Kinh tế

Vàng xuống đáy, USD bất ổn, đất lo vỡ trận: Nhà giàu đau tim giữ tiền

Các thị trường biến động mạnh, hầu hết các tài sản đều giảm giá rất nhanh. Dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi nhiều kênh đầu tư. Các đại gia đang ôm tiền về két chờ thời cũng như phòng ngừa rủi ro trong tương lai gần.

Tài sản bốc hơi

Trong quý 2/2018, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận quý có diễn biến tệ nhất trong một thập kỷ. Chỉ số VN-Index giảm 18,2%, từ đỉnh lịch sử hơn 1.200 điểm về sát 900 điểm trước khi hồi phục về 960 điểm vào cuối tháng 6.

Trong phiên giao dịch 2/7, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm và tới đầu giờ chiều đã xuống gần ngưỡng 930 điểm. TTCK chứng kiến 3 tháng giảm liên tiếp và đang khởi đầu 1 quý mới khá buồn thảm. Điều đáng ngại là thanh khoản tụt giảm, giao dịch chỉ bằng 50% so với cuối 2017 và quý 1/2018.

TTCK Việt chao đảo trong bối cảnh dòng vốn ngoại trên thế giới đang rút ra khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Cho dù áp lực rút ra khỏi Việt Nam thấp hơn nhiều các nước khác nhưng nó cũng gây tâm lo ngại đối với các nhà đầu tư trong nước.

Riêng trong tháng 5, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của cổ phiếu Vinhomes (VHM), khối ngoại bán ròng hơn 5.600 tỷ đồng. Tình trạng bán ròng tiếp diễn trong tháng 6. Trong quý 2, tổng cộng khối ngoại đã bán ròng hơn 10 ngàn tỷ đồng.

Dòng vốn ngoại rút ra trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều bất ổn về chính trị và một cuộc chiến thương mại đang nổ ra giữa Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới, trong đó có Trung Quốc và châu Âu.

TTCK toàn cầu rơi vào tình trạng sụt giảm sâu. Chứng khoán Trung Quốc thậm chí được đánh giá đã rơi vào thị trường con gấu (giảm giá). Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp kỷ lục mới, thấp hơn so với mức xác lập sau cú sốc tỷ giá hồi tháng 8/2015. Chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến những phiên giảm vài trăm điểm, xóa sạch đà tăng trong cả năm.

Giá vàng trong khi đó tụt giảm xuống đáy 1 năm khi kết thúc phiên giao dịch cuối quý 2. So với cuối năm 2017, giá vàng thế giới giảm 50,5 USD/ounce, có giá quy đổi tương đương 34,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 2,1 triệu đồng/lượng so với vàng trong nước.

Áp lực bán tháo diễn ra liên tục khiến mặt hàng kim loại quý chưa thể ngóc đầu. Đây là một diễn biến bất thường bởi thế giới trải qua một loạt các bất ổn địa chính trị cũng như căng thẳng thương mại leo thang giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trên thế giới, giá nhiều đồng tiền số về gần 0, riêng đồng bitcoin mất 70% giá trị so với mức đỉnh được lập hồi tháng 12 năm ngoái, thị trường tiền số tiệm cận với bong bóng dot com khi chỉ số Nasdaq giảm 78%.

Trong khoảng 2 tháng gần đây, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước có dấu hiệu hạ nhiệt. BĐS TP.HCM đã hạ nhiệt, không còn sốt nóng như hồi đầu năm, giao dịch chững lại rõ rệt và giá có xu hướng giảm. Đất nền được cho là hạ nhiệt trên diện rộng. Ở các đặc khu, các nhà đầu tư tháo chạy sau khi Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng siết chặt công tác quản lý đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đại gia ôm tiền về két

Từ đầu năm tới nay, nhiều dự án chung cư cao cấp tại Hà Nội ghi nhận thanh khoản khá thấp, ế ẩm. Phần lớn các dự án phải ra ngoài hè phố chào mời khách hàng mua căn hộ. Dòng căn hộ tầm giá 1 tỷ hút người mua hơn. Tuy nhiên, ở cả 2 dòng này, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng ít ỏi, chủ yếu là người có nhu cầu mua sử dụng.

Nguồn cung lớn khiến người mua có quá nhiều lựa chọn, việc lướt sóng không còn khả thi, trong khi mua rồi cho thuê cũng không đạt lợi nhuận cao do nguồn cung lớn, sự cạnh tranh càng ngày càng gay gắt.

Đất nền vốn là kênh đầu tư yêu thích với mục đích tích lũy dài hạn cũng đang rất rủi ro. Rất ít người dám mạnh tay xuống tiền vì lo sợ vỡ trận sau cơn sốt giá.

Trong khi hầu hết các tài sản đều giảm giá rất nhanh thì đồng USD trên thị trường quốc tế hiện vẫn khá gần với đỉnh cao 1 năm vừa thiết lập hôm cuối tháng 6. USD trong nước lên đỉnh cao lịch sử, USD ngân hàng lần đầu tiên vượt ngưỡng 23.000 đồng, trong khi USD tự do đã lên tới 23.100 đồng.

Trong tuần trước, chỉ số DXY - đo lường biến động đồng USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt khác đứng ở mức cao nhất 1 năm, gần 95,5 điểm.

Hiện tại, giới đầu tư vẫn theo dõi khá sát diễn biến đồng USD và tiếp tục phân tích những tín hiệu “diều hâu” của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), theo hướng sẽ tăng nhanh lãi suất đồng USD.

Một trong những lý do giải thích tại sao đồng USD lại đang “đánh cắp” sự quan tâm của giới đầu tư tới vàng là bởi vì nhận thức của thị trường cho rằng, một cuộc chiến thương mại sẽ thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ. Việc giao thương ít hơn với phần còn lại của thế giới sẽ khiến đồng USD mạnh lên.

Theo TS. Võ Trí Thành, nền kinh tế thế giới gần đây có một đặc tính nổi bật là tính bất định. Trong bối cảnh như vậy, ông Thành cho rằng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang kênh ổn định như trái phiếu, bất động sản hay vàng.

Tuy nhiên, gần đây, mặt hàng kim loại quý bỗng chốc mất đi sự hấp dẫn của mình. Còn thị trường bất động sản cũng đã và đang hạ nhiệt.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc kinh doanh chi nhánh TP.HCM CTCK Vndirect cho rằng, hiện tại, dòng tiền đang rút ra khỏi nhiều kênh đầu tư và hiện đang “ở dạng tiền mặt” và USD.

Theo ông Tuấn, đồng USD trên thế giới đã tăng khá nhanh trong vài tháng gần đây, lên mức cao nhất 1 năm. Đồng USD thế giới có thể bước vào 1 đợt tăng thứ 2 khi mà Trung Quốc thực thi 1 loạt các biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Tác giả: M. Hà

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: nhà giàu ,giá vàng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP