Trong nước

Việt Nam đã tiêm hơn 78 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đến nay Việt Nam đã tiếp cận được 107 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, hiện đã tiêm được hơn 78 triệu liều. Trong khi đó, vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam - Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3.

Sáng 29-10, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức hội thảo tuyên truyền Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19".

Có 176 lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí trên cả nước tham dự hội thảo.

Đánh giá nguy cơ ở quy mô nhỏ nhất có thể

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho biết Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 được ban hành hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế- xã hội hiện nay.

Quang cảnh hội thảo sáng 29-10

Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nhìn nhận sau gần 20 ngày thực hiện Nghị quyết 128, một số nơi vẫn còn lúng túng. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế tổ chức hội thảo nhằm giúp báo chí nắm rõ vấn đề của Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 để tuyên truyền hiệu quả hơn.

"Đây là hội thảo đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác truyền thông chủ động đi trước" – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói.
Ông mong muốn hội thảo đưa ra những nội dung quan trọng cần được truyền thông tốt hơn, nêu ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như góp ý, kiến nghị của cơ quan báo chí đối với công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.

Tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cho biết, sau gần 20 ngày triển khai thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800, toàn bộ 63 tỉnh, thành trên cả nước đã tổ chức triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch.

Có hơn 40 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thích ứng của địa phương hoặc có văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch trong sản xuất và hoạt động giao thông...

Phóng viên dự hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Nhấn mạnh những nội dung cần lưu ý khi thực hiện Nghị quyết 128 và Quyến định 4800, bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết mục tiêu là bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, việc phân loại nguy cơ khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả. Quy mô càng nhỏ càng bảo đảm linh hoạt, tiết kiệm chi phí và giảm sự ảnh hưởng lên các vùng khác.

Cần hơn 18 triệu liều để tiêm cho 9,4 triệu trẻ em

Thông tin tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đã tiếp cận được 107 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19, hiện đã tiêm được hơn 78 triệu liều.

Việt Nam vẫn đang tích cực nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước và chuyển giao công nghệ. "Vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam - Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3" - ông Đỗ Xuân Tuyên cho hay.

Về việc tiêm vắc-xin cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết đến nay Bộ Y tế đã cấp phép hai loại vắc-xin tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ.

Lãnh đạo cơ quan báo phát biểu ý kiến tại điểm cầu TP HCM

Ước tính nước ta có 9,4 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng với số lượng vắc-xin hơn 18 triệu liều. Hiện Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vắc-xin Pfizer, trong đó hơn 10 triệu liều đã về và được phân bổ tới các địa phương.

Dự kiến, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19 sẽ diễn ra trong tháng 11 và 12 tới đây. “Việc tiêm chủng sẽ ưu tiên thực hiện với nhóm trẻ 16-17 tuổi ở các vùng có dịch” - ông Đỗ Xuân Tuyên nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Ngọc Dung, Báo Người Lao Động về hộ chiếu vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin việc này đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng chỉ đạo và giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì.

Hiện nay có 72 quốc gia công nhận "hộ chiếu" vắc-xin. Đối với Việt Nam, ngay từ đầu đã ban hành giấy chứng nhận tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.
"Chúng ta hay nói là hộ chiếu vắc-xin chứ bản chất của nó là giấy chứng nhận tiêm đủ số liều vắc-xin theo quy định. Nhiều khi ta nói hộ chiếu vắc-xin có khi nhầm sang các hộ chiếu khác" – ông Đỗ Xuân Tuyên nhìn nhận.

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, hiện Bộ Y tế đã ban hành mẫu Giấy chứng nhận tiêm vắc-xin bằng tiếng Việt và tiếng Anh và đã cung cấp cho Bộ Ngoại giao. Thời gian tới sẽ được cập nhập vào nền tảng công nghệ thông tin.
Đối với người nước ngoài tiêm đủ liều vắc-xin theo quy định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hướng hướng dẫn cập nhập vào hệ thống.

Sẽ ban hành sớm giá xét nghiệm

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng Thông tư hướng dẫn giá dịch vụ xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, áp dụng với các cơ sở y tế khi thực hiện xét nghiệm cho người bệnh đến khám chữa bệnh (kể cả người có bảo hiểm y tế và người không có bảo hiểm y tế). Bộ đã xin ý kiến các bộ ngành, đăng trên Cổng Thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân.

Bộ Y tế đang cùng Bộ Tài chính đã dự thảo để có hướng dẫn cụ thể. Trước mắt, vẫn theo văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế như hiện nay.

Tác giả: Ngọc Dung - Phan Anh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP