Sau khi UBKT Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nghiên cứu, nghiệm thu đối với bộ kít xét nghiệm Covid-19, chỉ rõ những vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Học viện Quân y, các cấp có thẩm quyền đã xử lý nghiêm minh đối với đảng viên, tổ chức đảng vi phạm được dư luận xã hội và đông đảo nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: Vì sao từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia trong lúc rất nguy cấp phòng, chống dịch Covid-19 nguy hiểm, Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” được? Từ đó, bộ kit xét nghiệm Covid-19 được “thổi giá” và “đóng dấu chất lượng” mang danh Công ty Việt Á, hợp thức hóa tài sản Nhà nước lưu hành rộng rãi trong cả nước để thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng!?
Vì sao Công ty Việt Á lại dễ dàng “thâu tóm” Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia?
Liên quan tới vụ việc này, UBKT Trung ương tiếp tục kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm vi phạm đối với Ban cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Y tế; BCSĐ Bộ Khoa học & Công nghệ (KHCN) nhiệm kỳ 2016-2021.
UBKT Trung ương kết luận rõ: BCSĐ, lãnh đạo Bộ KHCN đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc phê duyệt, giao tổ chức thực hiện, ký hợp đồng, đánh giá, nghiệm thu, chuyển giao, quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề tài khoa học nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Học viện Quân y; trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y, Công ty Việt Á và một số cá nhân.
Công ty Việt Á đã sử dụng Đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kit xét nghiệm, chẩn đoán Covid -19. |
BCSĐ, lãnh đạo Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, để một số lãnh đạo Bộ và đơn vị vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.
Đây là vấn đề mấu chốt dẫn tới hàng loạt vi phạm của Bộ Y tế, Bộ KHCN và một số đơn vị, tổ chức đảng, đảng viên liên quan tới bộ kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á.
Đối với BCSĐ Bộ KHCN đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của BCSĐ; không họp, không ban hành nghị quyết, kết luận cho chủ trương về một số vấn đề quan trọng để chỉ đạo Bộ KHCN thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng về phòng, chống Covid -19; vi phạm trong việc nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao đối với bộ kít xét nghiệm Covid-19 cho Học viện Quân y; việc ký, quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng; quản lý, sử dụng, thanh toán kinh phí, đánh giá, nghiệm thu Đề tài; đặc biệt là việc chuyển giao kết quả nghiên cứu cho Công ty Việt Á không đúng quy định của pháp luật về khoa học công nghệ…
Không chỉ vậy, mà còn vi phạm ngay từ khi xác định nhiệm vụ, giao tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia của Bộ KHCN. Ngày 30/1/2020, Học viện Quân y có công văn gửi Bộ KHCN đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia về nghiên cứu bộ kit xét nghiệm phát hiện Covid-19 trái quy định của pháp luật, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ KHCN (công văn đề xuất đặt hàng phải là cấp bộ, ngành ký) và Quy định của Bộ quốc phòng.
Hơn nữa, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (CNN) lại trực tiếp nhận văn bản đề nghị của Học viện Quân y và tham mưu trình Bộ KHCN ký Quyết định số 144/QĐ-BKHCN thành lập Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ không đúng trình tự, thủ tục với Quy chế làm việc của Bộ KHCN.
Khi Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ được thành lập và hoạt động, Hội đồng đã kiến nghị xét giao trực tiếp việc thực hiện Đề tài theo hướng Học viện Quân y là cơ quan chủ trì; Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp, theo đề xuất của Chủ tịch Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ Lê Bách Quang (nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y), nhưng không đưa ra Hội đồng thảo luận, nhằm mục đích để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất thử nghiệm bộ kít xét nghiệm Covid-19.
Đối với hồ sơ thuyết minh Đề tài do Học viện Quân y lập và gửi trực tiếp cho Bộ KHCN cũng trái quy định, vi phạm Thông tư 07/2014/TT-BKHCN, của Bộ KHCN; đồng thời, có nhiều nội dung không đầy đủ, không có thông tin về quyền, nghĩa vụ của Bộ KHCN, Học viện Quân y, Công ty Việt Á; phương án phối hợp giữa Học viện Quân y và Công ty Việt Á; phương thức chuyển giao kết quả nghiên cứu; quyền sở hữu trí tuệ; sở hữu công nghiệp, nhưng không được Hội đồng tư vấn đánh giá, yêu cầu, kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung, khi thực tế Công ty Việt Á không có chức năng, năng lực sản xuất sinh phẩm, không có năng lực tài chính, là kẽ hở pháp lý để Công ty Việt Á được tham gia sản xuất bộ kit xét nghiệm Covid-19…
Đặc biệt, mặc dù Đề tài được đầu tư 100% kinh phí ngân sách Nhà nước do Học viện Quân y là cơ quan chủ trì, Công ty Việt Á là cơ quan phối hợp và đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu, chưa bàn giao kết quả nghiên cứu, Công ty Việt Á đã sử dụng Đề tài nghiên cứu và uy tín của Học viện Quân y để hợp thức hóa các sản phẩm, đề nghị Bộ Y tế cấp phép lưu hành tạm thời và chính thức bộ kit xét nghiệm, chẩn đoán Covid -19, dẫn đến Công ty Việt Á dễ dàng “thâu tóm” và chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp kết quả Đề tài nghiên cứu; chuyển sản phẩm nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước thành sở hữu của Công ty Việt Á, tiến hành thương mại hóa sản phẩm, cung cấp ra thị trường thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng; mà thực tế hầu hết vật tư, sinh phẩm của Công ty Việt Á có nguồn gốc nhập khẩu không bảo đảm hồ sơ pháp lý theo quy định.
Từ trái qua là các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và Phạm Công Tạc. |
Việc để Công ty Việt Á “thâu tóm”, chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp Đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid -19, nguyên nhân chính là do sự buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm của BCSĐ, để Bộ KHCN có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tất cả khâu của quá trình quản lý Nhà nước đối với nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, do Học viện Quân y chủ trì, như: Phê duyệt nhiệm vụ, phê duyệt tổ chức chủ trì, cá nhân chủ nhiệm, kinh phí, phương thức khoán chi, thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ; việc quản lý, theo dõi sử dụng thanh toán kinh phí, kiểm tra, giám sát thực hiện Đề tài, kể cả công tác truyền thông có nội dung không chính xác, không đầy đủ.
Đề tài đang trong quá trình thực hiện, chưa nghiệm thu hoàn thành, mới đánh giá, nghiệm thu giai đoạn 1, đã tổ chức họp báo và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ KHCN ngày 26/4/2020 có nội dung “Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận”; đồng thời, ban hành nhiều văn bản gửi Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương có nội dung “Bộ kit được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp ngày 24/4/2020”, đã tạo điều kiện để Công ty Việt Á lợi dụng truyền thông đánh bóng uy tín, quảng bá thương hiệu, thương mại hóa sản phẩm để thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Song trên thực tế, Tổ chức Y tế thế giới không công nhận bộ kit xét nghiệm Covid-19 này của Việt Nam sản xuất.
Liên quan đến việc để Công ty Việt Á “thâu tóm”, chiếm đoạt bất hợp pháp sở hữu Đề tài bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid -19, còn có những vi phạm của BCSĐ và lãnh đạo Bộ Y tế trong việc buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, để Bộ Y tế, một số đơn vị thuộc Bộ và cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Y tế trong việc cấp số đăng ký lưu hành; việc giám sát, đánh giá, kiểm tra, thẩm định quy trình kiểm định chất lượng; hiệp thương giá và kiểm tra việc hiệp thương giá, mua sắm bộ kít xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty Việt Á sản xuất.
Từ những vi phạm của Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh trong việc xác nhận chất lượng bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid -19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển, đã kéo theo nhiều vi phạm và để Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành bộ kít xét nghiệm Covid -19 được mang tên Công ty Việt Á sản xuất.
Ngoài những vi phạm nêu trên còn bắt nguồn từ vi phạm của Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh trong việc xác nhận chất lượng bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phát triển, kéo theo nhiều vi phạm và để Bộ Y tế cấp sổ đăng ký lưu hành bộ kít xét nghiệm Covid-19 được mang tên Công ty Việt Á sản xuất.
Theo đó, ngày 2/3/2020, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh gửi email cá nhân cho Bộ KHCN (không có chữ ký, không đóng dấu) xác nhận các bộ sinh phẩm của Học viện Quân y đạt tiêu chuẩn độ nhạy, độ đặc hiệu, tính ổn định trong thử nghiệm phát hiện Sars-Co-V2.
Đây chỉ là tài liệu cá nhân trao đổi với cá nhân, không có giá trị pháp lý, không phải tài liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gửi Bộ KHCN, trên cơ sở này Bộ KHCN thành lập Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Đề tài giai đoạn 1 trái quy định.
Tiếp đó, ngày 18/8/2020, ông Đặng Đức Anh ký Công văn số 1160/VSDTTW-NCYS gửi Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, theo đó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lập lại phiếu kết quả kiểm nghiệm; đồng thời kèm theo giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế, trong đó kết luận bộ kit xét nghiệm Covid -19 do Công ty Việt Á sản xuất đạt tiêu chuẩn của nhà sản xuất.
Trên cơ sở này, ngày 4/12/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5071/QĐ-BYT (do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký) cấp số đăng ký lưu hành đối với bộ kit xét nghiệm Covid -19 của Công ty Việt Á có giá trị 5 năm là trái thẩm quyền và vi phạm Quyết định số 1353/QĐ-BYT, ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.
Việc cấp số đăng ký cho Công ty Việt Á là không đúng đối tượng, vì đây là tài sản công thuộc sở hữu Nhà nước do Bộ KHCN là đại diện chủ sở hữu, Bộ KHCN chưa quyết định xử lý bàn giao cho Công ty Việt Á…
Từ những vi phạm này và nhiều vi phạm khác của một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Y tế dẫn tới Công ty Việt Á dễ dàng “thâu tóm”, chiếm đoạt sở hữu bất hợp pháp Đề tài nghiên cứu bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.
Theo Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của UBKT Trung ương đối với BCSĐ Bộ Y tế, những vi phạm, khuyết điểm của BCSĐ trong việc để Bộ Y tế ban hành 6 văn bản, trong đó có công bố giá bán các sinh phẩm, trang thiết bị y tế của doanh nghiệp (bộ xét nghiệm phát hiện virus Sars-CoV-2 của Công ty Việt Á, được công bố với giá 470.000 đồng/test) mà không kiểm tra cơ cấu hình thành giá, trái quy định pháp luật.
Thông qua đó, Bộ Y tế đã hợp thức hóa giá bán các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus Sars-CoV-2 cho Công ty Việt Á, từ đó các sở Y tế, bệnh viện, viện nghiên cứu sử dụng các thông báo nêu trên làm cơ sở xác định giá gói thầu mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm virus Sars-CoV-2 (chủ yếu thực hiện bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn), vì cho rằng đây là giá chuẩn do Bộ Y tế công bố, dẫn tới nhiều địa phương vi phạm trong việc mua bộ kit xét nghiệm Covid -19 của Công ty Việt Á, gây thiệt hại rất lớn đến tiền, tài sản của Nhà nước và các cơ sở y tế.
Từ kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với BCSĐ Bộ KHCN và Bộ Y tế liên quan tới vụ kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, ngày 17/5/2022, UBKT Trung ương đã có thông báo kỳ họp thứ 15, trong đó xem xét, xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan đến những vi phạm của BCSĐ Bộ KHCN và BCSĐ Bộ Y tế; đồng thời,UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo thẩm quyền.
Sau khi xem xét đề nghị của UBKT Trung ương, ngày 4/6/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật BCSĐ Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021;BCSĐ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Bí thư BCSĐ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư BCSĐ, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư BCSĐ, Bộ trưởng Y tế; ông Phạm Công Tạc, Ủy viên BCSĐ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: “Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 gây hậu quả nghiêm trọng.
Các ông: Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo: Ban Cán sự Đảng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng ông Phạm Công Tạc.
Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long”.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, ngày 6/6/2022 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã họp bất thường xem xét thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long.
Ngay sau đó, ngày 7/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Ông Chu Ngọc Anh, nguyên Bộ trưởng Khoa học & Công nghệ vì có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc giao, quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong việc quản lý, sử dụng Đề tài khoa học và công nghệ cấp Quốc gia nghiên cứu, chế tạo kit xét nghiệm Covid-19, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Y tế có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp sổ đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương Kit xét nghiệm Covid-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước, đã phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án; rà soát, kê biên, phong tỏa tài sản của các đối tượng để đảm bảo triệt để thu hồi cho Nhà nước.
Những bài học kinh nghiệm
Có thể thấy, những vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng liên quan tới vụ kit xét nghiệm xảy ra tại Công ty việt Á đã được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, được dư luận xã hội và quần chúng nhân dân đồng thuận, ủng hộ.
Hậu quả vụ việc trên để lại rất đau lòng: Trong lúc các cấp, các ngành của cả nước đang tập trung chung tay dập dịch Covid-19 nguy hiểm, tinh thần đoàn kết, chia sẻ trong nhân dân được khơi dậy, nhiều tấm gương vì cộng đồng đã được thắp lên trong lực lượng vũ trang, trong ngành y là những “chiến sỹ áo trắng”… thì những việc làm trên lại đi ngược lại với tinh thần chỉ đạo chung của Đảng và Nhà nước, ngược với đạo lý và sai lệch trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của các Bộ có chuyên môn liên quan vì mưu đồ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân của một số cán bộ, đảng viên suy thoái.
Trong khi đó, người dân, nhất là người dân lao động cuộc sống đã rất khó khăn do mất công ăn việc làm bởi dịch bệnh, lo trang trải chi phí hằng ngày còn chưa được bảo đảm lại phải gánh thêm các chi phí khi xét nghiệm Covid-19…
Kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Vụ việc phức tạp với những “mắt xích” móc nối, liên kết chặt chẽ nhưng cuối cùng đã được đưa ra ánh sáng. Không ít người phải kinh ngạc vì sự “qua mặt” thần kỳ của Công ty Việt Á, bức xúc bởi “liên minh ma quỷ” này nhưng sau rồi lại thấy rất “đau đớn”.
Vì liên quan đến Việt Á, ngoài các án kỷ luật đối với đảng viên liên quan vi phạm thuộc thẩm quyền của UBKT Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, còn nhiều cán bộ, đảng viên ở cấp tỉnh, thành trực thuộc bị kỷ luật, thậm chí có người bị khởi tố, bắt giam.
Mặc dù cán bộ các địa phương liên quan có vi phạm, việc hợp thức hóa và “đóng dấu chất lượng” của các cơ quan chức năng đối với sản phẩm kit xét nghiệm mang danh Công ty Việt Á nên đã căn cứ vào đó để đặt mua. Dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát nhưng những vi phạm liên quan đến vụ kít xét nghiệm Công ty Việt Á vẫn để lại hậu quả nặng nề.
Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên, tổ chức đảng (BTV Đảng ủy Học viện Quân y; BCSĐ Bộ KHCN; BCSĐ Bộ Y tế) và một số đơn vị liên quan tới những vi phạm xảy ra tại Công ty Việt Á, có thể thấy một số vấn đề sau:
Thứ nhất, BCSĐ của Bộ KHCN và Bộ Y tế đều buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, vi phạm Quy chế làm việc.
Đây là các nguyên tắc cơ bản của Đảng ta, có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì hoạt động của Đảng với tính chất là một đảng cách mạng và khoa học. Việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng với tư cách là một lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội thực hiện các mục tiêu cao đẹp của Đảng đã đề ra.
Thứ hai, trách nhiệm và vai trò nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vi phạm trên đều chưa được thực hiện tốt. Không chỉ vậy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trên còn vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương, vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đây cũng là vấn đề khi cán bộ được giao chức trách, nhiệm vụ đứng đầu các đơn vị cần phải nhận thức sâu sắc và nghiêm túc thực hiện.
Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc chức năng, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị mình đang thực hiện, gắn bó mật thiết với nhân dân và lấy mục đích vì nhân dân phục vụ; đồng thời phải bảo đảm các hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Bất kỳ sự vi phạm nào cũng có thể không chỉ gây ra những hậu quả cho bản thân đảng viên đó mà còn cho tổ chức đảng và toàn Đảng nói chung. Do đó, mỗi đảng viên, nhất là người đứng đầu phải nắm bắt đầy đủ nội dung của các nguyên tắc và thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục, dù ở vai trò, vị trí nào.
Thứ ba, công tác tham mưu của tổ chức đảng và đảng viên trực thuộc Bộ còn yếu, thậm chí còn bỏ qua các quy định, quy trình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nên một số cán bộ, đảng viên suy thoái đã lợi dụng sự buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của BCSĐ và lãnh đạo Bộ, có biểu hiện “liên minh lợi ích nhóm”, dẫn tới hàng loạt vi phạm của đảng viên, tổ chức đảng.
Tinh thần tự phê bình và phê bình đối với đảng viên trong các tổ chức đảng có đảng viên vi phạm còn yếu, nên vô tình đã như “đồng lõa” với vi phạm và để vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đây cũng là bài học lớn cho các cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải bảo đảm và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, các tổ chức đảng phải giữ vững và phải thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, thực hiện vai trò nêu gương người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đảng viên, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa (XI, XII), Kết luận Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để phòng, chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên.