► Hiện trường vụ việc không thuộc khu vực cấm chụp ảnh
► Công an ‘gạt tay vào má’ phóng viên trên cầu Nhật Tân: Việc rõ như ban ngày mà kết luận thế được sao?
► Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Công an Hà Nội không nên kỷ luật chiến sỹ ‘gạt tay vào má’ phóng viên
► Công an Hà Nội nói nhà báo Quang Thế bị “gạt tay vào má”
Trong vụ việc xảy ra trên cầu Nhật Tân ngày 23-9, từ vị trí những người ngăn cản nhà báo tác nghiệp (bìa trái) đến vị trí chiếc taxi có tài xế tự tử (bìa phải) còn có rất đông người, không rõ vị trí nào là ranh giới hiện trường vụ việc - Ảnh cắt từ clip
Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, khi ra quyết định xử phạt hành chính, cá nhân, cơ quan ban hành quyết định xử phạt phải chứng minh được lỗi của người vi phạm.
Trong vụ việc này, anh Quang Thế không vi phạm những lỗi liên quan đến bí mật nhà nước, khu vực được xem là bí mật (có giới hạn về ranh giới bằng hàng rào rõ ràng). Đối chiếu điều 1 pháp lệnh số 30/2000, địa điểm xảy ra vụ việc trên cầu Nhật Tân không thể là bí mật nhà nước.
Tương tự, theo thông tư số 28/2014 quy định về công tác điều tra hình sự, địa điểm xảy ra vụ án không được xem là bí mật nhà nước.
Do vậy, Công an quận Tây Hồ xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà báo Quang Thế theo các lỗi quy định tại điểm d, e khoản 1 điều 18 nghị định 167/2013 là không có cơ sở pháp lý.
Theo luật sư Nông, Công an quận Tây Hồ phạt phóng viên Quang Thế 4 triệu đồng đối với hai hành vi “vào khu vực cấm, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép” và “chụp ảnh tại khu vực cấm” là thiếu căn cứ.
Bởi lẽ, căn cứ khoản 1 điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, phóng viên Quang Thế không có lỗi, không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước.
Phóng viên Quang Thế (trái) tác nghiệp tại cầu Nhật Tân và phía sau là cảnh sát hình sự Đông Anh (Hà Nội) - Ảnh cắt từ clip
Theo các quy định của Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000 thì việc phóng viên Quang Thế tác nghiệp tại cầu Nhật Tân là không xâm phạm bí mật nhà nước, không vào khu vực cấm vì khu vực này là khu vực công cộng, chưa được cơ quan, tổ chức nào xác lập khu vực, địa điểm cấm.
Nếu vì lý do để bảo vệ hiện trường, điều tra, truy tìm dấu vết, vật chứng vụ án, khám nghiệm hiện trường... người thực thi công vụ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục xác định, khoanh vùng hiện trường, khu vực cấm, hạn chế người không có phận sự tiếp cận, xâm nhập.
Việc xác định phải tuân thủ theo quy định tại điều 7 thông tư số 12/2002/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn nghị định 33/2002/CP.
Còn luật sư Hoàng Cao Sang cho rằng Công an quận Tây Hồ xử phạt phóng viên Quang Thế có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức là không có căn cứ vì cơ quan ra quyết định xử phạt không chứng minh hoặc đưa ra được hành vi vi phạm của phóng viên này.
Đối với các hành vi khác như: lợi dụng tư cách nhà báo can thiệp cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi cơ quan công an chứng minh được lỗi của người vi phạm.
* Bà Vũ Thị Hương (Học viện Tư pháp): Quyết định xử phạt sai cả hình thức lẫn nội dung Quyết định xử phạt của Công an quận Tây Hồ không căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính. Theo như phóng viên Quang Thế cho biết khi xảy ra vụ việc thì công an không lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu không lập biên bản vi phạm thì việc xử phạt phóng viên Quang Thế căn cứ vào tài liệu nào? Giả sử nếu có lập biên bản vi phạm hành chính thì tại sao Công an quận Tây Hồ lại không viện dẫn tại quyết định xử phạt nêu trên? Từ căn cứ nêu trên có thể thấy quyết định xử phạt phóng viên Quang Thế của Công an quận Tây Hồ sai cả về hình thức lẫn nội dung, trái luật và không có giá trị pháp lý. Tâm Lụa ghi |
Tác giả bài viết: YẾN TRINH - TÂM LỤA - ÁI NHÂN