Máy bay không người lái BZK-005 từng bay đến đảo Phú Lâm hồi tháng 5.2016
Thông tin về ý đồ trên của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bắc Kinh đã và đang ra sức vận dụng những chiêu thức và phương tiện khác nhau hòng khẳng định cái gọi là “chủ quyền” của họ tại các vùng biển chiến lược.
Nỗ lực “UAV hóa”
Theo Nhân Dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, các máy bay không người lái (UAV) được chế tạo nội địa của nước này sẽ hoạt động tại khu vực quần đảo Senkaku, hiện do Nhật kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, trên biển Hoa Đông. Chúng cũng sẽ được triển khai tại những khu vực rộng lớn trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh ngang nhiên tuyên bố yêu sách chủ quyền đối với hầu như toàn bộ diện tích vùng biển chiến lược này.
Phát biểu tại Hội nghị các hệ thống máy bay không người lái quốc tế Trung Quốc lần thứ 6 (International UAS China 2016), ông Lý Ứng Thành, Tổng giám đốc Công ty TopRS Technology Co. Ltd - đơn vị sản xuất UAV, tuyên bố các bãi đá và đảo là những phần quan trọng của “lãnh thổ quốc gia” Trung Quốc, đồng thời cho rằng thông tin địa lý chính xác về các thực thể trên “là bằng chứng quan trọng để phân định lãnh hải và bảo vệ chủ quyền hàng hải quốc gia và an ninh” của Bắc Kinh. Ông Lý cũng nói thêm rằng nhiều đảo và bãi đá ở Biển Đông có phần chìm dưới nước rộng lớn hơn những gì nhìn thấy được từ trên không, khiến việc theo dõi và vẽ bản đồ trở nên khó khăn hơn.
Vì vậy, nhằm vượt qua thách thức trên, đồng thời thực hiện mưu đồ do thám các đảo nằm ở khu vực xa xôi và khó tiếp cận, các kỹ sư Trung Quốc đã thiết kế 2 mẫu UAV ZC-5B và ZC-10. Theo ông Lý, ZC-5B có tầm hoạt động 1.400 km, và có thể ở trên không trung trong 30 giờ liên tiếp. Nó được thiết kế đặc biệt với khả năng hoạt động tàng hình nhằm phục vụ sứ mệnh khảo sát và vẽ bản đồ.
Trong khi đó, chiếc ZC-10 có tải trọng tối đa 16 kg và có thể bay hơn 6 giờ. Camera khảo sát trên không của UAV này chỉ nặng 1,5 kg với hình ảnh có độ phân giải lên đến 80 triệu điểm ảnh. Hệ thống định vị và định hướng của UAV này chỉ nặng 520 gr. Ông Lý khẳng định bằng cách sử dụng hệ thống dẫn đường Bắc Đẩu, các UAV do công ty ông chế tạo có thể được kiểm soát và giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo dõi và chụp ảnh ngoài biển khơi.
Ông Tô Phân Châm, Giám đốc Phòng Thí nghiệm các hệ thống thông tin môi trường và tài nguyên nhà nước Trung Quốc, tỏ ra hết sức tự tin với khả năng “UAV hóa” hoạt động khảo sát ở Biển Đông. “Trong tương lai, chúng tôi hy vọng tránh được việc đứng ngoài nắng và làm việc cực khổ trong những chuyến đi khảo sát. UAV có thể hỗ trợ tốt việc thị sát và vẽ bản đồ các bãi đá”, ông Tô nói với Nhân Dân nhật báo.
Nhiều lần triển khai
Hiện chưa rõ khi nào Trung Quốc sẽ chính thức triển khai các UAV ZC-5B và ZC-10. Tuy nhiên, theo Nhân Dân nhật báo, Trung Quốc từng sử dụng công nghệ UAV để chụp loạt ảnh đầu tiên về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 6.2009, với tỷ lệ phân giải là 0,1 m. Đến năm 2012, Bắc Kinh bắt đầu khảo sát và vẽ bản đồ quần đảo tranh chấp nói trên. Sứ mệnh vẽ bản đồ thứ 3 được thực hiện vào tháng 7.2014. Hiện nó đã trở thành hoạt động thường xuyên của Trung Quốc.
Cũng theo tờ báo trên, tháng 5.2011 Trung Quốc từng triển khai UAV đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Đây cũng là sứ mệnh khảo sát và vẽ bản đồ Hoàng Sa đầu tiên được thực hiện bằng UAV. Tháng 5.2014, một chuyến bay UAV khác đã được tiến hành ở một số đảo thuộc nhóm đảo An Vĩnh.
Giới quan sát cho rằng tiềm năng dầu mỏ lớn cùng vai trò chiến lược của Biển Đông đã khiến Bắc Kinh ngày càng lộ rõ tham vọng biến vùng biển này thành “ao nhà”. Chính vì vậy, nhiều kế hoạch nhằm tăng cường việc kiểm soát đối với các đảo tại Biển Đông đang được Trung Quốc cấp tập thực hiện, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế.
Tháng 7.2016, Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) đã công bố phán quyết bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ kiện do Philippines theo đuổi từ năm 2013. Tuy nhiên, Bắc Kinh cho đến nay vẫn từ chối công nhận và thực thi phán quyết. Cũng từ thời điểm tháng 7, căng thẳng giữa Trung Quốc với Nhật xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng gia tăng.
Tháng 5.2016, Đài Fox News đã công bố những ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc bố trí máy bay không người lái do thám tầm xa Harbin BZK-005 tại đảo Phú Lâm. Chiếc UAV này do Đại học Hàng không và vũ trụ Bắc Kinh thiết kế, có thể bay với tốc độ khoảng 170 km/giờ và hoạt động trong vòng 40 giờ mỗi lần triển khai. |
Tác giả bài viết: Trùng Quang