Giáo dục

Tuyệt đối không để xảy ra gian lận khi chấm thi

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, nói rằng, trong mọi khâu chấm thi đều tiềm ẩn rủi ro nếu như cán bộ lơ là, cắt xén quy trình. Bộ GD&ĐT lưu ý các địa phương tuyệt đối không để xảy ra gian lận.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng - Bộ GD&ĐT, động viên thí sinh tại điểm thi Trường THPT Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) ngày 8/7 Ảnh: Anh Minh

Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ luôn đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Vậy trong kỳ thi này, thí sinh được đảm bảo quyền lợi như thế nào?

Suốt quá trình đổi mới giáo dục trong các nhà trường đều có mục tiêu hướng tới quyền lợi của người học, lấy người học làm trung tâm. Việc kiểm tra, đánh giá cũng không ngoại lệ. Riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc bảo đảm quyền lợi học sinh luôn được Bộ GD&ĐT tính toán, trước hết là thay đổi phương thức thi. Thay vì các em phải dồn về thành phố dự thi đông đúc, tốn kém thì nhiều năm nay, thí sinh được dự thi tại chỗ. Đó là sự cố gắng lớn của địa phương với mục đích giảm áp lực, giảm chi phí cho thí sinh, gia đình. Kỳ thi cũng rút ngắn thời gian tổ chức còn 2 ngày, giảm áp lực cho thí sinh. Trước và trong kỳ thi, các tổ chức, lực lượng xã hội đều ra sức hỗ trợ thí sinh để không có thí sinh nào vì khó khăn mà phải bỏ thi.

Từ năm ngoái đến nay, kỳ thi tổ chức trong bối cảnh có dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT phải tổ chức nhiều hơn một đợt thi nhằm đảm bảo tất cả thí sinh được dự thi, đồng thời chỉ đạo các trường đại học điều chỉnh thời gian, phương thức, chỉ tiêu xét tuyển đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Trong bối cảnh dịch bệnh, có ý kiến cho rằng cần đặt vấn đề nên hay không nên tiếp tục tổ chức kỳ thi khi mà tỉ lệ xét tốt nghiệp gần 100%. Ông nghĩ sao?

Vấn đề tổ chức hay không tổ chức kỳ thi vẫn thường xuyên được đề cập. Tuy nhiên, ở bậc tiểu học, THCS, chúng ta đã không có kỳ thi nào, do đó, việc duy trì một kỳ thi sau 12 năm học là cần thiết. Điều này nhằm sử dụng kết quả để đánh giá chất lượng giáo dục địa phương, nghiên cứu đổi mới chính sách giáo dục, là căn cứ tuyển sinh đại học. Do đó, Luật Giáo dục ghi rõ, học sinh THPT phải trải qua kỳ thi như hiện nay chúng ta đang thực hiện.

Tiềm ẩn rủi ro

Liên quan chấm thi, ông lưu ý địa phương điều gì?

Có thể nói, tổ chức thi, coi thi mới chỉ là một khâu trong quá trình tổ chức thi. Kỳ thi thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều khâu sau đó, nhất là khâu chấm thi.

Kết thúc kỳ thi, địa phương triển khai ngay khâu chấm thi, trong đó cần lưu ý việc vận chuyển, lưu trữ bài thi bảo đảm an toàn, tuyệt đối bảo mật, xác định trách nhiệm của các bên liên quan không để xảy ra bất kỳ sơ suất, sai sót nào. Rà soát lại một lần nữa quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm chấm thi đúng tiến độ, chính xác tuyệt đối, không để xảy ra gian lận. Đây là vấn đề quan trọng phải đặt lên hàng đầu. Sau khi hoàn tất chấm thi, hội đồng chuẩn hoá dữ liệu, công bố điểm thi.

“Kết thúc kỳ thi, địa phương triển khai ngay khâu chấm thi, trong đó cần lưu ý việc vận chuyển, lưu trữ bài thi bảo đảm an toàn, tuyệt đối bảo mật, xác định trách nhiệm của các bên liên quan không để xảy ra bất kỳ sơ suất, sai sót nào”.

Ông Mai văn trinh

Ông đánh giá thế nào về quy trình chấm thi? Liệu có lỗ hổng để có thể bị lợi dụng, gian lận thi?

Quy trình chấm thi nhiều năm nay rất chặt chẽ và ngày càng được hoàn thiện kỹ thuật hơn. Năm nay, Bộ tập huấn kỹ cán bộ các địa phương trong khâu này.

Tuy nhiên, trong mọi khâu chấm thi đều tiềm ẩn rủi ro nếu chúng ta lơ là, cắt xén quy trình. Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả cán bộ liên quan đến chấm thi từ cán bộ chấm, lực lượng phục vụ, thanh tra, giám sát… phải hiểu rõ quy chế, công việc, trách nhiệm kèm theo để thực hiện. Mỗi cán bộ thực hiện nhiệm vụ nghiêm túc, từng bước một, đúng quy trình.

Chấm thi tự luận, thí sinh luôn lo lắng giáo viên giữa các địa phương sẽ không đều tay. Ông có ý kiến gì về điều này?

Khác các môn trắc nghiệm, với môn Ngữ văn, cán bộ phải chấm bài thi tự luận. Ngoài hướng dẫn, đáp án thi còn có yếu tố phụ thuộc vào người chấm. Do đó, đề nghị địa phương chọn giáo viên có năng lực, kinh nghiệm cũng như tinh thần trách nhiệm để chấm bài thi khách quan, công bằng nhất.

Cảm ơn ông.

Tác giả: Hà Linh (thực hiện)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP