Năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Dự án đường giao thông cứu hộ, cứu nạn tả ngạn sông Con với tổng mức vốn sau điều chỉnh là gần 216 tỷ đồng, do UBND huyện Anh Sơn làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài hơn 13,7 km, điểm đầu thuộc xóm 7, xã Đỉnh Sơn; điểm cuối xóm 6, xã Bình Sơn.
Dự án đi qua 3 xã Đỉnh Sơn, Thành Sơn và Bình Sơn, huyện Anh Sơn, sau hơn một thập kỷ thi công vẫn còn dang dở. |
Mục tiêu dự án là kết nối đồng bộ hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đây cũng là tuyến đường phục vụ cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân vùng tả ngạn sông Con khi có thiên tai xảy ra. Ban đầu dự án dự kiến sẽ thi công trong thời gian 2 năm, chia thành 2 giai đoạn.
Người dân trên tuyến rất mong mỏi dự án sớm hoàn thành để phát triển kinh tế địa phương, tuy nhiên sau hơn 10 năm thi công dự án vẫn chưa hoàn thành.
"Những ngày đầu nhận thông tin về việc có con đường hoành tráng đi qua xã, bà con ai cũng vui mừng. Có thể nói, đây là con đường giúp bà con phát triển kinh tế, đời sống nhân dân sẽ được nâng lên… Thế nhưng, chúng tôi đợi đã hơn 10 năm nay rồi, đến thời điểm này đoạn đi qua địa bàn xã mới có 2 cầu, một cái mới làm, cầu còn lại thì cây cối mọc bao trùm hết rồi", anh Thành Trung - một người dân xã Bình Sơn - chia sẻ.
Bà Lương Thị Diệu ở xóm Tân Hợp, xã Bình Sơn cho biết: "10 năm trước, chúng tôi vui mừng vì tuyến đường được khởi công. Thời gian đầu họ san ủi rồi dừng cho đến nay khiến bà con buồn, bởi đường sá đi lại gian nan, vất vả hơn, nắng thì bụi bay mù trời, mưa không thể đi lại nổi".
Cây cỏ rậm rạp dưới chân cầu. |
Cầu tại thôn Tân Long, xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn đã làm từ lâu, nay cây cối mọc um tùm. |
Cũng theo bà Diệu, ngay cả việc giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân vẫn chưa hoàn thành. "Gia đình tôi được đền bù 9 triệu đồng để dự án cắt một phần đất vườn, nhưng đến nay mới nhận một nửa số tiền trên", bà Diệu cho biết.
Ông Dương Công Ngọc - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn - cho biết, là xã vùng sâu của huyện Anh Sơn, khi có dự án người dân rất vui mừng. Nhưng đến nay, sau nhiều năm dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là phát triển vùng nguyên liệu như mía, keo...
"Chúng tôi đang tiếp tục làm công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho người dân. Tổng số tiền đền bù toàn xã khoảng hơn 2 tỷ đồng, nhưng cũng rất nhỏ giọt. Chúng tôi đang niêm yết, thông báo đền bù cho 31 hộ thuộc 2 gói thầu của dự án. Dân rất đồng tình ủng hộ và mong chờ dự án hoàn thành", ông Ngọc cho biết.
Cầu mới làm sau hơn một thập kỷ dang dở, tuy nhiên không biết người dân tiếp tục phải chờ đợi đến bao giờ? |
Nhiều xe ô tô tải chở keo nguyên liệu của bà con phải quấn thêm xích sắt quanh bánh khi đi trên tuyến đường làm mãi không xong. |
Ông Võ Hồng Hiếu - Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Anh Sơn (đại diện chủ đầu tư) - cho biết nguyên nhân dự án chậm tiến độ cả thập kỷ là do nguồn vốn hạn hẹp.
"Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành vào 6/2014 và giai đoạn 2 dự kiến tháng 3/2015. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên khối lượng hoàn thành của 2 giai đoạn chỉ đạt 39,4% và 26,4%. Chúng tôi vẫn mong muốn có đủ vốn để hoàn thành tuyến đường, bởi không chỉ mục tiêu dự án mà cũng là sự mong mỏi của người dân 3 xã khó khăn nhất của huyện hiện nay", ông Hiếu cho biết.
Tác giả: Nguyễn Phê
Nguồn tin: Báo Dân trí