài kỹ để điểm cao hơn đang được nhiều người quan tâm. Bản cam kết có chữ ký của học sinh và phụ huynh.

Được biết, sau sự việc trên, nữ giáo viên đã nộp bản tường trình và nhà trường đã báo cáo sự việc lên Sở GD-ĐT TP.HCM.

Đại diện trường THCS Lê Lợi và Sở GD-ĐT TP cho biết, cô giáo bắt học sinh viết cam kết phải đạt điểm cao xuất phát từ động cơ tốt nhưng phương pháp chưa phù hợp khiến phụ huynh không đồng tình. Nhà trường đã tiến hành rút kinh nghiệm, có sự điều chỉnh để tìm cách giáo dục tốt hơn

GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn, chia sẻ với Đất Việt, câu chuyện trên và nhiều sự việc khác trong ngành giáo dục thời gian qua cho thấy giáo viên đang chịu áp lực lớn trong việc dạy dỗ, rèn luyện học sinh.

Bản cam kết do học sinh lớp 6/2 viết. Ảnh: Zing/Giáo viên cung cấp.

Đối với sự việc cụ thể nói trên tại trường THCS Lê Lợi, ông cho rằng chuyện không có gì phải ồn ào, tranh cãi. Hành động của nữ giáo viên xuất phát từ động cơ tốt, muốn học sinh chịu khó học tập, rèn luyện, đạt điểm cao để sau này thành người có ích cho đất nước. Vấn đề là gia đình cần phải hỗ trợ, giúp đỡ nhà trường, các thầy cô giáo, không thể đổ thừa cho nhà trường gây áp lực cho học sinh.

Nhìn rộng ra, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn cho biết, trong hệ phổ thông, học sinh được dạy kiến thức từ cấp 1, lên cấp 2, cấp 3, tùy theo trình tự tiến lên mà dạy kiến thức ngày càng lớn cho các em.

Riêng cấp 3, có thể tạo điều kiện cho học sinh sáng tạo nhưng trong hệ phổ thông vẫn là trang bị cho các em kiến thức cơ bản, từ những kiến thức cơ bản đó các em sáng tạo ở trong thời kỳ đại học và sau đại học.

"Nhiều ý kiến đòi hỏi chương trình giảng dạy phải làm sao để học sinh sáng tạo, nhưng sáng tạo phải trên một nền móng có sẵn, đã đủ kiến thức. Người thông minh rất ít, thành tài là do thông minh cộng với cần cù, chăm chỉ tạo thành.

Điểm này hiện nay nhiều người phân định không rõ ràng: giai đoạn phổ thông và đại học trang bị kiến thức khác nhau. Ở thời kỳ phổ thông, học sinh được trang bị các kiến thức cơ bản để lên đại học phát huy sự sáng tạo của mình.

Ở thời kỳ đại học, học sinh vừa học vừa sáng tạo nên các trường dạy tín chỉ là vì thế: để các em tự do lựa chọn phương pháp học, có thể một lúc học nhiều giáo trình và nhiều trường để lấy bằng khác nhau nếu muốn.

Về phía nhà trường, có nhiệm vụ trang bị kiến thức cho các em. Học sinh phải chịu khó học, chứ nhà trường không thể đảm nhiệm toàn bộ việc dạy dỗ các em. Nhà trường và phụ huynh cùng góp sức để giáo dục con người cho các em, nhưng phụ huynh phải chịu trách nhiệm trong vấn đề giáo dục và hướng cho các em đi. Còn ở trường, thầy cô giáo gương mẫu, dạy làm sao cho các em tiếp thu kiến thức cho tốt, phát triển, đồng thời hỗ trợ cùng gia đình giáo dục đạo đức cho các em", GS.TSKH Phạm Phố phân tích.

Nguyên tắc là như vậy, nhưng thực tế hiện nay nhiều phụ huynh khoán thẳng việc giáo dục kiến thức, đạo đức con em mình cho các thầy cô, còn bản thân gia đình, phụ huynh không có trách nhiệm gì.

Nhiều khi thầy dạy trò không được thì sinh nóng giận, cho roi vọt, lúc ấy phụ huynh lại phản ứng. GS Phố nói thẳng đó là sai lầm. Học sinh trong giai đoạn phổ thông chưa thể tự giác được, phải "cưỡng bức" theo một phương hướng, tất nhiên phương hướng ấy phải đúng.

"Không thể đổ thừa áp lực cho nhà trường, phải phân định nhiệm vụ của nhà trường đến đâu, phụ huynh đến đâu. Nhiều câu chuyện đau lòng nảy sinh từ việc bố mẹ lo làm ăn, con cần tiền cứ chi tiền ra cho con mà không quan tâm đến giáo dục, đổ hết cho nhà trường, trong khi như đã nói, giáo dục đạo đức, phương hướng cho các em chủ yếu là gia đình.

Nhiều trường hợp thầy "hết thuốc chữa" với trò, đánh thì không dám nên nhà trường phải yêu cầu phụ huynh chịu trách nhiệm giáo dục con em mình, thầy không thể nói được vì không có mình", GS Phố nhấn mạnh.

Vị chuyên viên cũng nhắc lại đề xuất lắp camera trong lớp học gây tranh cãi trong thời gian qua. Khẳng định giáo viên có quyền riêng của mình, học sinh đến trường thì người thầy có trách nhiệm dạy dỗ kiến thức và đạo đức làm người, GS Phạm Phố cho rằng phụ huynh không thể đòi giám sát qua camera như vậy.

Từ những phân tích trên, một lần nữa GS Phố lưu ý, không nên gây áp lực quá nặng nề lên giáo viên và phụ huynh phải có trách nhiệm phối hợp với nhà trường dạy dỗ con em mình.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP