Kinh tế

Xây dựng thương hiệu những 'món ngon Nam Đàn'

Là địa phương có nhiều ngành nghề truyền thống, huyện Nam Đàn đang tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng và đạt chất lượng. Đây là hướng đi nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Gia đình ông Hồ Sỹ Cảnh, ở xóm 5 xã Nam Anh trồng 2 sào sắn dây. Trước đây ông trồng sắn dây chỉ để phục vụ gia đình; nhưng mấy năm gần đây khi cây trồng này trở thành cây hàng hóa, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng trên đồi, bình quân mỗi sào đạt xấp xỉ từ 1 - 1,3 tấn củ, mỗi tạ sắn tươi có giá bán 1 triệu đồng/tạ củ; 2 sào sắn dây mang lại thu nhập từ 20 - 25 triệu đồng cho gia đình ông Cảnh. Sắn dây là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, không dùng thuốc trừ sâu, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp, tự nhân giống cho các vụ liền kề, khả năng chịu hạn tốt, nhất là đất đồi vệ cao.

Nam Anh là xã có diện tích phát triển cây sắn dây tương đối lớn, đặc biệt là tập trung chế biến tinh bột sắn. Hiện trên địa bàn xã có gần 30 ha sắn dây để chế biến tinh bột, ngoài ra bà con còn thu mua từ các xã như Nam Xuân, Nam Hưng, Nam Nghĩa để về chế biến. Trong khi đó, nếu chế biến 1 tạ củ có thể cho ra từ 20 - 22 kg tinh bột, với giá bán hiện tại 140.000 - 160.000 đồng/kg, như vậy, 1 ha sắn dây cho thu nhập trên 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích.
Sản phẩm bún, miến khô của làng Quy Chính, xã Vân Diên (Nam Đàn) được xây dựng thương hiệu bảo hộ. Ảnh: Thanh Lê

Không chỉ ở xã Nam Anh, cây sắn dây ở huyện Nam Đàn được trồng từ nhiều năm nay và có thể xem là cây trồng truyền thống, chủ lực ở vùng núi Đại Huệ. Sản phẩm này đang được nhiều người biết đến, bởi cây sắn dây Nam Đàn có nhiều đặc tính vượt trội để khi chế biến thành tinh bột sẽ cho ra sản phẩm trắng mịn, thơm, chất lượng hơn hẳn so với loại sắn dây được trồng ở vùng khác.

Tuy nhiên, từ hàng chục năm nay người dân ở đây vẫn sản xuất bằng phương pháp nông nghiệp truyền thống, mà chưa có tư duy gây dựng thương hiệu riêng cho nông phẩm. Từ thực trạng đó, huyện Nam Đàn đang phối hợp với Tổ chức JICA của Nhật Bản xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ bột sắn dây trong năm 2017 nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. Đồng thời đây là sản phẩm phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương.

Ông Hồ Sỹ Cảnh phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi trồng và chế biến tinh bột sắn dây nhiều năm nay nhưng chưa nghĩ tới việc tạo nhãn mác riêng, hay thương hiệu cho sản phẩm. Từ khi được Dự án JICA hỗ trợ phát triển sản phẩm, gia đình tôi hiểu, và mong muốn tạo dựng được thương hiệu riêng”. Bột sắn làm ra đều được đóng gói có dán nhãn mác, ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng của sản phẩm, tạo độ tin cậy cao đối với khách hàng về xuất xứ nguồn gốc, cũng như chất lượng của sản phẩm. Nhờ đó, giá thành đã được nâng lên lên từ 100.000 đồng/kg lên 150.000 đồng/kg.

Bún miến khô làng Quy Chính - xã Vân Diên cũng là một trong những sản phẩm được huyện Nam Đàn hướng tới xây dựng thương hiệu. Làng Quy Chính, xã Vân Diên có nghề làm bún bánh từ lâu đời và đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 2006. Cả làng có gần 200 hộ tham gia sản xuất bún bánh, phân bố đều ở 2 xóm Quy Chính 1 và Quy Chính 2.

Từ sản phẩm miến sạch, ngon nổi tiếng ở đây mà bà con đã có thu nhập khá hơn, góp phần đem lại cuộc sống no ấm, khá giả và diện mạo nông thôn mới khang trang cho làng. Tuy nhiên, sản xuất ở đây còn nhỏ lẻ, tự phát theo mô hình hộ gia đình, không có thương hiệu bảo hộ. Điều này đã khiến cho sản phẩm nông sản địa phương dù đạt chất lượng tốt, nhưng vẫn khó khăn để mở rộng thị trường.

Có 30 năm gắn bó với nghề làm bún, miến khô, bà Phan Thị Chín ở xóm Quy Chính 1 cho biết: “Sản phẩm làm ra chủ yếu bán cho khách quen chưa có đặt hàng thường xuyên và lâu dài, người dân mong muốn Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh, bún miến khô Quy Chính để sản phẩm của làng nghề có chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.

Để xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm truyền thống của làng Quy Chính, ngày 11/5/2017, xã Vân Diên đã thành lập Tổ hợp tác miến gạo, bánh đa được thành lập với 32 thành viên sẽ là nơi giúp các hộ liên kết với nhau từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng.

Với sự giúp đỡ của Dự án, đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp của Tổ chức JICA (Nhật Bản), tổ hợp tác sản xuất miến gạo, bánh đa Quy Chính sẽ đăng ký thương hiệu, nhãn mác tiến tới mở rộng thị trường trong cả nước nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập hơn nữa cho người làm nghề.

Trong những năm qua, nông nghiệp Nam Đàn đã có những chuyển biến rõ rệt, sản lượng nông sản sản xuất ra hàng năm ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, người nông dân sản xuất ra sản phẩm chủ yếu dành cho tiêu dùng trực tiếp; hệ thống thị trường tiêu thụ nông sản của huyện còn nhỏ bé, chưa tương xứng với khả năng sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường và giá bán tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp đối với những thị trường khó tính còn rất hạn chế.

Đặc biệt, trên địa bàn huyện Nam Đàn hiện có nhiều sản phẩm truyền thống và đặc trưng như tương Nam Đàn, bột sắn dây, hồng ngâm Nam Đàn, tinh bột nghệ, chanh quả, thịt me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, gà đồi Nam Thái, rượu Làng Sen, dầu lạc… Tuy nhiên đến nay, các sản phẩm này chưa được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Ví như sản phẩm tương Nam Đàn là đặc sản truyền thống nổi tiếng của huyện Nam Đàn, nhưng đang gặp vướng mắc trong vấn đề xác lập quyền sở hữu trí tuệ do tên gọi "tương Nam Đàn" đã được Công ty cổ phần Thủy sản Nghệ An đăng ký bảo hộ nhãn hiệu...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đàn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đưa vấn đề xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng là nhiệm vụ trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Không những thế, đây còn là nhiệm vụ trong phát triển du lịch huyện Nam Đàn giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, xác định tập trung vào xây dựng một số nông phẩm đặc thù, vừa có lợi thế cạnh tranh cao, vừa là sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách. Từ đó, tạo bước chuyển mới và tăng nguồn thu cho du lịch huyện nhà.

Để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, theo đồng chí Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, cho biết: HĐND huyện Nam Đàn khóa XX, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã ban hành Nghị quyết về khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, các làng nghề xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Mặt khác, Nam Đàn sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất làng nghề thủ công truyền thống nói chung ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, cải tiến mẫu mã, chủng loại sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh. Đồng thời, kêu gọi đầu tư và liên kết với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế của các sản phẩm.

Đặc biệt địa phương đang cùng tổ chức JICA của Nhật Bản thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản ở các làng nông, ngư nghiệp, trong đó tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của Nam Đàn phục vụ cho phát triển du lịch.

Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của Nam Đàn sẽ từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hình thành nên các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung và các sản phẩm nông sản đặc trưng riêng biệt của địa phương Nam Đàn, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Nam Đàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước.

Tác giả: Thanh Lê
Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP