Giáo dục

'Xã hội hóa giáo dục', hết sắm điều hòa đến xin mua laptop

Quỹ xã hội hóa vốn được sử dụng với mục đích tốt trong giáo dục, nhưng nhiều cá nhân lại đang lợi dụng khoản quỹ này để trục lợi, phục vụ mục đích riêng.

Các khoản thu xã hội hóa giáo dục được phục vụ cho trẻ ở trường. Ảnh: Quỳnh Trang.

Cứ đến đầu năm học mới, các trang mạng, hội nhóm phụ huynh lại bắt đầu “sục sôi” vì vấn đề thu quỹ đầu năm. Hàng loạt phụ huynh đăng bài, đặt câu hỏi vì sao các lớp liên tục thu một khoản lớn để đầu tư cho cơ sở vật chất phòng học dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”.

Ví dụ, trước thềm khai giảng, một phụ huynh đăng bài chia sẻ rằng hiệu trưởng triển khai cho các khối lớp 3 "xã hội hóa" mua tivi để phục vụ việc học của trẻ. Sau khi học xong, lớp sẽ tặng lại tivi cho nhà trường. Người mẹ này đặt câu hỏi vì sao tivi phụ huynh mua cho con lại phải tặng cho trường, quy định nào yêu cầu làm như vậy.

Một phụ huynh khác cũng đăng bài phản ánh ban phụ huynh lớp vận động đóng 500.000 đồng/học sinh để sửa chữa bàn ghế học và sơn lại lớp. Ngoài khoản đó, phụ huynh cần đóng thêm tiền cho những khoản như sửa điều hòa, máy chiếu, giặt rèm cửa sổ, đóng tiền điện điều hòa…

Hay mới đây, một giáo viên ở TP.HCM cũng vận động phụ huynh góp tiền để cô mua laptop cá nhân. Khi bị phản ánh, cô giáo lại nói cô xin laptop vì nghĩ đây là “xã hội hóa giáo dục”.

Nhiều lớp, nhiều trường dùng quỹ xã hội hóa để sắm điều hòa, rèm cửa, lắp mái che để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho trẻ. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

Quỹ xã hội hóa dùng để làm gì

Bàn về những phản ánh của phụ huynh trên mạng xã hội trong thời gian qua, cô T.N., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, nói rằng các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường đang bị sử dụng sai cách, thậm chí bị lợi dụng để trục lợi cho các cá nhân.

Những năm qua, xã hội hóa giáo dục được huy động trong toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp. Ví dụ, tại trường cô N. công tác, khi trẻ mới lên lớp một, các lớp sẽ kêu gọi đóng góp quỹ xã hội hóa để mua sắm các trang thiết bị cần thiết cho trẻ như tivi, máy chiếu, điều hòa, rèm cửa…

Những trang thiết bị này sẽ theo trẻ suốt 5 năm tiểu học và khi các em tốt nghiệp, mỗi lớp sẽ cùng thống nhất phương án xử lý. Theo đó, một số lớp thống nhất bán thanh lý, dùng tiền để tổ chức liên hoan, tặng quà cho trẻ, một số lớp khác lại thống nhất sẽ tặng lại cho nhà trường.

“Xã hội hóa phải được thực hiện ngay từ lớp một, đến khi các con lên lớp mới thì không cần xã hội hóa nữa vì đã có sẵn đồ dùng rồi. Nếu đồ dùng bị hư, hỏng, lớp sẽ trích quỹ lớp để sửa sang lại chứ không vận động thu thêm vì như vậy sẽ rất tốn tiền của phụ huynh”, cô N nói với Tri Thức - Znews.

Tương tự, chị V.A., phụ huynh tại một trường tiểu học tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết công tác xã hội hóa tại trường của con chị được thực hiện ngay từ khi trẻ lên lớp một.

Lớp của con chị khá may mắn vì được các anh chị khóa trước tặng lại điều hòa nên các phụ huynh vẫn chưa cần đóng khoản tiền này. Hàng năm, phụ huynh chỉ cần trích quỹ lớp để bảo dưỡng điều hòa.

Đến năm học 2024-2025, khi trẻ đã lên lớp 3, ban phụ huynh do chị V.A. làm trưởng ban mới tính đến chuyện thu quỹ xã hội hóa vì đang dự kiến triển khai một hạng mục khá lớn.

Do là trưởng ban phụ huynh, chị A. khá áp lực khi phải cân nhắc, tính toán các khoản thu, chi thật kỹ trước khi trình bày trước các phụ huynh trong buổi họp. Do nhiều nơi xảy ra nhiều vụ lợi dụng quỹ xã hội hóa, nữ phụ huynh càng phải cẩn trọng hơn trong chuyện tính toán các hạng mục.

Tại lớp của con chị V.A., khoản thu xã hội hóa được kêu gọi theo tinh thần tự nguyện, không cào bằng, không bắt ép. Ngoài việc thông tin rõ ràng, chi tiết về dự án, ban phụ huynh cũng phải minh bạch tài chính để các phụ huynh nắm rõ, từ đó mới yên tâm đóng quỹ.

"Không riêng quỹ xã hội hóa, các khoản quỹ khác trong lớp con tôi đều được thu theo tinh thần tự nguyện, không cào bằng. Vào đầu năm học, ban phụ huynh sẽ thông báo các khoản chi dự kiến trong một học kỳ, phụ huynh đồng tình mới tiến hành thu và sẽ không bắt ép. Những bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ được cả lớp hỗ trợ”, chị A. thông tin.

Trưởng ban phụ huynh cũng đau đầu khi thông báo lập quỹ xã hội hóa. Ảnh minh họa: Pexels.

Quỹ xã hội hóa sẽ tốt nếu được dùng đúng cách

Nói thêm về các khoản thu xã hội hóa, cô N. cho biết thông thường nhà trường, giáo viên chủ nhiệm sẽ định hướng cho ban phụ huynh nên thu, chi cho những hạng mục nào. Sau đó ban phụ huynh phổ biến trước lớp và sẽ chỉ tiến hành thu quỹ khi đã nhận được sự đồng ý của tất cả phụ huynh.

Trong trường hợp một số ít phụ huynh không đồng ý, ban phụ huynh sẽ cần cân nhắc lại, hoặc thuyết phục các phụ huynh đó để nhận được sự đồng thuận.

Nhìn chung, các khoản thu xã hội hóa đều phải thông qua sự đồng ý của nhà trường. Nếu khoản thu quá đáng ngờ hoặc không phù hợp, ban giám hiệu cũng có phần trách nhiệm trong đó vì không kiểm soát tốt hoạt động thu quỹ cha mẹ học sinh ở từng lớp.

“Làm giáo viên nhiều năm, tôi biết nhiều nơi, tình trạng lạm thu, lợi dụng xã hội hóa rất nhiều. Không ít phụ huynh bất mãn, muốn phản đối, nhưng họ vẫn đành phải đóng tiền vì sợ con thiệt thòi hoặc con bị trù dập”, cô giáo chia sẻ.

Cô N. luôn nhấn mạnh rằng quỹ xã hội hóa chỉ nên được thu, chi để phục vụ cho việc học của học sinh. Để nhận được sự ủng hộ từ phụ huynh khi kêu gọi đóng quỹ xã hội hóa, cô N. cũng khuyên rằng các ban phụ huynh nên có kế hoạch thu chi rõ ràng

Ngoài ra, ban phụ huynh và phụ huynh cũng cần có tiếng nói chung để đảm bảo các hoạt động thu, chi diễn ra thuận lợi, hiệu quả.

Chị V.A. cũng nêu quan điểm tương tự. Cá nhân chị thấy rằng các khoản xã hội hóa đều xuất phát từ mục đích tốt, ví dụ đóng quỹ mua điều hòa để cho trẻ được mát mẻ trong mùa hè, làm mái che để các con tránh mưa nắng, sửa hành lang để tránh sự cố đáng tiếc…

Do đó, nhìn chung, khi đưa ra kế hoạch xã hội hóa, các phụ huynh đều ủng hộ vì họ muốn tốt cho con. Vấn đề là làm sao có thể đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng về nguồn tài chính cũng như từng hạng mục triển khai. Khi đó, phụ huynh mới không thấy tiếc khi bỏ tiền cho con.

Hơn 2 năm làm trưởng ban phụ huynh, chị A. cho rằng để đạt được sự đồng thuận của cả lớp khi thu tiền xã hội hóa, phụ huynh cần đảm bảo tính minh bạch, thông tin đúng, đủ cũng như đảm bảo tính hợp lý của dự án cần thực hiện.

“Bây giờ phụ huynh đều thông thái, nắm bắt thông tin nhanh nhạy nên các ban phụ huynh cần minh bạch để tạo được sự đồng lòng trong tập thể lớp. Khi đó, mọi dự án có thể tiến hành suôn sẻ mà không vấp phải ý kiến trái chiều từ các phụ huynh”, chị V.A. khuyên.

Tác giả: Thái An

Nguồn tin: znews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP