Băng rôn có ghi "Công lý cho Nusrat, Công lý cho Bangladesh". Ảnh: BBC. |
Hồi tháng 3, nữ sinh Nusrat Jahan Rafi (19 tuổi, theo học tại thị trấn Femi, phía nam thủ đô Dhaka của Banglades) khai với cảnh sát rằng hiệu trưởng Siraj-ud-Daula đã gọi cô lên phòng làm việc và sau đó có hành vi đụng chạm không đứng đắn với cô.
Nusrat bị tấn công sau khi từ chối rút cáo buộc bị hiệu trưởng quấy rối tình dục. Một đám đông đã dùng dầu hỏa và châm lửa đốt nạn nhân ngay trên nóc ngôi trường.
Nusrat bị bỏng tới 80% cơ thể. Ngày 10/4, Nusrat đã qua đời.
Vụ sát hại nữ sinh Nusrat từng gây sốc toàn Bangladesh và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình đòi công lý cho cô.
Hôm nay 24/10, 16 bị cáo liên quan tới vụ việc đã bị kết án tử hình. Thầy hiệu trưởng Siraj Ud Doula và 2 nữ sinh học cùng lớp với nạn nhân cũng nằm trong danh sách này.
Một số cảnh sát địa phương cũng bị phát hiện đã cấu kết với nhóm thủ phạm để lan truyền thông tin sai lệch rằng nạn nhân đã tự sát.
Đây là một trong những vụ việc được xét xử nhanh nhất ở Bangladesh, những vụ xử tương tự thường mất vài năm. “Không ai có thể thoát tội giết người ở Bangladesh, chúng tôi có pháp luật”, một công tố viên cho biết.
Biểu tình phản đối nạn bạo lực tình dục phổ biến ở Bangladesh. Ảnh: BBC. |
Truyền thông địa phương đưa tin, trước khi qua đời, Nusrat đã để người thân của mình quay lại lời khai bằng điện thoại. Trong đoạn video, nữ sinh 19 tuổi nói: “Thầy giáo đó đã đụng chạm vào tôi. Tôi sẽ chống lại tội ác này tới hơi thở cuối cùng”.
Xâm hại tình dục không phải là chuyện hiếm gặp ở Bangladesh. Tuy nhiên, việc dũng cảm lên tiếng như nữ sinh Nusrat được cho khá khác thường. Trước đó, các nạn nhân đi trình báo bị xâm hại thường bị cộng đồng chỉ trích, soi xét và nhận áp lực lớn từ dư luận lên bản thân và gia đình.
Sau vụ án, nhà chức trách của Bangladesh đã ra lệnh cho khoảng 27.000 trường học thành lập các ủy ban để ngăn chặn bạo lực tình dục.
Tác giả: Mộc Miên (T/h)
Nguồn tin: Báo ĐS&PL