Pháp luật

Giảng viên ĐH Tôn Đức Thắng bị khởi tố tội 'Vu khống', luật sư nói gì?

Luật sư cho rằng, Tiến sĩ Phạm Đình Quý bị khởi tố về tội "Vu khống" nhưng việc này chưa khẳng định bị can có tội hay không.

Liên quan vụ Tiến sĩ Phạm Đình Quý - Giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, TP.HCM) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "Vu khống", luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cơ quan CSĐT khởi tố Tiến sĩ Quý vì trong quá trình lấy lời khai, thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra nhận thấy ông Quý có dấu hiệu thực hiện hành vi phạm tội nên khởi tố bị can để điều tra.

Tuy nhiên, việc khởi tố chưa khẳng định bị can có tội hay không mà phải đến khi bản án có hiệu lực mới kết luận.

"Theo Điều 13 Suy đoán vô tội của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án có hiệu lực pháp luật.

Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.

Theo quy định trên, việc khởi tố bị can thực hiện hoạt động điều tra chỉ là một giai đoạn để cơ quan tiến hành tố tụng chứng minh người đó có hay không thực hiện hành vi phạm tội.

Trong qua trình điều tra, truy tố, xét nếu phát hiện không có việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm thì cơ quan CSĐT, VKS, tòa án vẫn có thể đình chỉ điều tra, truy tố, tuyên bố không phạm tội đối với người bị khởi tố", luật sư phân tích.

Tiến sĩ Phạm Đình Quý hiện là giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, TP.HCM).

Nói về việc ông Quý bị bắt khi đang đi ăn cùng vợ vào tối 23/9, luật sư Lực cho hay, việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định tại Điều 10 "Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về thân thể" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của VKS, trừ trường hợp phạm tội quả tang.

Nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe của con người".

Qua diễn biến vụ việc cùng những thông tin mà Công an Đắk Lắk cung cấp, luật sư cho rằng đây là trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong đó quy định người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều luật này và quy trình giữ người phải đúng quy định của pháp luật.

Theo quy định này, cơ quan Công an tỉnh Đắk Lắk có quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp nếu phát hiện có dấu vết của tội phạm ở người, tại chỗ ở, nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Trong hồ sơ phải có chứng cứ, tài liệu xác định có dấu vết, tài liệu, đồ vật của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm đó; tài liệu, căn cứ xác định người đó bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Tuy nhiên, việc thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Trong đó, việc bắt giữ người nếu không có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường nơi bắt người thì đây là hành vi không tuân thủ đúng quy định.

"Việc ông Quý được đưa đến cơ quan công an ở TP.HCM để làm việc rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk, thể hiện cơ quan điều tra đã ban hành quyết định tạm giữ và ra lệnh bắt giữ người. Trong trường hợp có quyết định tạm giữ, lệnh bắt giữ người thì cơ quan công an có quyền di lý người đó về trụ sở cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, nếu cơ quan công an không thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người cho gia đình người bị giữ, bị bắt là chưa tuân thủ đúng quy định tại điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự", luật sư này nhấn mạnh.

Hiện nay, dù dư luận đang xôn xao về vụ việc nhưng cơ quan CSĐT cho biết sẽ không cung cấp thông tin với lý do vụ án đang được điều tra. Về việc này, luật sư Lực cho rằng, cơ quan công an nên công khai những thông tin về vụ việc để thể hiện tính minh bạch, đúng đắn mà không làm lộ bí mật điều tra.

Ngoài ra, gia đình người bị giữ, bị bắt đang có đơn thư khiếu nại nên trong thời gian tới cơ quan công an sẽ phải có văn bản trả lời cho người khiếu nại biết rõ căn cứ, lý do tính hợp pháp, đúng đắn trong việc giữ, bắt người đối với ông Quý.

Tối 23/9, ông Phạm Đình Quý đang đi ăn cùng vợ thì có cán bộ công an đến gặp và yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin. Sau đó, công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Tiếp đó, ông Quý được đưa đến cơ quan Công an TP.HCM để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk.

Ngày 24/9, mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin cho rằng ông Quý bị Công an Đắk Lắk khởi tố và bắt tạm giam. Do đó, ngày 25/9, người nhà ông Quý đã có đơn cầu cứu gửi các cơ quan trung ương, địa phương.

Trưa 28/9, đại diện ĐH Tôn Đức Thắng (Quận 7, TP.HCM) xác nhận thông tin TS Phạm Đình Quý - Giảng viên khoa Khoa học Thể thao của Trường bị công an mời làm việc tối 23/9. Tuy nhiên, về nguyên nhân thì vị đại diện này cho biết trường không nắm được. Kể cả việc ông Quý bị mời làm việc, trường cũng chỉ biết thông tin qua báo chí.

"Chúng tôi có biết việc thầy Quý bị công an mời làm việc qua báo chí. Tuy nhiên nguyên nhân thì chúng tôi cũng không rõ", đại diện ĐH Tôn Đức Thắng nói.

Tác giả: TÙNG LÂM

Nguồn tin: Báo VTC News

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP