Kinh tế

Vào cuộc đua, ngân hàng đẩy lãi tiền gửi trên 9%/năm không còn hiếm

Cuộc đua tăng lãi suất huy động khách hàng cá nhân những tháng cuối năm chưa hạ nhiệt khi nhiều ngân hàng niêm yết mức 9%/năm trở lên, chủ yếu áp dụng với các khoản tiền gửi online kỳ hạn dài.

Theo khảo sát của Dân trí, nhiều ngân hàng đang niêm yết lãi suất từ 9%/năm trở lên. Mức lãi suất này được áp dụng chủ yếu cho tiền gửi thuộc các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên), trên kênh online và có một số điều kiện khác đi kèm, tùy từng nhà băng.

Nhiều ngân hàng trả lãi vượt 9,9%/năm

Dẫn đầu trong bảng xếp hạng lãi suất huy động tiền gửi là MSB với mức cao nhất lên đến 9,9%/năm. VIB cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9,8%/năm, cho khoản tiền gửi mới từ 5 tỷ đồng trở lên.

Hàng loạt ngân hàng trả lãi suất tiền gửi 9%/năm (Ảnh: Tiến Tuấn).

Hay Sacombank niêm yết mức lãi suất cao nhất lên đến 9,8%/năm cho khách hàng tham gia một gói sản phẩm, kỳ hạn 36 tháng. Với tiền gửi thông thường, mức lãi suất cao nhất đối với hình thức tại quầy là 9%/năm, online là 9,2%/năm.

Tiếp theo là SCB với mức lãi suất cao nhất đang được niêm yết là 9,7%/năm. Bên cạnh đó, nhà băng này cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi như cộng lãi suất tặng thêm quà nhằm thu hút khách gửi tiền.

OceanBank cũng có lãi suất lên tới 9,5%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng cho các khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy, kỳ hạn 18-36 tháng.

SeABank theo sau với mức lãi suất 9,4%/năm, áp dụng cho cán bộ công nhân viên của ngân hàng cùng một số loại tiền gửi online của khách hàng.

HDBank chi trả mức lãi suất 9,2%/năm cho các khoản tiền gửi 12-13 tháng với điều kiện số dư tối thiểu 300 tỷ đồng.

Trong thông báo mới nhất, Techcombank tăng lãi suất huy động lần thứ 3 liên tiếp mà ngân hàng này đưa ra trong hơn một tháng trở lại đây. Lãi suất tiền gửi tối đa khách hàng cá nhân lên 9%/năm. Tuy nhiên, điều kiện để khách hàng được hưởng mức lãi suất này là số tiền gửi không thấp hơn 3 tỷ đồng.

Mức lãi suất 10-11% tạm thời không còn, song mức quanh 9% lại đang ngày càng phổ biến (Ảnh: Tiến Tuấn).

Các ngân hàng niêm yết lãi suất cao ở mức 9%/năm còn có BaoVietBank, SHB, GPBank và ABBank...

Số ngân hàng công bố lãi suất cao nhất áp sát mức 9% cũng ngày một nhiều, đó là VPBank, CBBank, Viet Capital Bank, NamABank, Saigonbank…

Càng về những tháng cuối năm cuộc đua tăng lãi suất càng "nóng", đặc biệt ở nhóm nhà băng tư nhân.

Còn tại nhóm Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước lớn nhất), VietinBank là nhà băng có mức lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân cao nhất với 8,2%/năm, áp dụng với các khoản gửi online kỳ hạn 12-24 tháng. Cùng kỳ hạn, BIDV hiện chỉ đưa ra mức lãi suất 7,9%/năm, Agribank 7,6%/năm, Vietcombank 7,4%/năm. Với hình thức gửi tại quầy, 4 ngân hàng cùng niêm yết ở mức 7,4%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

Lãi suất huy động tăng, lãi cho vay khó đứng yên

Việc các ngân hàng đang cần vốn "đua" trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền những tháng cuối năm để cạnh tranh cũng đồng nghĩa làm tăng chi phí đầu vào. Điều này khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay tăng theo. Nhiều nhà băng mới đây cập nhật biểu lãi suất cơ sở cho vay với mức tăng tương đối mạnh.

ABBank công bố áp dụng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân là 10,64%/năm, tăng hơn 1%/năm so với tháng trước, áp dụng từ 17/11.

TPBank cũng áp dụng lãi suất cơ sở cho vay khách hàng cá nhân với mức thấp nhất là 9,1%/năm cho kỳ hạn 1 tháng và cao nhất là 10,6%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cơ sở của VPBank đã tăng từ mức 8,6-10,6%/năm lên, dao động 9,7-10,7%/năm...

Một số ngân hàng cũng áp dụng lãi suất cơ sở ở mức cao như Techcombank lãi suất cơ sở cao nhất tới 12,15%/năm; SHB khoảng 10-11,3%/năm...

Lãi cho vay tăng theo lãi huy động tiền gửi (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ước tính, biểu lãi suất cơ sở tăng 0,5-1,2%/năm trong một tháng trở lại đây, cộng với biên độ khoảng 3-4,5%, khiến lãi suất cho vay tại các ngân hàng hiện vượt mức 12%/năm, thậm chí tại một số đơn vị lên tới 15-16%/năm, trừ các khoản vay theo chính sách ưu đãi dành cho các lĩnh vực ưu tiên.

Nhưng do hạn mức tăng trưởng tín dụng còn eo hẹp trong các tháng cuối năm, một số nhân viên tín dụng tiết lộ khách hàng vay mới không nhiều, phải mua kèm gói bảo hiểm mới nằm trong diện ưu tiên giải ngân. Lãi suất cho vay tăng, chủ yếu ảnh hưởng đến khách hàng vay hiện hữu, nhất là khách hàng vay vừa hết thời gian ưu đãi lãi suất và bắt đầu áp dụng lãi thả nổi.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng thừa nhận việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo cơ quan quản lý tiền tệ vẫn nhấn mạnh trong quá trình điều hành luôn luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh. Các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.

Tác giả: Thảo Thu

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP