Trong nước

Vụ “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau”: Phải làm rõ trách nhiệm cán bộ quản lý

Theo phân tích của luật sư, nếu chủ nhân của “biệt phủ đẹp nhất Cà Mau” cố tình xây dựng trái phép thì cương quyết cưỡng chế, phạt thật nặng hoặc xử lý hình sự với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngày 20-2, liên quan đến "biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản ở TP Cà Mau, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng, Văn phòng Luật sư Trần Thanh Phong (Đoàn Luật sự TP Cần Thơ) đã có chia sẻ với Báo Người Lao Động về hành vi vi phạm cũng như hướng xử lý công trình này.

"Biệt phủ đẹp nhất Cà Mau" được xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản

Theo đó, công trình này đã xây dựng trái phép trên đất nuôi trồng thủy sản (đất không được phép xây dựng nhưng cố tình xây dựng– phóng viên) và đã bị cơ quan có thẩm quyền đề nghị cưỡng chế, tháo dỡ. Đối chiếu với quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 79, Nghị định 139/2017/NĐ-CP, thì những trường hợp xây dựng trái phép này không thuộc những trường hợp không buộc tháo dỡ.

Do đó, căn cứ vào Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc bắt buộc phải tháo dỡ những công trình này là lẽ đương nhiên.

Hiện nay, tất cả các công trình nếu muốn được xây dựng thì trước tiên đều phải xin cấp phép xây dựng bởi cơ quan có thẩm quyền, trừ những trường hợp đặc biệt được pháp luật quy định không cần xin cấp giấy phép xây dựng.

Một số khái niệm quan trọng đã được quy định tại khoản 17 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, "giấy phép xây dựng" là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.

Còn theo khoản 10 Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng 2020, "công trình xây dựng" là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.

Bên cạnh đó, hiện nay còn có rất nhiều quy định liên quan đến việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng: Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định 139/2017/NĐ-CP,...

Vì vậy, khi để xảy ra sai phạm như đã nêu trên thì không thể nào nói rằng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không hay biết. Hiện nay, việc trước mắt là xử lý dứt điểm công trình sai phạm này rồi đến việc làm rõ trách nhiệm của cán bộ trong việc quản lý đã để xảy ra sai phạm. Từ đó, có hướng xử lý phù hợp nhằm tăng cường răn đe và ngăn chặn kịp thời những sai phạm lớn tiếp theo.

Từ trước đến nay, việc chủ đầu tư bị buộc phải tháo dỡ những công trình lớn, có giá trị lớn là không hiếm. Có những trường hợp chủ đầu tư sẽ tự nguyện chấp hành tháo dỡ hay sẽ bị tiến hành cưỡng chế tháo dỡ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư, việc cưỡng chế là cần thiết. Biết rằng việc cưỡng chế này không ai mong muốn, bởi lẽ dù muốn hay không cũng đã thiệt hại đến nhiều phía cả về tiền bạc, công sức, thời gian lẫn uy tín. Nhưng, nếu đặt lên bàn cân để xem xét thì những thiệt hại về vật chất do cưỡng chế gây ra cũng còn rất nhỏ so với những cái được mang lại dài lâu cho xã hội.

Ngoài ra, cần phải tìm cách ngăn chặn ngay từ đầu những sai phạm về xây dựng xảy ra chứ không phải để xảy ra rồi lại tìm cách xử lý, tháo gỡ. Để có thể làm được việc này cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước cùng với ý thức của người dân.

Nếu cố tình xây dựng trái phép thì cương quyết cưỡng chế, phạt thật nặng hoặc xử lý hình sự theo quy định tại Điều 343 BLHS 2015 quy định về "Tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở" với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng phạt đối với người phạm tội.

Tác giả: CÔNG TUẤN ghi

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP