Pháp luật

Vụ tự tử sau khi tòa tuyên án: Những khả năng xảy ra khi bị cáo đã chết

Sự việc ông Lương Hữu Phước (55 tuổi) tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước sau khi tòa tuyên án khiến dư luận quan tâm. TAND tối cao đã yêu cầu TAND tỉnh Bình Phước báo cáo và rút hồ sơ để xem xét.

Hiện trường nơi ông Phước tự tử - Ảnh: T.L

Vậy các diễn biến pháp lý liên quan sẽ diễn ra như thế nào sau khi bị cáo chết?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, trung tướng Trần Văn Độ (nguyên phó chánh án TAND tối cao) cho biết hiện nay TAND tối cao đã rút hồ sơ để xem xét, đánh giá. Việc bị cáo có oan không phải chờ cơ quan chức năng kết luận.

Tuy nhiên, nếu có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, vi phạm tố tụng nghiêm trọng dẫn đến đánh giá sai bản chất vụ án thì cơ quan có thẩm quyền sẽ kháng nghị giám đốc thẩm.

Trong trường hợp bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại, dù bị can, bị cáo đã chết nhưng việc điều tra vẫn có thể tiến hành được bởi ngoài lời khai của bị can, bị cáo còn có lời khai của người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ khác.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định trong trường hợp bị can, bị cáo đã chết nếu thực sự họ không có tội thì vẫn được giải oan.

Về trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng trong trường hợp bản án bị hủy, theo ông Độ, trong vụ việc này, việc bị cáo tự tử không phải là hậu quả của việc tuyên án. Tuy nhiên, nếu bản án này bị hủy thì những người tiến hành tố tụng vẫn có trách nhiệm.

Việc bị cáo tự tử có thể do nhiều nguyên nhân. Ví dụ như hoàn cảnh gia đình hay những bí bách trong cuộc sống tác động đến tâm lý dẫn đến hành vi nông nổi.

Đây là câu chuyện buồn, không ai mong muốn. Tuy nhiên, không thể dùng hậu quả này để quy trách nhiệm cho người tiến hành tố tụng. Trừ trường hợp bị cáo bị tuyên tử hình, đã bị thi hành án nhưng sau đó phát hiện bản án oan sai thì đây là hậu quả của việc điều tra, truy tố xét xử.

Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), khi bị cáo đã chết, gia đình họ vẫn có quyền kiến nghị giám đốc thẩm. Nếu xét thấy hồ sơ vụ án còn những điều chưa làm rõ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ hủy bản án để điều tra, xét xử lại.

Nếu như cơ quan có thẩm quyền kết luận các bản án đúng pháp luật, không oan sai, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực nhưng bị án đã chết thì chánh án TAND TP Đồng Xoài ra quyết định đình chỉ thi hành án.

Tác giả: TUYẾT MAI

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP