Giáo dục

Trường nghề miễn giảm học phí cho học viên những ngành "khát" nhân lực

Nhiều ngành sản xuất tại TPHCM lo thiếu nhân lực vì phong trào bỏ phố về quê. Để đáp ứng khoảng trống này, các trường nghề đang có chính sách khuyến khích người học các ngành mà TP thiếu nhân lực.

Thiếu nhân lực ở những ngành thâm dụng lao động

Dự báo về nhu cầu nhân lực quý IV/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết địa phương này cần khoảng 43.000 - 57.000 chỗ làm việc.

Đơn vị này cũng dự báo, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến nhu cầu nhân lực quý I/2022 là khoảng 75.000 chỗ làm việc.

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực thì dự kiến nhu cầu nhân lực quý I/2022 là khoảng 60.000 chỗ làm việc.

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, nhu cầu lao động trên địa bàn TPHCM vẫn rất lớn, đặc biệt là ở các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động. Và tình trạng lao động rời thành phố để về quê đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất của khá nhiều doanh nghiệp.

Tình trạng lao động rời TPHCM về quê hàng loạt khiến thành phố thiếu nhân lực để phục hồi kinh tế (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường lao động Quý 3/2021 của Adecco Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất quý IV/2021 sẽ ổn định và tốt hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể gặp trở ngại khi tuyển dụng số lượng lớn.

Adecco Việt Nam cho rằng, trong đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người lao động đã rời các khu công nghiệp về quê và chưa, hoặc sẽ không quay trở lại. Điều này xảy ra trong các ngành công nghiệp sử dụng lượng lao động lớn như may mặc, da giày và đồ gỗ.

Ông Lê Văn Hải - Phó tổng giám đốc công ty cổ phần May Phương Nam cũng cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất của Covid-19 đối với ngành may mặc là tình trạng bỏ việc, thiếu lao động, chứ đơn hàng thì rất nhiều.

Theo ông Lê Văn Hải, hỗ trợ lớn nhất mà ngành may mặc mong muốn là thành phố có chính sách tốt để kéo người lao động các tỉnh về lại TPHCM, đảm bảo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế.

Miễn học phí các ngành có nhu cầu cao

Trước tình hình thiếu hụt lao động có tay nghề trong thời gian tới, các trường nghề tại TPHCM đang nỗ lực truyền thông tuyển sinh, kêu gọi người lao động tham gia các khóa đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp, trung cấp... để kịp bổ sung nhu cầu nhân sự cho nền kinh tế.

Để khuyến khích người học, hầu hết các trường nghề đều giữ mức học phí như năm học trước. Thậm chí, đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ học viên trường nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều trường nghề còn miễn, giảm học phí cho sinh viên.

Nhiều trường nghề miễn, giảm học phí cho sinh viên.

Theo thạc sĩ Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, biết nhu cầu lao động ngành may mặc - công nghệ thời trang của TPHCM thời gian tới sẽ rất cao, trường đã quyết định miễn phí 100% học phí cho học viên theo ngành này tại trường.

Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur thực hiện chính sách miễn giảm 100% học phí Cao đẳng ngành Hộ sinh hệ chính quy cho các thí sinh đăng ký và nhập học tại TPHCM trước ngày 6/9.

Khác với các trường trên, trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (BKC) không miễn giảm riêng ngành nào mà quyết định giảm 20% học phí học kỳ 2 cho sinh viên chính quy khóa 2019, khoá 2020 và khóa 2021.

Theo đại diện nhà trường, chính sách này nhằm san sẻ một phần khó khăn cùng phụ huynh và các em học sinh để giảm đi áp lực về kinh tế, tạo niềm tin và sức mạnh cùng nhau cố gắng trong những ngày tháng "hậu đại dịch".

Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn thường xuyên phun thuốc khử khuẩn các lớp học để chuẩn bị đón sinh viên về học trực tiếp.

Tại trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, dù gặp rất nhiều khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng trường cũng đã giảm 10% học phí cho sinh viên trong năm học 2020-2021. Năm học này (2021-2022). trường tiếp tục giảm thêm 10% học phí.

Trường Trung cấp Việt Giao suốt 2 năm xảy ra dịch Covid-19 đã không tăng học phí còn áp dụng nhiều giải pháp tài chính như chia nhỏ học phí ra cho học sinh đóng từng tháng, liên kết ngân hàng để hỗ trợ học sinh vay học phí...

Hiện giáo viên - nhân viên các trường nghề cũng đã đi làm lại bình thường. Trong cuối tháng 10 và đầu tháng 11, các trường nghề cũng đã tiến hành chích vaccine cho học sinh, sinh viên đầy đủ theo định, chờ đợi quyết định của thành phố cho học viên đi học trực tiếp trở lại.

Ngày 27/8, Chính phủ đã ban hành nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Theo Nghị định 81, đối với học phí giáo dục nghề nghiệp, ngân sách nhà nước thực hiện cấp bù học phí cho người học thuộc diện được miễn, giảm học phí đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhà nước trực tiếp quản lý.

Đối tượng được miễn học phí là: Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp; Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Bộ LĐ-TB&XH quy định; Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP