Đà Nẵng đang đứng đầu V-League với 3 trận toàn thắng. Ảnh: VPF. |
Vòng một, Nam Định là đội đứng đầu nhờ chiến thắng 3-0 trước Hà Nội. Sang vòng hai, tới lượt Hải Phòng bứt lên. Nhưng đến vòng ba, chỉ còn một mình Đà Nẵng duy trì được mạch toàn thắng. Với 9 điểm trọn vẹn, cùng cách biệt 3 điểm với nhóm xếp sau, thầy trò Lê Huỳnh Đức chắc chắn giữ ngôi đầu nếu có điểm ở Bình Định.
Trước đối thủ là tân binh V-League, nhiệm vụ ấy được cho là dễ dàng với đội bóng sông Hàn. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, Đà Nẵng chưa bao giờ được xem là đội chơi ổn định. "Đau đớn" nhất là mùa 2006. Khi ấy, họ hơn Long An tới 11 điểm sau lượt đi, nhưng rốt cuộc chỉ xếp thứ 7 chung cuộc. 4 năm sau, bóng đá Đà thành tái diễn bi kịch. Họ vô địch lượt đi, nhưng lại tụt xuống thứ 6 sau 26 vòng.
Quảng Ninh, HAGL, Sài Gòn, Bình Dương đều là những đội có thực lực, và sẵn sàng tiếm ngôi đầu của Đà Nẵng, nếu đội bóng này sơ sảy. Vấn đề đặt ra, là nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, cựu vương V-League sẽ bị ảnh hưởng như nào?
Câu trả lời nằm ở chính bảng xếp hạng V-League trong 7 mùa gần nhất. Ngoại trừ trường hợp Hà Nội năm 2018, lên ngôi nhờ đội hình quá mạnh và đồng đều, các nhà vô địch còn lại đều đăng quang với tỷ lệ thắng trong khoảng từ 50 đến 60%. Nếu lấy ngưỡng trung bình, một CLB cần thắng 55% - tương đương 10 trận theo thể thức thi đấu mùa 2021, mới có thể nuôi hy vọng.
Một điều dễ thấy, là thắng những đội dưới cơ sẽ hơn nhiều so với việc thắng một đội ôm mộng vô địch, mà điều ấy chỉ có thể thực hiện được ở giai đoạn một, nơi các CLB đá đủ 13 vòng. Đà Nẵng đã thắng 3, nhưng chưa đụng độ nhóm ứng viên vô địch gồm Hà Nội, Viettel, Sài Gòn, Bình Dương hay HAGL. Trong bối cảnh cần tối thiểu 7 chiến thắng nữa, nếu họ không có 3 điểm tại Bình Định, áp lực sẽ dồn vào 14 trận còn lại. Tỷ lệ thắng 50% là khó, nhất là khi Đà Nẵng còn gặp lại chính nhóm ứng viên ở giai đoạn hai.
Câu chuyện Đà Nẵng cũng là vấn đề chung của nhiều đội khác khi đua đường dài. Tại V-League, duy nhất Hà Nội xứng danh "vua đường trường", nhờ tiềm lực tài chính và lực lượng dồi dào.
Ví dụ kinh điển là mùa 2019, dù phải đá đến 11 trận ở châu Á, lại đóng góp nhiều cầu thủ nhất cho ĐTVN, Hà Nội vẫn lập cú đúp vô địch V-League và Cup Quốc gia. Mùa 2020, họ dù bị "bầm dập" ở giai đoạn một, có lúc suýt không vào tốp 8 để đua vô địch, nhưng bằng nội lực hùng hậu, họ vẫn đua tranh với Viettel tới tận vòng cuối.
Thua một trận đấu không có nghĩa là thua cả trận chiến, nhất là với những giải đấu kéo dài trong nhiều tháng, bị chia cách bởi dịch bệnh và các đợt tập trung ĐTQG. Tuy nhiên, quá nhiều những tấm gương nhãn tiền như Sài Gòn mùa trước, TP.HCM mùa trước nữa, hay chính Đà Nẵng là lời cảnh tỉnh để đội bóng sông Hàn không được phép lơ là dù đang bay cao.
Tác giả: Phúc Nguyên
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam