Áo phao được trang bị trên máy bay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước |
Trước đó, hôm 15/8, trên chuyến bay 0V8059 từ Sài Gòn đi Côn Đảo, hành khách N.V.Q. ngồi chế 16C đã tự ý lấy áo phao dưới ghế và xé, mở túi áo phao. Đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam tại Côn Đảo sau đó đã lập biên bản vi phạm hành chính với nam hành khách này. Cá nhân hành khách N.V.Q. sau đó cũng đã thừa nhận hành vi của mình.
Hành vi trên của ông N.V.Q. đã vi phạm quy định của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Do không có tình tiết giảm nhẹ, Cảng vụ Hàng không miền Nam đã quyết định xử phạt ông Q. 2 triệu đồng.
Áo phao được trang bị trên máy bay nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trong trường hợp chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bất chấp nỗ lực truyền thông, nạn trộm cắp và tự ý xé áo phao trên máy bay vẫn tiếp tục xảy ra, uy hiếp đến an ninh, an toàn trong khai thác bay.
Trong trường hợp nói trên, rất may là nam hành khách N.V.Q. chưa kịp thổi phồng áo phao, cũng không làm hỏng áo phao nên chuyến bay vẫn đủ điều kiện cất cánh. Trường hợp áo phao bị hỏng hoặc đã bị làm phồng lên, chuyến bay sẽ phải quay đầu để cắt khách theo quy định. Cụ thể, mỗi chuyến bay phải đảm bảo có đủ áo phao tương ứng với số người trên máy bay, đề phòng khả năng phải hạ cánh khẩn cấp trên mặt nước.
Theo một chuyên gia về an toàn hàng không, trong trường hợp hành khách xé áo phao nhưng chưa kịp thổi phồng áo phao, chưa kịp làm hỏng áo phao thì chuyến bay vẫn đủ điều kiện cất cánh, nhưng trường hợp áo phao bị hỏng hoặc đã bị làm phồng lên, chuyến bay sẽ phải quay đầu để giảm bớt khách.
Tác giả: Ngân Anh
Nguồn tin: Báo Giao thông