Trong nước

Vì sao ông Võ Kim Cự 'được' nghỉ hưu?

Thường vụ Quốc hội sẽ làm thủ tục cho ông Võ Kim Cự thôi làm đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.

1 ong cu ZUNM

Ngày 28-4, tổ đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp xúc cử tri hai phường An Lạc và Tân An của quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ). Tại đây, cử tri đặt câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm đối với ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam, cựu bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, do có sai phạm trong vụ Formosa.

Ông Cự “không còn gì cả”

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Nguyễn Hữu Hải (phường An Lạc) cho biết sau vụ Formosa thì ông Võ Kim Cự được “dân chúng nói nhiều lắm, những cái sai rõ rồi… Chúng tôi thấy ông Cự vi phạm kỷ luật của Đảng thì không còn uy tín với Đảng, với dân để làm ĐBQH nữa”.

Trả lời cử tri, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết trường hợp ông Cự đã bị Ban Bí thư Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cách hết các chức vụ trong giai đoạn ông này ở Hà Tĩnh (từ năm 2005 đến 2015 - PV). Chức vụ hiện tại của ông Cự là chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam. Ông Cự vào QH với tư cách là chủ tịch Liên minh HTX và do MTTQ Việt Nam giới thiệu theo cơ cấu có một người đại diện cho kinh tế hợp tác trong QH.

“Nhưng Ban Bí thư đã chỉ đạo, yêu cầu Đảng đoàn QH phải làm thủ tục cho (ông Võ Kim Cự - PV) thôi nhiệm vụ ĐBQH và Chính phủ làm thủ tục cho nghỉ hưu vì cũng lớn tuổi rồi. Chức trong quá khứ thì cách, chức trong hiện tại là thôi, đâu còn gì nữa” - bà Ngân cho hay.

Bà Ngân cũng cho biết đã nhận đơn của ông Cự xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH. “Ở đây ông Cự nói vì lý do sức khỏe nhưng chúng ta hiểu có lý do khác, đó là vừa bị kỷ luật. Thường vụ QH sẽ xem xét, nếu giải quyết được ngay trước kỳ họp QH thì sẽ giải quyết thủ tục cho thôi nhiệm vụ ĐBQH và báo cáo QH tại kỳ họp tới. Còn nếu không làm kịp thì chắc chắn chương trình kỳ họp này phải bổ sung nội dung làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ ĐBQH đối với ông Cự” - Chủ tịch QH cho hay.

1 chu tich jfgn
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết ông Võ Kim Cự đang được xem xét cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH và cho nghỉ hưu. Ảnh: Nhẫn Nam

Cân nhắc rất kỹ

Từ khi xảy ra sự cố Formosa và nhất là sau khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo hồi tháng 2 về kết luận sai phạm của ông Cự, đã có những ý kiến cho rằng cần phải bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Cự (khác với việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH - PV), như một hình thức kỷ luật bổ sung.

Những ý kiến này không phải là thiếu cơ sở. Bởi trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, tùy tính chất, mức độ sai phạm và thái độ của đảng viên mà chế tài kỷ luật có thể áp dụng vào ngay các chức vụ mà đảng viên đó đang nắm giữ, cho dù chức vụ ấy không liên quan trực tiếp đến sai lầm, khuyết điểm đã phạm phải.

“Nhưng trong trường hợp ông Cự, chúng tôi cân nhắc quá trình công tác và đặc biệt là thái độ của ông Cự về những vi phạm của mình. Trong sự việc Formosa, chúng tôi kiểm tra, kết luận dấu hiệu vi phạm với nhiều cá nhân và đánh giá ông Cự là người thành khẩn, nghiêm túc nhất, có tính đảng cao nhất khi tự kiểm điểm, nhìn nhận về trách nhiệm của mình” - hai nguồn tin độc lập là thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.

Các nguồn tin này phân tích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu tổ chức đảng có thể vấp phải những khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật. Cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp khi xem xét kỷ luật thì ngoài việc mổ xẻ những sai phạm, khuyết điểm của đảng viên còn phải đánh giá về ý thức, thái độ của người đó có thực sự ăn năn, thành khẩn với tổ chức, nhận thức đầy đủ, nghiêm túc về những hạn chế, yếu kém cũng như khuyết điểm, vi phạm của cá nhân mình hay không.

“Trong vụ việc Formosa, đồng chí Cự rất nghiêm túc, nhận thức rõ trách nhiệm của mình, thái độ rõ ràng về sai phạm, khuyết điểm, nhất là trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Đồng chí Cự cũng mong muốn việc của mình được xử lý nghiêm túc, làm bài học cho các nơi khác trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, không lặp lại những việc như ở Hà Tĩnh” - vị phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói và cho biết chính vì vậy cơ quan này đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật về mặt đảng với ông Cự và chỉ đạo các cơ quan chức năng cho ông này thôi làm nhiệm vụ ĐBQH và nghỉ hưu theo quy định.

Cho thôi làm nhiệm vụ khác với bãi nhiệm

Theo Luật Tổ chức QH 2014, việc cho một ĐBQH thôi làm nhiệm vụ đại biểu khác hoàn toàn với việc bãi nhiệm ĐBQH.

Cụ thể, khoản 2 Điều 38 luật này quy định về việc xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH như sau: “ĐBQH có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác. Việc chấp nhận ĐBQH xin thôi làm nhiệm vụ do QH quyết định; trong thời gian QH không họp thì do Ủy ban Thường vụ QH quyết định và báo cáo với QH tại kỳ họp gần nhất.

Trong khi đó, Điều 40 Luật Tổ chức QH 2014 quy định về việc bãi nhiệm ĐBQH: “1. ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. 2. Trong trường hợp QH bãi nhiệm ĐBQH thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐBQH biểu quyết tán thành”.

TTH

Tác giả bài viết: N.NHÂN - N.NAM - H.DƯƠNG

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP