Những ngày đầu năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị cho cuộc chiến luận tội tại Thượng viện để bảo đảm không bị phế truất khỏi vị trí ông chủ Nhà Trắng.
Thế nhưng, tại Capitol Hill cũng như nhiều nơi khắp nước Mỹ, một chính trị gia khác như thể một lần nữa bị đưa vào tâm điểm cuộc chiến luận tội, đó là cựu tổng thống Bill Clinton.
Ký ức luận tội Clinton
Tổng thống thứ 42 của nước Mỹ từng đối mặt cáo buộc luận tội vào năm 1998 - 1999. Sau nhiều năm ngủ yên trong dòng chảy lịch sử, ký ức về cuộc luận tội Clinton một lần nữa sống dậy, các chính trị gia từng tham gia quá trình luận tội được đưa trở lại tâm điểm, trong khi các nhà lập pháp lại tranh cãi sôi nổi về sự kiện cách đây 2 thập kỷ.
Ngày 21/1 tới, công chúng Mỹ một lần nữa đón chào sự trở lại của một trong những nhân vật đáng nhớ nhất trong chiến dịch luận tội Tổng thống Clinton, đó là Kenneth Starr, công tố viên từng giám sát những cấu phần gây tranh cãi nhất trong cuộc điều tra nhắm vào hành vi bị cáo buộc là vô đạo đức của ông Clinton.
Tổng thống Clinton phát biểu sau khi Hạ viện Mỹ bỏ phiếu quyết định luận tội ông. Ảnh: NBC. |
Lần này, Starr trở lại với vai trò thành viên đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump. Việc đưa Starr vào đội ngũ của Tổng thống Trump được cho là nhằm tạo ra hiệu ứng chính trị, khi người ta thấy cựu công tố viên từng tham gia luận tội một tổng thống lại đang bảo vệ cho tổng thống đương nhiệm.
Có nhiều lý do để công chúng Mỹ một lần nữa quan tâm tới phiên luận tội tại Thượng viện của ông Clinton, trong đó, phiên luận tội năm 1999 là tiền lệ duy nhất của thời kỳ hiện đại cho phiên xử dự kiến diễn ra ngày 21/1.
"Đó là điều tự nhiên khi người ta muốn xem lại quá khứ và tìm những điểm tương đồng khi vụ luận tội trước đây diễn ra. Tôi nghĩ mỗi người đều muốn tự đưa ra những kỳ vọng nhất định. Chúng ta không chỉ muốn biết được điều gì có thể xảy ra, mà chúng ta còn muốn hình dung rõ ràng những viễn cảnh ấy", Leo Neyfakh, nhà sản xuất chương trình "Slow Burn" từng đăng tải chi tiết các sự kiện dẫn tới vụ luận tội cựu tổng thống Clinton, nói.
Chính quyền Tổng thống Trump thường xuyên bị săm soi và phân tích đối với từng bước đi. Có thể nói, Tổng thống Trump dường như đã rơi vào một hoàn cảnh chưa từng có tiền lệ, và nay tất cả người Mỹ đều tìm kiếm sự so sánh với những người tiền nhiệm trong quá khứ.
Khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller bổ nhiệm để tiến hành cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử năm 2016, các phóng viên, đài truyền hình Mỹ đã tìm tới bất cứ nhà điều tra nào họ có thể kiếm được trong vụ luận tội Clinton, các công tố viên trong vụ Watergate, hay bất cứ ai từng điều tra các tổng thống Mỹ.
Thậm chí dù không bị luận tội, Tổng thống Trump và cựu tổng thống Clinton dường như sẽ mãi mãi có mối liên hệ với nhau trong lịch sử, bởi ông Trump đã đánh bại bà Hillary, vợ ông Clinton, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016.
Và, dù kết quả cuộc luận tội ngày 21/1 có thế nào đi chăng nữa, ông Trump và ông Clinton đã nắm tay nhau, cùng với cố tổng thống Andrew Johnson, trở thành 3 tổng thống Mỹ duy nhất từ trước đến nay bị luận tội.
So sánh mọi khía cạnh hai vụ luận tội
Tại Capitol Hill, nơi đặt tòa nhà Quốc hội Mỹ, vụ luận tội Clinton nổi lên như một "cây gậy" mà các bên tìm mọi cách khai thác trong cuộc chiến luận tội lần này.
Từ giới lãnh đạo Thượng viện tới các thành viên Hạ viện đang cố gắng ghi điểm và thu hút sự chú ý của mạng xã hội, các nhà lập pháp lùng sục những tình tiết từng được sử dụng trong vụ việc của Clinton để củng cố quan điểm của mình trong cuộc luận tội Tổng thống Trump.
Các chính trị gia hai đảng Dân chủ - Cộng hòa đều từng có phát ngôn trái ngược trong hai cuộc luận tội. Ảnh: CNN. |
Lãnh đạo Thượng viện Mitch McConnell sử dụng vụ luận tội Clinton để hỗ trợ cho quan điểm rằng quyết định về việc có triệu tập và chất vấn nhân chứng hay không chỉ nên được đưa ra sau khi các bên đã trình bày quan điểm mở đầu của mình.
Thượng nghị sĩ McConnell và các thành viên Cộng hòa khác nhấn mạnh rằng Thượng viện với đa số nghị sĩ của đảng Dân chủ năm 1999 đã bỏ phiếu với kết quả 100-0 quyết định chỉ triệu tập nhân chứng sau phần trình bày quan điểm đầu tiên của các bên.
Thế nhưng, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi lại phác họa bài học từ vụ luận tội Clinton theo một hướng rất khác. Hồi đầu tuần qua, bà Pelosi công bố biểu đồ cho thấy sự khác nhau trong cái cách hai vị tổng thống ứng phó với tiến trình luận tội và tự bảo vệ bản thân.
Trong khi Clinton khi đó cho phép các nhà điều tra toàn quyền tiếp cận mọi tài liệu, thông tin có được, Tổng thống Trump lại ngăn cản việc công bố tài liệu và lời khai của nhiều nhân chứng chủ chốt, trong đó có 9 người được Hạ viện yêu cầu.
Hạ nghị sĩ Dân chủ David Cicilline, thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện đứng sau tiến trình luận tội, cũng đưa ra một so sánh giữa hai vụ việc. Ông Cicilline nhấn mạnh trong vụ việc năm 1999, lãnh đạo Thượng viện khi đó là Tom Daschle đã từ chối thảo luận với Nhà Trắng về chi tiết cuộc luận tội.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ McConnell hiện nay làm việc sát sao với đội ngũ của ông Trump về các cáo buộc luận tội, và phe Cộng hòa không hề giấu giếm về sự phối hợp này.
Một yếu tố khác của vụ luận tội Clinton được nhắc tới, đó là vai trò của các thành viên Quốc hội Mỹ từng tham gia cuộc luận tội 20 năm trước. Theo thống kê, 25% thành viên Thượng viện hiện nay từng làm việc tại Quốc hội Mỹ trong thời kỳ luận tội Clinton - 15 người khi đó là thượng nghị sĩ, 10 người là hạ nghị sĩ.
Hạ viện Mỹ hiện cũng có 55 thành viên từng tham gia các cuộc bỏ phiếu luận tội Clinton tại Hạ viện năm 1998.
Các trang mạng và các nhà hoạt động chính trị thì đang lục lọi mọi tình tiết trong vụ luận tội Clinton nhằm phục vụ cho cái mà họ miêu tả là lật tẩy "sự đạo đức giả" trên chính trường Mỹ.
Phe Dân chủ đăng tải lại một đoạn ghi hình cũ của Thượng nghị sĩ Susan Collins, trong đó bà Collins đề nghị Thượng viện xem xét nhân chứng và bằng chứng mới. Tương tự, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse công kích Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đồng minh của Tổng thống Trump, với việc đăng tải lại đoạn ghi hình ông Graham khẳng định cần có sự hiện diện của các nhân chứng tại phiên xử Clinton.
"Khi đó thì như vậy, bây giờ thì lại kiểu khác", Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse mỉa mai.
Trong khi đó, phe Cộng hòa công bố đoạn băng bà Pelosi chỉ trích tiến trình luận tội ông Clinton của phe Cộng hòa là "sự tức giận của bất cứ ai từng có đối với ngài tổng thống".
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Doug Collins cũng đăng tải lại một đoạn ghi hình trong đó Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerry Nadler phát biểu năm 1998 khi cho rằng một cuộc luận tội sẽ "chia rẽ đất nước trong những năm sắp tới".
Lôi cuốn mọi tầng lớp xã hội
Trên sóng truyền hình và báo chí cả nước, hồi ức về vụ luận tội cựu tổng thống Clinton đã tràn ngập mọi bản tin, khiến bất cứ ai cũng có thể trở thành một người có mối liên hệ dù là mơ hồ nhất với cuộc chiến luận tội.
Có những người như Susan McDougal, đối tác từng làm ăn với Bill Clinton, từng xuất hiện trước công chúng vào tháng 3/2018 và tiết lộ quyết định từ chối trả lời trước bồi thẩm đoàn của Thượng viện dù có thể phải ngồi tù.
Tuyên bố của McDougal đột nhiên được quan tâm trở lại khi một trợ lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump mới đây có phát ngôn tương tự.
Cựu hạ nghị sĩ Rod Blagojevich, người đang ngồi tù với án 14 năm vì tội nhận hối lộ, thậm chí còn tìm được một nhà in để xuất bản tự truyện bởi ông này từng là hạ nghị sĩ và đã bỏ phiếu chống lại quyết định luận tội Clinton.
Những nhân vật ở trung tâm trong cuộc chiến luận tội cựu tổng thống Clinton, hiển nhiên, được quan tâm và mời chào nhiều nhất.
Cựu nghị sĩ Bill McCollum, người từng thuộc nhóm lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện thúc đẩy cáo buộc luận tội Clinton, mới đã đã liên tục xuất hiện trên truyền hình và các bản tin truyền thanh, miêu tả lại khoảnh khắc "căng thẳng tột độ" khi trình bày lập luận trước Thượng viện.
"Khoảnh khắc đó như thể đội nhà đang chơi tại giải đấu thế giới, và bản thân mình cũng đang trong sân đấu", ông McCollum nói.
Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ thứ 3 bị luận tội, sau Bill Clinton (giữa) và Andrew Johnson (trái). Ảnh: AP. |
Sự xuất hiện của McCollum và các thành viên Cộng hòa thời Cinton mà nay hầu hết đã rời khỏi chính trường cho thấy đã có sự biến chuyển về phía Cộng hòa trong vài thế hệ qua.
Ông McCollum và một số đảng viên Cộng hòa đã thẳng thắn cho rằng các nhân chứng nên được triệu tập tại phiên luận tội, quan điểm trái ngược với các thành viên Cộng hòa tại Thượng viện hiện nay. Ông McCollum cho rằng sự xuất hiện của các nhân chứng là phù hợp, cho cả hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Vấn đề nhân chứng từng là chủ đề nhạy cảm đối với những người thúc đẩy vụ luận tội Clinton trước đây. Một vài trong số họ hiện tức giận với quyết định của Thượng viện hiện nay khi thỏa thuận với phe Dân chủ về vấn đề nhân chứng, từng một thời hạn chế hoạt động truy tố của Hạ viện trong vụ luận tội Clinton.
Vì vậy, việc vụ luận tội Clinton nay được sử dụng như ví dụ của sự công bằng và tôn trọng giữa hai đảng Dân chủ - Cộng hòa tại Thượng viện là điều khó chấp nhận.
Cựu hạ nghị sĩ James Rogan, người từng tham gia tiến trình luận tội Clinton tại Hạ viện, cho biết ông không thể chấp nhận được khi nhìn thấy các lãnh đạo Thượng viện thời kỳ đó "vỗ lưng lẫn nhau vì nỗ lực lượng đảng phái để xử lý vụ luận tội".
Các hãng phát thanh truyền hình tại Mỹ nắm bắt xu thế và hưởng lợi từ sự quan tâm của công chúng đối với vụ luận tội Clinton trong quá khứ.
Những thước phim tư liệu về cựu tổng thống Clinton tiếp nhận làn sóng quan tâm đặc biệt trên C-SPAN, một kênh truyền hình về tư liệu. C-SPAN đã tạo một nội dung đặc biệt về cuộc luận tội 1998-1999, cũng như một chuỗi 3 phóng sự về cuộc tranh luận tại Ủy ban Tư pháp Hạ viện, cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện và phiên xử tại Thượng viện trong cuộc luận tội Clinton.
Howard Mortman, phát ngôn viên của C-SPAN, cho biết chưa từng chứng kiên sự quan tâm của khán giả với tư liệu cũ như vậy cho tới khi cuộc điều tra nhắm vào Tổng thống Trump khởi động.
“Có nhiều người tìm tới C-SPAN và khám phá ra kho báu riêng của họ. Họ chia sẻ những đoạn video thô để củng cố lập luận của mình. Giá trị của thư viện video là giúp người ta nhìn thấy những điểm nhất quán, hoặc không nhất quán, tùy vào góc nhìn của mình người, tùy vào cách tiếp cận", ông Mortman nhận xét.
Cuộc luận tội Tổng thống Trump cũng khiến câu chuyện của Clinton một lần nữa xuất hiện trên chương trình hài kịch "Saturday Night Live" danh tiếng. Mới đây, diễn viên hài kịch Darrel Hammond đã đóng giả cựu tổng thống Clinton xuất hiện trên sân khấu cùng diễn viên Alec Baldwin trong vai Tổng thống Trump.
Hai diễn viên châm chọc việc trong khi những mối quan hệ ngoài luồng khiến ông Clinton bị truy tố, những cáo buộc về ngoại tình và tấn công tình dục lại hầu như không gây tổn hại chính trị nào cho ông Trump.
"Ồ, vậy là có tiến bộ rồi", Hammon nói, bắt trước khuôn mặt và cái hành động giơ ngón cái chúc mừng đặc trưng của cựu tổng thống Clinton.
Tác giả: Duy Anh
Nguồn tin: zing.vn