Với hơn 99% số phiếu bầu được kiểm đến 5h30 sáng 10/3 (giờ địa phương), ông Yoon Suk Yeol (60 tuổi) đã vượt qua ứng viên Lee Jae Myung của đảng Dân chủ cầm quyền với 48,6% phiếu bầu so với 47,8%, theo Yonhap.
Đây là cuộc bầu cử tổng thống kịch tính nhất của Hàn Quốc trong nhiều năm trở lại đây, AP nhận định.
Ngay sau khi có kết quả, một đám đông những người ủng hộ đã tập trung gần nhà ông Yoon và văn phòng tranh cử của đảng Quyền lực Nhân dân để hô vang tên ông và ăn mừng chiến thắng.
“Đây là chiến thắng của những con người vĩ đại”, ông Yoon nói trong bài phát biểu tại văn phòng đảng. Ông Yoon sẽ nhậm chức vào tháng 5 và phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm với tư cách là nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới.
Hình ảnh tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong chiến dịch tranh cử. Ảnh: AP. |
Công tố viên ngôi sao
Ông Yoon Suk Yeol (60 tuổi) sinh ra tại Seoul, cha ông là một giáo sư đại học và mẹ ông là một giáo viên. Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul, ông Yoon đã 9 lần tham gia kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề luật để trở thành một công tố viên vào năm 1994.
Sau nhiều năm, ông đã thành công với tư cách một nhà điều tra chống tham nhũng, không nao núng trước áp lực chính trị khi “truy lùng” những người giàu có và quyền lực nhất đất nước.
Ứng cử viên Yoon Suk Yeol từng làm việc với tư cách là công tố viên cấp cao vào năm 2016-2017. Ông đã tiến hành các cuộc điều tra nhằm vào những người tiền nhiệm của Tổng thống Moon Jae In - hai cựu Tổng thống Park Geun Hye và Lee Myung Bak. Cả hai người cuối cùng đều bị kết tội tham nhũng và lạm quyền.
Ông cũng tham gia cuộc điều tra người đứng đầu tập đoàn Samsung và một cựu chánh án Tòa án Tối cao vì tội tham nhũng, theo New York Times. Những cuộc điều tra này được ca ngợi rộng rãi như một chiến dịch nhằm xóa bỏ "tệ nạn đã ăn sâu" nền chính trị Hàn Quốc.
Ngay khi thắng cử năm 2017, Tổng thống Moon đã bổ nhiệm ông Yoon làm người đứng đầu Văn phòng Công tố Quận Trung tâm Seoul và thăng chức lên trưởng công tố viên vào năm 2019.
Tuy nhiên, sau đó, ông Yoon bắt đầu mâu thuẫn với chính quyền Tổng thống Moon. Ông Yoon đã ra lệnh điều tra Cho Kuk, một trong những phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Moon.
Dưới áp lực từ cuộc điều tra, ông Cho đã từ chức ngay sau khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp, vợ của ông cũng bị kết án và ngồi tù vì tội giả mạo tài liệu - một đòn giáng mạnh vào chính quyền Tổng thống Moon.
Từ đó, phe đối lập - những người từng chỉ trích ông Yoon là tay sai chính trị - bắt đầu gọi ông là anh hùng. Đến tháng 3/2021, ông thôi giữ chức vụ trưởng công tố, tham gia đảng đối lập và giành được đề cử tổng thống vào tháng 11/2021, theo South China Morning Post.
“Ông Trump thứ hai”
Trong nước, ông Yoon bị chỉ trích khơi dậy sự mâu thuẫn giữa hai giới khi thể hiện quan điểm chính trị mang thương hiệu của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông tuyên bố sẽ bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình để giành phiếu bầu của nhiều nam giới trẻ tuổi - những người đang chỉ trích các chính sách bình đẳng giới khiến họ mất nhiều đặc quyền trong thị trường việc làm siêu cạnh tranh.
Ông Yoon Suk Yeol được nhiều người so sánh với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP. |
Trước mắt, ưu tiên lớn nhất đối với Tổng thống Yoon là ngăn chặn làn sóng lây nhiễm chưa từng có của biến chủng Omicron. Bên cạnh đó, các cử tri trẻ tuổi đang phàn nàn vì vỡ mộng bởi giá nhà và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Ông Yoon cho biết sẽ cung cấp hơn 2,5 triệu đơn vị nhà ở để giảm giá nhà trên thị trường, đồng thời cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho những chủ doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tăng lương mạnh mẽ cho lính nghĩa vụ.
Ông cũng hứa tạo ra nhiều việc làm mới thông qua việc bãi bỏ một số quy định và xây dựng một thị trường lao động linh hoạt.
Ngoài ra, việc hàn gắn sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các đảng cũng là một nhiệm vụ quan trọng đối với Tổng thống Yoon, để các chương trình nghị sự không rơi vào cảnh bế tắc. Ông Yoon và đối thủ đã dành nhiều tháng để công kích, chế giễu và hạ bệ lẫn nhau trong chiến dịch tranh cử.
Coi trọng sức mạnh quân sự
Về chính sách đối ngoại, Tổng thống Yoon cho biết ông sẽ nghiêm khắc đối phó với các hành động khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Washington và Tokyo để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân.
Tân tổng thống từng nhấn mạnh việc tăng cường liên minh với Mỹ sẽ là trung tâm trong chính sách đối ngoại.
“Ông Yoon thích duy trì trật tự thông qua sức mạnh quân sự trên cơ sở liên minh với Mỹ. Nhưng cách tiếp cận này có khả năng gia tăng bất ổn trong khu vực”, giáo sư Khoa học Chính trị Kim Yong Hyun, Đại học Donguk, cho biết.
Hình ảnh tại một điểm bỏ phiếu ở Hàn Quốc hôm 9/3. Ảnh: AP. |
Tổng thống Yoon đã cam kết mở ra một “kỷ nguyên hợp tác mới” với Trung Quốc dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và thúc đẩy các cuộc đàm phán chiến lược cấp cao nếu thắng cử.
Tuy nhiên, ông cũng để ngỏ khả năng triển khai thêm hệ thống tên lửa của Mỹ mà Trung Quốc coi là mối đe dọa.
Một số chuyên gia cho rằng lập trường đối ngoại của ông Yoon sẽ đưa Seoul xích lại gần Washington nhưng không thể tránh khỏi xích mích với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
“Chúng ta có thể mong đợi liên minh (Mỹ - Hàn) vận hành trơn tru và đồng bộ hơn trong hầu hết vấn đề về Triều Tiên, Trung Quốc, cũng như các vấn đề trong khu vực và trên thế giới”, bà Duyeon Kim, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm An ninh của Washington, cho biết.
“Tuy nhiên, thách thức quan trọng là liệu ông Yoon có lắng nghe các cố vấn của mình và thực sự cứng rắn hơn với Triều Tiên và Trung Quốc hay không, khi phải đối mặt với thực tế địa kinh tế và chính trị sau khi nhậm chức”, bà nói.
Tác giả: Hải Linh
Nguồn tin: zingnews.vn