Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Ngày 10/12, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) cho ý kiến việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 với việc xem xét đề nghị bổ sung các dự án Luật: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Hòa giải, đối thoại ở Tòa án (TA); sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Mới hậu kiểm khoảng 18% tổng DN nộp thuế
Đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, ông Hồ Đức Phớc nêu, luật hiện hành có một số quy định bộc lộ những bất hợp lý. Và một trong 10 nội dung được đề nghị sửa đổi, bổ sung là quy định người nộp thuế, tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản.. vào đối tượng được kiểm toán.
Giải trình điều này, theo ông Phớc, Hiến pháp quy định KTNN là cơ quan do QH thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Điều này có nghĩa, ở đâu có tài chính công, tài sản công là ở đó phải được kiểm toán, không phân biệt đối tượng và hình thức quản lý. Thuế là nguồn thu của ngân sách Nhà nước, nên nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế cần phải được kiểm toán.
Tổng KTNN còn dẫn chứng thực tế, qua hoạt động kiểm toán ngân sách thời gian qua, KTNN khi đối chiếu thuế đã phát hiện và kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước với số tiền thuế truy thu khá lớn. Đơn cử, 6 tháng đầu năm 2018, qua đối chiếu thuế 1.433 DN ngoài quốc doanh tại 24 tỉnh, TP, KTNN phát hiện 1.287 (tương đương 90%) trường hợp có sai phạm và kiến nghị xác định nộp ngân sách Nhà nước tăng thêm 443 tỉ đồng.
Theo pháp luật thuế hiện hành đối tượng nộp thuế tự kê khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm nên cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được khoảng 18% trong tổng số các doanh nghiệp nộp thuế. Có nghĩa, khoảng 82% đang là khoảng trống chưa được cơ quan nào kiểm tra, phát hiện.
“Việc trốn thuế, chuyển giá đang trở nên nhức nhối, hiện làm thất thu lớn ngân sách Nhà nước”, ông Phớc nhấn mạnh, thời gian qua, KTNN đã phát hiện chuyển giá, trốn thuế ở các DN kể cả DN nước ngoài, như Unilever, Sabeco... truy thu ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng.
Các cuộc kiểm toán dự án BOT, quản lý, sử dụng đất đai đã phát hiện nhiều sai phạm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư, cũng như truy thu hàng nghìn tỉ đồng về cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, do Luật KTNN mới có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 nên một số ý kiến của các Ủy viên UBTVQH cho rằng chỉ sửa luật khi có những vướng mắc thực sự gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải, nếu có một vài vướng mắc thì có thể sửa những nội dung liên quan đến Luật Quản lý thuế và chỉ nên sửa Luật KTNN khi đã thực sự chín muồi.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, KTNN cần nghiên cứu lại kỹ lưỡng ý kiến của Chính phủ, chỉ đưa vào dự án luật những vấn đề đã được Hiến định và phân biệt rõ thẩm quyền với từng khối cơ quan.
“Thuế là tài sản công, là tiền ngân sách nhưng có nhất định mở rộng phạm vi kiểm toán với tất cả DN ngoài Nhà nước hay không? Đây là vấn đề cần cân nhắc lại”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu, nếu thấy thực sự cần thiết thì đề nghị bổ sung dự án luật để trình QH xem xét tại kỳ họp cuối năm 2019 và thông qua tại kỳ họp đầu năm 2020.
Hòa giải tại Tòa không được “chặn” quyền khởi kiện của người dân
Trình bày tờ trình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, rất cần xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại TA.
“Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai”, ông Bình nói.
Hòa giải thành, đối thoại thành sẽ giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước, vừa hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Theo ông Bình, TAND Tối cao đã triển khai thí điểm về việc hòa giải, đối thoại tại Hải Phòng. Kết quả cho thấy, mô hình đã có những thành công nhất định.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, tán thành với TAND Tối cao, Ủy ban Pháp luật đề nghị, UBTVQH bổ sung vào chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Cho ý kiến, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, việc hòa giải, đối thoại ở TA thành công sẽ giúp giảm khiếu nại, tố cáo đang là vấn đề bức xúc hiện nay.
Tuy nhiên, bà Hải cho rằng, cán bộ hòa giải ngoài việc phải có kỹ năng nghiệp vụ, trình độ chuyên môn cao còn phải có kỹ năng giao tiếp tốt để bảo đảm tỷ lệ hòa giải thành cao. Do đó, dự án luật cần dự liệu được việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hòa giải.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, để có Luật Hòa giải, đối thoại tại TA, cần đánh giá tác động sâu rộng bởi hiện có rất nhiều loại hòa giải ở cơ sở.
“Quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại ở tòa phải trên tinh thần tạo điều kiện để người dân lựa chọn khởi kiện và hòa giải, không được ngăn chặn quyền được khởi kiện của người dân”, bà Nga nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thống nhất bổ sung dự án Luật Hòa giải, đối thoại ở TA vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 nhưng lưu ý thời điểm trình QH nên được thực hiện tại kỳ họp 8, vì kỳ họp 7 theo chương trình đã có quá nhiều việc cần tiến hành.
Còn băn khoăn về sáp nhập 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chính phủ đề nghị trình QH cho ý kiến tại kỳ họp 7, thông qua tại kỳ họp 8.
Ủy ban Pháp luật tán thành cần sớm sửa đổi, bổ sung và dùng 1 luật để sửa 2 luật để bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số chính sách dự kiến sửa đổi, bổ sung thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên không nhất thiết phải sửa đổi, bổ sung luật. Một số chính sách khác cần được cân nhắc thận trọng để phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện việc thí điểm sáp nhập 3 văn phòng (Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND và Văn phòng Đoàn ĐBQH, đang còn có ý kiến băn khoăn như sáp nhập một bên là hành pháp, một bên là lập pháp và giám sát nên hiệu quả chưa cao; một số địa phương có số lượng cán bộ, nhân viên các văn phòng rất lớn, nếu sáp nhập sẽ thành “siêu sở”.
Cũng theo ông Phúc, một số tỉnh thí điểm hợp nhất các sở, ngành, nhưng hiện nay đang dừng lại, chứng tỏ việc này còn chưa ổn định. Vì vậy, Tổng Thư ký QH đề nghị, chờ tổng kết thấu đáo các vấn đề trước khi xem xét sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ, trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương và kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị đã xác định là Đảng đoàn QH lãnh đạo xem xét sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến việc thực hiện sắp xếp, kiện toàn bộ máy thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Như vậy, mốc thời gian là các luật này phải được trình trong năm 2018 và thông qua trong năm 2019.
Cùng ngày, UBTVQH xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của các pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND.
Tác giả: Hương Giang
Nguồn tin: thanhtra.com.vn