Ngay sau phiên tòa , Công ty cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng, “tố” TAND TP Vinh xử lý vụ việc không căn cứ vào các Hợp đồng xây dựng giữa 2 bên; vi phạm nghiêm trọng các qui định phát luật.
Chưa đủ điều kiện khởi kiện và thụ lý vụ án.
Tại Điều 110 Luật xây dựng qui định: “Trong trường hợp xảy ra tranh chấphợp đồng trong hoạt động xây dựng, các bên có trách nhiệm thương lượng giải quyết. Trường hợp không đạt được thỏa thuận giữa các bên, việc giải quyết tranh chấp được thực hiện thông qua hòa giải, Trọng tài hoặc Tòa án...” . Trên cơ sở đó, tại khoản 2 Điều 19, phần A của Hợp đồng xây dựng số 17/2010 và Hợp đồng xây dựng số 01/2011 giữa 2 bên có qui định: “Thời gian để tiến hành hòa giải là 28 ngày. Nếu hai bên không đạt được sự thống nhất để giải quyết tranh chấp, một trong 2 bên có quyền khởi kiện tại Tòa án...”
Như vậy, đáng lẽ 2 bên cần có thời gian thương lượng, ít nhất đủ 28 ngày theo Hợp đồng, thì một bên mới đủ cơ sở phát lý để khởi kiện. Đàng này, trong khi 2 bên đang chưa đạt được thỏa thuận về điều chỉnh đơn giá nhân công thì ngày 3/11/2015, Tổng công ty 36 gửi công văn đề nghị Tổng công ty năng lượng giải quyết tranh chấp trước ngày 14/11/2015 và ngay sau đó 2 ngày, ngày 16/11/2015, Tổng công ty 36 đã viết đơn khởi kiện và ngày 20/11/2015, TAND TP Vinh đã thụ lý vụ án. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao TAND TP Vinh lại vội vàng thụ lý vụ án đến như vậy? Khi chưa xác minh làm rõ 2 bên đã có đủ thời gian thương lượng theo đúng Hợp đồng hay chưa? Việc TAND TP Vinh chấp nhận thụ lý vụ án như vậy là chưa đủ cơ sở pháp lý theo qui định tại Khoản 1 Điều 168 và khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bỏ sót người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trong quá trình thực hiện 2 hợp đồng xây dựng số 17 và số 01 với Tổng công ty 36, Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An có hợp đồng với Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ về Tư vấn quản lý dự án và Tư vấn Giám sát công trình thủy điện Nậm Mô. (Hợp đồng số 04/2012). Trong đó, toàn bộ công tác nghiệm thu, thanh quyết toán giữa Chủ đầu tư với Nhà thầu đều có sự tham gia của Công ty CP Thủy điện bản Vẽ. Vậy nhưng trong quá trình xét xử vụ kiện liên quan trực tiếp đến nội dung này, thì TAND TP Vinh lại không đưa Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, là thiếu sót và vi phạm qui định tại khoản 4, Điều 56 Bộ luật tố tụng dân sự.
Vi phạm trong thu thập và đánh giá chứng cứ.
Quá trình giải quyết và tại phiên tòa, bên bị đơn cho rằng, sở dĩ chưa quyết toán được là do chưa có biên bản thanh quyết toán khối lượng để làm cơ sở quyết toán. Theo qui định tại Điều 44 của Hợp đồng thì trong hồ sơ quyết toán phải có “Bản xác định giá trị quyết toán hợp đồng đã được các bên xác nhận”. Đây là 1 trong 6 nội dung chủ yếu phải có của Hồ sơ thanh quyết toán và là tài liệu quan trọng làm căn cứ để xác định số liệu thanh quyết toán giữa 2 bên mà nếu thiếu nó thì toàn bộ Hồ sơ thanh quyết toán không hợp lệ, chưa có giá trị thanh quyết toán và không đúng với cam kết tại Hợp đồng. Vậy nhưng, trong quá trình thụ lý vụ án, TAND TP Vinh đã không thu thập chứng cứ để xác định tính hợp lệ của hồ sơ thanh quyết toán do bên đơn xuất trình mà đã vội kết luận là “đã có hồ sơ thanh quyết toán” là thiếu căn cứ và không khách quan.
Mặt khác, TAND TP Vinh cũng không thu thập chứng cứ giám định của các cơ quan chuyên ngành ở Trung ương trong cách tính điều chỉnh đơn giá tiền lương tối thiểu vùng, mà đã vội vàng kết luận theo đúng như yêu cầu của nguyên đơn. Đây chính là mấu chốt trong vụ án này, vì chỉ tính riêng phần “ đội” giá nhân công đã tăng hơn 33 tỷ đồng, khiến cho tổng dự toán công trình Thủy điện Nậm Mô vượt dự toán rất nhiều theo cách tính của nhà thầu là Tổng công ty 36, buộc chủ đầu tư phải theo đuổi vụ tranh chấp này đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình.
Sau một thời gian xem xét sự việc, ngày 23/5/2016 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Nghệ An đã có quyết định 845/KN-VKS-P10 kháng nghị hủy bản án sơ thẩm do TAND TP Vinh tuyên vì đã vi phạm nghiêm trọng cả về tố tụng và nội dung, làm thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An.
Dư luận đang chờ xem với trình tự phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An sẽ xử lý vụ việc này như thế nào để đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của các bên trong vụ tranh chấp chưa có tiền lệ này.
Tác giả bài viết: Trần Trọng Hiếu