Thế giới

Trào lưu đổi tình lấy du lịch miễn phí của phụ nữ Trung Quốc

Yang, 25 tuổi, mỉm cười khi đánh dấu vào ô "du lịch tới Côn Minh" trong máy tính xách tay ba tuần trước. Kể từ tháng 10/2015, cô đã đi du lịch 20 nơi ở Trung Quốc mà không tốn một xu.

Ju Peng, cô gái 19 tuổi gây xôn xao Trung Quốc khi công khai đề nghị đổi tình lấy du lịch trên mạng xã hội năm 2014. Ảnh: Carrentals


"Khi đi du lịch, tôi muốn ăn ngon, ở khách sạn đẹp mà không cần quan tâm đến giá cả và có thể mua bất kỳ thứ gì mình thích", Yang nói. Thu nhập của cô không đủ để du lịch theo cách này, theo Global Times.

"Tôi chỉ kiếm chưa đầy 3.000 tệ (448 USD) một tháng và sẽ chẳng bao giờ đủ tiền trả cho sở thích du lịch này", Yang nói. Cô nghĩ rằng giấc mơ của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực cho tới khi đọc một bài đăng trên mạng hồi tháng 8/2015.

Trong bài đăng, một cô gái 20 tuổi kể rằng cô đã tìm bạn trai tạm thời tại mỗi nơi mình muốn đến. Họ đưa cô đi du lịch và trả tiền mọi thứ, từ vé máy bay đến khách sạn và ăn uống cũng như mua sắm, để đổi lấy quan hệ tình dục vào ban đêm.

"Tôi vô cùng phấn khích. Nếu có một người đàn ông sẵn lòng trả tiền cho tôi đi du lịch, tôi cũng sẵn lòng ngủ với anh ta", Yang nói.

Làm theo bài đăng, Yang lên mạng và để lại hàng chục thông báo trên mạng xã hội và các trang web hẹn hò. Cô viết rõ yêu cầu bạn trai tạm thời như chiều cao lý tưởng, tuổi tác, ngoại hình, kèm yêu cầu anh ta sẵn lòng trả tiền mời cô du lịch.

Sau ba ngày, một người liên lạc với Yang. Anh ta sẽ trả tiền để cùng cô đi du lịch hai tuần tới Lhasa, Tây Tạng. Họ sẽ đi tham quan vào ban ngày, anh ta sẽ chi trả mọi hóa đơn và tới đêm, hai người sẽ ngủ với nhau.

Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ ở Trung Quốc quan tâm tới chủ đề trao đổi tình dục để đi du lịch. Chủ đề này được thảo luận trên kênh phát thanh The Himalayan của Trung Quốc hôm 20/9, thu hút 660.000 người theo dõi.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, người ta cũng tranh cãi về hiện tượng này. Một số cho rằng đây là kiểu sống thích nghi với hoàn cảnh, không đáng chê trách; còn một số khác lại cho rằng đây là kiểu sống vô đạo đức và lo lắng về vấn đề an toàn.

Theo các chuyên gia luật học, đổi tình lấy du lịch không phải hành vi phạm pháp, không có điều luật nào cấm việc trao đổi này. Tuy nhiên, họ tỏ ý lo ngại về ảnh hưởng của nó tới sự an toàn của phụ nữ, về nhận thức tình dục của xã hội.

Sau lần đổi tình lấy du lịch đầu tiên, Yang không thể dừng lại.

"Tôi bắt đầu nghiện đổi tình lấy du lịch", Yang nói. "Mỗi chuyến đi thật là phấn khích vì tôi sẽ được làm quen và gặp gỡ với một bạn trai tạm thời khác nhau, về cơ bản là một người hoàn toàn xa lạ".

Cô kể lại chuyến đi hồi tháng 5 tới tỉnh Tứ Xuyên. Một tuần trước ngày khởi hành, một người đàn ông ở Thành Đô liên lạc và hẹn đón cô ở sân bay. Trong suốt ba tiếng bay từ Bắc Kinh tới Thành Đô, Yang vô cùng hồi hộp.

"Mặc dù bạn trai tạm thời đã gửi ảnh cho tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ mãi rằng đời thực anh ấy trông như thế nào, chúng tôi có khó xử khi gặp nhau lần đầu ở sân bay không, anh ấy là loại người gì, mấy ngày tới sẽ xảy ra chuyện gì. Mọi thứ đều mù mờ và đầy bất ngờ với tôi", Yang nói.

Khi xuống sân bay, cô thấy anh ta cầm theo một bó hồng và một tấm biển đề tên Yang.

"Cuộc chạm mặt đầu tiên thật lãng mạn", Yang nhận xét.

Những ngày tiếp theo, bạn trai tạm thời đưa Yang tới nhiều danh lam thắng cảnh và vui vẻ trả tiền mọi thứ, mua cho cô nhiều quà lưu niệm. Họ trò chuyện nhiều hơn và khi hiểu rõ anh ta hơn, Yang cảm thấy thoải mái khi quan hệ tình dục.

Cô có được nhiều trải nghiệm dễ chịu sau chuyến du lịch Tứ Xuyên, nhưng cũng phải chịu nhiều lời gièm pha.

"Họ nói rằng tôi bán thân vì tiền và gọi tôi là ả đàn bà không có đức hạnh", Yang nói.

