Giáo dục

Vì sao sách Tiếng Việt 1 công nghệ bỗng dưng 'dậy sóng'?

Câu chuyện tài liệu Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Ðại đã được áp dụng vào dạy học từ 40 năm nay, đầu năm học 2018-2019 bỗng gây hoang mang trong dư luận nhiều ngày vì phương pháp dạy học được cho là lạ. Các chuyên gia cho rằng, sự việc ban đầu có thể vô tình nhưng sau đó đã bị lợi dụng đẩy sự việc đi xa hơn.

TS Trần Thành Nam, giảng viên Học viện giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, trong gia đình, có nhiều người được học phương pháp của GS Hồ Ngọc Đại. Kết quả, các học sinh đó đều ra trường đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, thậm chí viết câu rất tốt. “Vì thế chuyện tranh cãi về phương pháp giáo dục của sách Tiếng việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1- CNGD) những ngày qua là không công bằng cho GS”, anh Nam nói.

TS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm cho rằng, lâu nay nhiều người tranh cãi trên mạng xã hội về phương pháp dạy học của GS Hồ Ngọc Đại là không đáng. Bởi lẽ, đây là sản phẩm đã được Hội đồng quốc gia thẩm định, Bộ GD&ĐT cho phép được lưu hành. Trong gia đình chị, đã trải qua hai thế hệ học phương pháp này cho kết quả rất tốt.

Theo TS Thoa, hiện nay, có nhiều cách, nhiều con đường nếu ai cảm thấy phù hợp thì lựa chọn, đây đâu phải là phương án duy nhất. Đó cũng là cách làm trong tương lai, khi có nhiều bộ SGK. Cách một số phụ huynh a dua, chửi bới vô văn hóa trên mạng như hiện nay sẽ rất phản giáo dục. Nếu con cháu ở nhà nghe bố mẹ chửi thầy cô thì đến lớp học sinh khó có thể ngồi nghe thầy cô
giảng bài.

TS Thoa cũng cho rằng, sắp tới, khi có chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nếu không có phương pháp truyền thông, quản lý sẽ rất rắc rối. “Ví như, sách Tiếng Việt 1- CNGD của GS Hồ Ngọc Đại đã dạy học 40 năm, nay bỗng dưng bị lôi ra mổ xẻ, lại vào thời điểm nhạy cảm nên khó tránh khỏi những nghi ngờ, đồn đoán. Cũng có thể, clip ban đầu là một sự vô tình nhưng đã có người lợi dụng chuyện đó để đẩy sự việc đi xa hơn”, TS Thoa nói.

Lo ngại chiêu trò

Một chuyên gia giáo dục khác cũng cho rằng, từ trước đến nay, chúng ta đang thực hiện chủ trương “Một chương trình, một bộ SGK”. Như thế, NXB giáo dục Việt Nam đang ở thế độc quyền xuất bản SGK. Mỗi năm in 100 triệu bản mới. Phụ huynh mỗi năm phải chi lên tới 1.000 tỷ đồng để mua SGK. Con số đó cho thấy, miếng bánh thị phần SGK lâu nay béo bở như thế nào. “Vậy mà, sắp tới, cụ thể là năm học 2019-2020, đã áp dụng chương trình, SGK mới. Điều này, buộc các nhà xuất bản, những người làm sách phải tính toán đến thị trường đầu ra, nên sẽ khó tránh khỏi có nhóm viết sách này nói xấu nhóm viết sách khác, thậm chí có chiêu trò”, chuyên gia này nói.

Cũng theo chuyên gia này, nếu Bộ GD&ĐT không có phương thức truyền thông, các nhà trường trước khi lựa chọn bất kỳ bộ SGK nào cũng phải làm cho phụ huynh hiểu, thuyết phục. Nếu không, sẽ bị “dắt mũi” bởi các sự kiện truyền thông như hiện nay.

Tác giả: NGUYỄN HÀ

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP