►Ngày 25/8 xét xử phúc thẩm vụ “con ruồi 500 triệu đồng”
Chiều nay 8-9, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án cưỡng đoạt tài sản của bị cáo Võ Văn Minh trong vụ chai nước ngọt có ruồi của Tân Hiệp Phát tiếp tục với phần tranh luận, bào chữa của các luật sư.
Mở đầu buổi làm việc buồi chiều nay, luật sư Phạm Công Hùng đã có phần bào chữa cho bị cáo Minh.
"Tôi thực sự buồn vì lời phát biểu của VKS"
“Tôi thực sự buồn vì lời phát biểu của VKS khi vị này cho rằng vì bị cáo không nhận tội nên đề nghị giữ nguyên mức án sơ thẩm bởi việc chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan tố tụng” - Luật sư Phạm Công Hùng nói.
“Trong trại giam, chỉ có bị cáo và điều tra viên, sự ép cung, bức cung là có nhưng chứng cứ thì không có. Bị cáo chỉ còn một cơ hội duy nhất có thể phơi bày sự thật, đó là trình bày trước tòa. Nhưng cơ quan công tố lại đưa ra một nhận định rằng nhận tội mới giảm án, còn không nhận tội thì không xét giảm án.
Tôi đề nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị này của VKS bởi nhận định của VKS là không đúng pháp luật” - luật sư nói.
Theo luật sư Hùng, bị cáo Minh đã bị phía công ty Tân Hiệp Phát chủ động dẫn dắt vào việc phạm tội, điều này thể hiện qua biên bản lấy lời khai của bà Trần Ngọc Bích - bà Bích khai rằng đã quyết rút 500 triệu để Minh không làm bậy.
“Qua đánh giá các lời khai trên, đủ cơ sở chứng minh rằng Tân Hiệp Phát rất lo sợ. Nhưng cái lo sợ của Tân Hiệp Phát trong vụ này, không phải là sợ bị cưỡng đoạt tài sản, mà lo sợ anh Minh đăng lên báo, kiện lên Hội bảo vệ người tiêu dùng. Vậy nên, Tân Hiệp Phát đã từng bước thương lượng” - Luật sư Hùng phân tích.
Ông Hùng cũng cho rằng, hơn ai hết, nếu không chấp nhận việc Minh đòi tiền thì phía Tân Hiệp Phát đã không đưa tiền cho Minh, và đã dẫn dắt lời nói của Minh từ việc muốn đổi chai nước ngọt, sau đó biến lời nói thành hành vi cụ thể, rồi tố cáo công an. Việc này, theo luật sư, là trái đạo lý và trái với điều 1 Bộ luật Hình sự.
“Khi ban hành bộ Luật hình sự, mong muốn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội là ngăn ngừa tội phạm chứ không phải đẩy người ta vào phạm tội. Tân Hiệp Phát không phòng ngừa tội phạm mà dẫn dắt từ lời nói đến hành vi phạm tội. Hành vi đó của Tân Hiệp Phát là đáng trách hơn bị cáo Minh rất nhiều”, luật sư Hùng nói.
Bởi vậy, luật sư nhận định: “Sự thỏa thuận mua sự im lặng của Tân Hiệp Phát là trái pháp luật”.
Luật sư Hùng nói rằng, sáng nay ông rất tâm đắc với VKS vì cho rằng hành vi bán sự im lặng của Minh là trái pháp luật và đạo đức, vậy thì Tân Hiệp Phát là người mua sự im lặng thì có sai không? Bởi nếu Tân Hiệp Phát đưa 500 triệu này chỉ mất 1 lần, nhưng im lặng để đưa ra những sản phẩm lỗi, để hàng triệu người dân phải chịu uống nước bị lỗi đó.
Khi sai sót xảy ra, có dấu hiệu sản phẩm nguy hiểm được đưa ra thị trường thì trách nhiệm của công ty là phải công bố cho người tiêu dùng để thu hồi sản phẩm.
Đằng này, hai bên đã thỏa thuận mua bán sự im lặng. Hành vi mua sự im lặng của Tân Hiệp Phát là có thật, hành vi này bị cấm trong Luật bảo vệ người tiêu dùng.
Khác với Minh là người lao động, nhận thức xã hội còn hạn chế thì Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp lớn, nhưng lại thỏa thuận mua sự im lặng nhằm che giấu khiếm khuyết của mình là việc làm nguy hiểm đối với người tiêu dùng.
“Sẽ là không công bằng, khi các cơ quan tố tụng sơ thẩm chỉ điều tra truy tố đối với người bán, mà không điều tra truy tố đối với người mua sự im lặng” - Luật sư Hùng nêu.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Minh - Ảnh: HỮU KHOA
Vi phạm tố tụng nghiêm trọng
Luật sư Phạm Công Hùng cũng cho rằng, quá trình điều tra truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng bởi chai nước ngọt đã không được nhập kho vật chứng, nhưng sau đó 6 ngày, điều tra viên đã giao chai nước ngọt cho cơ quan giám định.
Luật sư cho rằng điều tra viên tên Tâm đã giữ chai nước ngọt mà không nhập kho rồi sau đó lại đưa lại một bịch niêm phong có chữ ký của Minh rất có thể đó không phải là bì thư lúc bắt giữ và niêm phong chai nước.
“Tôi nhận thấy cơ quan điều tra, vì bảo vệ 3.000 công nhân của Tân Hiệp Phát mà trừng trị bị cáo Minh, nhưng họ đã không bảo vệ hàng triệu người tiêu dùng Việt”.
Luật sư Hùng cho rằng, hành vi vòi tiền của Minh xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, sai phạm không đáng kể, thì chiếu theo luật thì xử lý theo biện pháp khác. Đề nghị HĐXX miễn hình phạt cho Minh.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, nếu đề nghị và phân tích của ông không được tòa chấp nhận thì đề nghị HĐXX xem xét hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại để làm rõ hành vi thỏa thuận của những người làm việc cho Tân Hiệp Phát khi giao tiếp với Minh để đánh giá khách quan đối với bị cáo Minh theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đề nghị HĐXX hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với Minh.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.
Tác giả bài viết: HOÀNG ĐIỆP