Nguy hiểm

Theo Zhu Xiaoding, một luật sư của công ty Cailiang Bắc Kinh, đổi tình lấy du lịch không phải hành vi phạm pháp vì nó không gây tổn hại tới xã hội hoặc vi phạm luật hình sự.

Theo ông, khi thỏa thuận đổi tình lấy du lịch, hầu hết mọi người quan hệ tình dục với tư cách là một cặp tình nhân, rất ít người coi bán dâm làm nghề chính để kiếm sống. Vì thế, đổi tình lấy du lịch có tính chất khác với mại dâm hoặc mua dâm, hai hành vi bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, dù không phạm pháp, nhưng đổi tình lấy du lịch lại tiềm ẩn hàng loạt rủi ro và có thể kích thích các hành vi phạm tội khác, chẳng hạn như trộm cướp, vì nó cho phép kẻ định tấn công có cơ hội tiếp cận con mồi, Zhu nhận định.

"Đời thực và ảo có khoảng cách rất lớn", Zhu nói. "Những người quen biết trên mạng có thể có tính cách khác hẳn ngoài đời và do đó, tiềm ẩn nhiều nguy cơ".

Zhu cho rằng hành vi đổi tình lấy du lịch còn gây ra nhiều mối nguy khác như bắt cóc, buôn bán người và giết người. Nếu thiếu nữ dưới 14 tuổi trao đổi tình lấy du lịch, bạn trai của họ cũng có thể bị buộc tội hiếp dâm.

Người tham gia thỏa thuận cũng không thể đòi bồi thường nếu một người phá vỡ hợp đồng, cho dù nó được thỏa thuận bằng miệng hay bằng văn bản, Zhu nói thêm.

Theo nhà nhân chủng học Trung Quốc, hiện tượng đổi tình lấy du lịch phản ánh các giá trị xã hội Trung Quốc đang thay đổi chóng mặt, khi tình cảm và thân xác được coi như món hàng trao đổi. Ảnh minh học: New York Times


Tina Lin, 27 tuổi, làm nghề bán hàng ở Bắc Kinh, cũng đồng tình với Zhu. Cô từng đổi tình lấy du lịch một lần tới thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến khoảng 6 tháng trước. Sau đêm đầu tiên ngủ với bạn trai tạm thời, đến ngày thứ hai, anh ta từ chối trả tiền vé tham quan, tiền ăn trưa và đến tối thì biến mất.

Buồn bã và tức giận, Lin định gọi báo cảnh sát nhưng do dự vì sợ nhiều người gièm pha khi biết chuyện cô đổi tình đi du lịch. Cuối cùng, cô quyết định không trình báo.

"Tôi rất hối hận nhưng lúc đó, tôi cũng cảm thấy may mắn là anh ta không làm gì tệ hơn, chẳng hạn như chụp ảnh tôi khỏa thân và dùng nó uy hiếp", Lin nói.

Ranh giới tình dục

Theo Wang Qianni, một nhà nhân chủng học sống tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, đổi tình lấy du lịch được một số phụ nữ coi như vũ khí chống lại định kiến xã hội truyền thống, coi giao dịch thân xác là thứ đáng xấu hổ.

"Ở một mức độ nào đó, nó phản ánh những thay đổi trong đạo đức về tình dục", Wang nhận xét. "Nói cách khác, thông qua việc trải nghiệm và công khai đổi tình lấy du lịch, một số thanh niên đã xóa đi ranh giới coi tự do tình dục là việc đáng xấu hổ".

Mặc dù người phụ nữ tự nguyện đổi tình dục để đi du lịch nhưng Wang tin rằng hiện tượng này có tác động tiêu cực tới xã hội vì nó khuyến khích sự bất bình đẳng giới. Tuy không có nghiên cứu chính thức về tỷ lệ đàn ông và phụ nữ tình nguyện đổi thân xác để đi du lịch, nhưng qua các thông báo trên diễn đàn mạng, đa số người rao đổi đều là phụ nữ.

"Chỉ khi phụ nữ cảm thấy họ đang ở vị thế bất lợi trong quan hệ tình dục, họ mới nghĩ tới chuyện lấy tiền bồi thường", Wang nói. "Phụ nữ đang đặt bản thân vào vị thế thấp hơn trong cán cân quyền lực".

Một số coi việc đổi tình lấy du lịch thật hấp dẫn vì du lịch cung cấp cho họ không gian tự do, thoát khỏi vai trò xã hội cố định trong đời sống hàng ngày. Họ có thể thoải mái làm những điều thách thức với những chuẩn mực đạo đức trong không gian này.

Theo Wang, hiện tượng này còn phù hợp với thực tế xã hội, nơi các giá trị đang thay đổi chóng mặt và cảm xúc cũng như thân thể đang được thương mại hóa, người ta dễ dàng định giá mọi thứ.

Lin hối hận khi anh bạn trai tạm thời chuồn mất sau đêm đầu tiên. Ảnh minh họa: Global Times


Về phần Yang, cô thừa nhận coi thân xác mình là món đồ tùy ý sử dụng. Cô thích cảm giác thoát khỏi cuộc sống hàng ngày và làm điều bất thường. Tuy nhiên, cô cũng lo lắng về các rủi ro tiềm ẩn, sau khi nghe phân tích của Zhu và Wang.

"Tôi chưa từng nghĩ đổi tình lấy du lịch lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ như thế. Tôi sẽ suy nghĩ lại vấn đề này", Yang nói.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP