Xã hội

Độc chiêu hút khách của “vua báo dạo” thành Vinh

Gần 30 năm gắn bó với “sạp báo di động”, ông Đinh Văn Thuận đã rong ruổi hết từng con đường, ngõ hẻm của TP Vinh (Nghệ An) để cập nhật thông tin đến từng gia đình. Ông được bạn đọc thành Vinh yêu mến gọi là “vua báo dạo”.

Không phải là PV, nhà báo sản xuất ra tin, bài nhưng ngót nghét 30 năm nay, ông Đinh Văn Thuận (SN 1943, trú tại đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Vinh, Nghệ An) lại gắn bó với báo chí như một kiếp duyên. Ông được bạn đọc thành Vinh biết đến là người bán báo lâu năm nhất ở đây.

Với người dân TP Vinh, hình ảnh ông già có dáng người nhỏ thó, râu tóc bạc trắng, đầu đội nón lá ngồi trên chiếc xe đạp cũ xuất hiện trên các con đường, ngõ hẽm đã không còn xa lạ. Không kể ngày nắng hay mưa, gần 30 năm nay, ông vẫn cần mẫn đem đến thông tin kịp thời cho bạn đọc thành Vinh.

Ông Thuận sinh ra ở mảnh đất thuần nông Hải Hậu (tỉnh Nam Định). Năm 21 tuổi, gia đình ông chuyển vào TP Vinh sinh sống và trở thành công nhân giao thông thuộc xí nghiệp Giao thông IV. Năm 1989, ông Thuận có quyết định nghỉ hưu. Với đồng lương hưu trí ít ỏi, để trang trải cuộc sống gia đình, ông phải làm thêm nhiều việc khác nhau như: Cắt tóc, bán bánh mỳ, bán kem… Cho đến khi ông chuyển qua công việc bán báo dạo và nó đã theo đuổi ông gần 30 năm nay. Mãi tới bây giờ, khi đôi chân đã yếu đi, ông vẫn chọn công việc bán báo làm thú vui cuối đời.

Gần 30 năm bán báo dạo, ông Thuận đã tỏ tường từng con đường, ngõ hẻm của thành Vinh. ẢNH: LÊ QUYẾT

Ông Thuận kể lại, vào những năm của thập niên 90, người dân thành Vinh không có internet, các phương tiện nghe nhìn như: “Tivi, đài radio lúc bấy giờ đếm trên đầu ngón tay. Tôi vốn thích đọc sách báo, tìm hiểu thông tin thời sự nhưng lúc này sách báo cũng là thứ “xa xỉ” rất khó tiếp cận.

Để được đọc báo miễn phí tôi đã nghĩ đến việc đi bán báo. Công việc này sẽ giúp mình tiếp cận thông tin dễ hơn, vừa là công việc kiếm thêm thu nhập. Ấy thế mà ngót nghét nó đã theo tôi gần 30 năm nay rồi. Nhờ nó mà tôi có nguồn thu nhập thêm để nuôi sống gia đình”, ông Thuận tâm sự.

Cứ đều đặn mỗi sáng, khi trời còn chưa rạng thì ông đã lọc cọc trên chiếc xe đạp có mặt ở bưu điện tỉnh để nhận báo rồi mang đi trả cho các sạp báo, các gia đình đặt báo định kỳ. Sau đó, ông mới đạp chiếc xe đạp có gắn loa phát thanh đi bán báo dạo. Từ con ngõ này đến con ngõ khác, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp ông.

Thành Vinh vào thời điểm bấy giờ, khi mà công nghiệp chưa phát triển thì nghề xe ôm, đánh giày, bán báo dạo là nghề có thu nhập khá của tầng lớp lao động TP.

Bởi vậy, không chỉ ông mà lúc ấy cũng có rất nhiều người bán báo dạo. Thế nhưng để “hút” khách mua báo không phải ai cũng làm được. Ông kể, ngày mới vào nghề cũng bán “kém” lắm. Sau này, nhờ nhanh trí, ông đã tìm ra “độc chiêu” giúp khách chú ý mình và mua báo nhiều. Độc chiêu mà ông dùng chính là học thuộc lòng và đọc vanh vách các bài thơ của nữ chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, truyện Kiều của Nguyễn Du và các bài Vịnh thơ khiến khách hàng rất thích thú.

Làm được điều này là nhờ vào sở thích ham đọc sách báo và bản tính tếu táo, hài hước của ông. Có ngày, ông bán được hàng trăm tờ báo, ngày ít nhất cũng 40-50 tờ. Ngày nay, với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, số lượng phát hành đã giảm, ông cũng bán được ít hơn. Nhiều người từng làm nghề như ông đã bỏ cuộc để chuyển sang công việc khác, tuy vậy ông vẫn bám trụ như một duyên nợ.

Năm nay, ông Thuận đã bước qua tuổi 74, sức khỏe và đôi chân đã yếu hơn nhiều, nhưng vẫn đều đặn vào 5g sáng, ông lại trở dậy để lặng lẽ với công việc của mình. Ông Thuận so sánh, “việc bán báo luôn phải kịp thời để bạn đọc cập nhật thông tin thời sự sớm nhất. Tin tức cũng giống như thưởng thức ẩm thực vậy, món ăn sau khi chế biến xong phải thưởng thức ngay, để nó nguội thì chúng trở nên vô vị”.

Trong giai đoạn bùng nổ công nghệ, khi mà báo điện tử đang “lên ngôi” thì người đọc báo giấy đang vơi dần. Độc chiêu bán báo trước của ông không còn phát huy tác dụng, ông lại chuyển sang cách làm mới. Theo ông, bí quyết bán được báo trong giai đoạn hiện nay đã thay đổi. Trước khi đi bán báo, ông thường đọc qua các bài báo giật gân, các bài báo dư luận quan tâm rồi đọc thu âm qua chiếc điện thoại, sau đó copy sang chiếc USB để phát qua loa.

Ông Thuận chia sẻ: “Trước đây, tôi bán báo là để mưu sinh, nuôi sống gia đình, còn bây giờ tuy tuổi đã cao, công việc có vất vả, thu nhập thấp hơn trước nhưng tôi cũng không thể bỏ nghề này được. Bán báo đã cho tôi đọc báo miễn phí và khách hàng của tôi đang trông chờ tôi đưa báo vào mỗi sáng, đó là những khách hàng quen thuộc từ mấy chục năm nay. Ngày nào còn sống, còn đạp xe được thì tôi vẫn tiếp tục công việc này”.

Tác giả: Lê Quyết
Nguồn tin: PL&XH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP