Nói về việc xử lý trách nhiệm trong vụ việc được coi là thảm họa chạy thận này, ông Trương Quý Dương cho biết: “Chúng tôi sẽ căn cứ vào kết luận để xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, từ đó có hình thức xử lý thích đáng”.
“Với tư cách, trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện, tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý, và sẵn sàng nhận mức kỷ luật cao nhất” – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thẳng thắn, đồng thời khẳng định “đây sẽ là bài học hết sức đắt giá cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình”.
“Chúng tôi sẽ lấy ngày 29-5 gắn trước từng khoa phòng, để các thế hệ cán bộ nhân viên bệnh viện nhớ tới ngày đau xót này, để coi đó là bài học không được quên” – ông Dương nói thêm.
Về biện pháp khắc phục sự cố và đảm bảo quyền lợi cho các bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Trương Quý Dương cho biết, do đơn nguyên chạy thận của bệnh viện vẫn đang bị tạm ngừng hoạt động sau sự cố chạy thận nói trên nên bệnh viện đã liên hệ và bố trí gửi bệnh nhân đi chạy thận tại một số bệnh viện. Hàng ngày Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức đưa đón bệnh nhân đi chạy thận.
Trước câu hỏi về việc dư luận đặt vấn đề trong quá trình công tác, ông Trương Quý Dương đã nhận được nhiều “nâng đỡ” nên dù đã bị kỷ luật nhiều lần nhưng vẫn thăng chức, ông Trương Quý Dương nói, không thể nói là nhờ sự ưu ái mà ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
“Liên tục trong thời gian rất dài công tác gần 30 năm, tôi cũng có nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm này đã được chỉ rất rõ qua các cuộc thanh tra, kiểm tra với các kết luận đã được công bố của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán. Và với các kết quả công tác thực sự của mình, bản thân tôi cũng được sự tín nhiệm và lãnh đạo các cấp để bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình” – ông Trương Quý Dương nói.
Tác giả bài viết: Duy Tiến
Nguồn tin: