Giải trí

Tranh cãi quanh tiết mục “giẫm lên lưng đồng đội” của Đàm Vĩnh Hưng

Sau hai đêm đầu biểu diễn liveshow “Diamond show” tại TPHCM vào tối 1 - 2/10 của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, tiết mục có trang phục gần giống quân phục “nhà binh” với màn trình diễn được cho là “giẫm lên lưng đồng đội” đang quỳ rạp đã khiến nhiều khán giả tỏ ra bức xúc.

Tiết mục gây tranh cãi của Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: TL


Phải hết sức cẩn trọng!

Nhân kỷ niệm 20 năm ca hát, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã tổ chức liveshow lớn nhất từ trước đến nay. Theo đó, một đêm diễn được đầu tư kinh phí “khủng” lên đến hơn chục tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số gần 30 tiết mục của Đàm Vĩnh Hưng thể hiện trong 2 đêm đầu diễn ra “siêu show”, tiết mục được cho là “giẫm lên lưng đồng đội” trong trang phục hơi hướng “nhà binh” đang gây nhiều tranh cãi nhất.

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thu Phương chia sẻ: “Dù bộ trang phục này không giống quân phục 100% nhưng màu sắc, kiểu dáng vẫn rất gần với quân phục. Thú thật, tôi không xem liveshow này nên không biết ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hát ca khúc gì kết hợp với trang phục ấy, nhưng trong biểu diễn nghệ thuật, đã dùng chất liệu liên quan đến người lính là phải hết sức cẩn trọng. Đặc biệt là hình ảnh gợi đến sự tôn vinh hay hy sinh. Ví dụ, hình ảnh trong tiết mục nêu trên, những người quỳ mọp kia là “hy sinh” để “tôn vinh” người đang “giẫm lên lưng đồng đội”, thêm trang phục gợi chất lính thành vô cùng phản cảm. Dù có nói là không phải quân phục của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam hay quốc gia nào khác thì về khía cạnh tính thẩm mỹ, ý nghĩa nhân văn và quan điểm nghệ thuật ở cũng cần xem lại”.

Nhà văn Nguyễn Thu Phương cho biết thêm, chị vốn không có “ác cảm” gì với Đàm Vĩnh Hưng và cũng không muốn vì chuyện này lại thành... người bị ghét. Nhưng trong thâm tâm chị cũng như nhiều thế hệ người Việt, hình ảnh người lính vừa gần gũi, vừa thiêng liêng nên một khi có sự phản cảm nào đó liên quan ít nhiều vẫn không tránh khỏi nghĩ ngợi. Là biên kịch của nhiều chương trình quy mô lớn, nhà văn Nguyễn Thu Phương cho biết, thông thường, chương trình nào có sử dụng quân phục hoặc trang phục hơi hướng quân phục sẽ được kiểm duyệt đến từng chi tiết.

“Tôi còn nhớ, chương trình sử dụng quân phục nhiều nhất mình từng làm là phim bộ ca nhạc của HTV quay tại Phú Yên. Theo đó, nhân vật phải mặc trang phục bộ đội thời đất nước mới giải phóng nhưng ê-kíp phục trang lại đem theo những bộ quân phục mới tinh của năm 2014. Hôm sau quay mà chúng tôi vẫn phải nhắn gấp về TPHCM yêu cầu gửi đúng trang phục ra, chấp nhận chờ từ sáng đến gần 11h trưa mới có đồ. Hình ảnh đó lên sóng không nhiều, còn qua xử lý tông màu thời gian nữa, thế vẫn phải kỹ lưỡng như vậy”, nhà văn Nguyễn Thu Phương nói.

Giới hạn nào cho tiết mục có “chất lính”?

Chúng tôi đem câu chuyện về tiết mục bị coi là “nhạy cảm” trong liveshow “Diamond show” của Đàm Vĩnh Hưng trao đổi cùng các đạo diễn có kinh nghiệm và nhận được nhiều chia sẻ thú vị.

“Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nếu sử dụng 100% quân phục thì đương nhiên được kiểm duyệt kỹ lưỡng, mắc sai sót sẽ bị xử phạt nhưng cái ranh giới về “hơi hướng chất lính” lại rất khó bắt bẻ nhau dù nó vẫn tác động mạnh về cảm xúc. Chẳng hạn, tối 4/7/2015, VTV2 phát sóng trực tiếp chương trình “Những người con bất tử” nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP Việt Nam thì ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện những hình ảnh chụp lại màn hình tiết mục “Cô gái mở đường” khi ca sĩ mặc quần bó sát vùng “nhạy cảm”. Trang phục biểu diễn ấy đã có cách tân, nhưng nhìn thì ai cũng hình dung đó là nữ TNXP mặc dù để xử lý bằng văn bản cho cảm giác phản cảm tiết mục mang lại thì vẫn khó”, một đạo diễn xin giấu tên cho biết. Ông cũng đưa ra thêm nhiều ví dụ về các trường hợp “nhạy cảm” khi sử dụng trang phục mang hơi hướng “nhà binh” trong biểu diễn.


“Tôi còn nhớ vào năm 2010, trong một tiết mục biểu diễn thời trang với trang phục lấy cảm hứng từ màu xanh áo lính và rằn ri cách điệu, đạo diễn lồng thêm cảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập ở màn hình lớn phía sau cùng hình ảnh quốc kỳ nước Việt Nam. Có lẽ, sẽ là giới hạn an toàn nếu các cô “chân dài” không õng ẹo, hai cô khoác tay một anh trang phục giống bộ đội nhún nhẩy trên sân khấu, phía sau là hình ảnh lịch sử. Như vậy để thấy rằng, đôi khi, ngay cả trang phục chỉ mang hơi hướng “nhà binh” thì vẫn cần ý tưởng kỹ lưỡng, nhân văn để không gây sự phản cảm cho khán giả. Chưa tính đến khâu kiểm duyệt, nghệ thuật biểu diễn sống được là nhờ cảm xúc khán giả, vậy nếu những người tổ chức chương trình cho rằng mình không sai mà khán giả chẳng chấp nhận nổi thì ở góc độ nào đó, cũng đã thất bại rồi!”, vị đạo diễn này chia sẻ.


Trở lại tiết mục gây tranh cãi của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, có thể sẽ là khắt khe nếu chỉ vì một tiết mục có trang phục hơi hướng “nhà binh” và màn biểu diễn được cho là “giẫm lên lưng đồng đội” mà “ném đá”, tẩy chay nghệ sĩ. Tuy nhiên, xét cho cùng, sân khấu là nơi khái quát hóa hiện thực, nên dù muốn hay không thì tất cả những gì xuất hiện trên sân khấu, đều được người xem nhìn nhận ở góc độ ý nghĩa. Bởi thế, thiết nghĩ, nếu Đàm Vĩnh Hưng và ê-kíp muốn xây dựng tiết mục từ ý tưởng về hình ảnh người lính, kể cả là những chàng lính ngự lâm mà họ tự hình dung, thì đầu tiên vẫn cần hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của hình ảnh ấy để khi biểu diễn, khán giả cảm nhận được về ý nghĩa tốt đẹp thay vì cảm giác lấn cấn trong lòng.

Nhiều bình luận của khán giả cho rằng, không thể chấp nhận việc lấy ý tưởng từ quân phục người lính để đưa vào một show diễn giải trí, nhất là khi ý nghĩa mang lại không mấy tích cực. Tuy nhiên, những ý kiến bênh vực tiết mục của Đàm Vĩnh Hưng lại cho rằng, vấn đề nghệ thuật cần được nhìn nhận độc lập. Trang phục này không “copy” quân phục của nước ta hay nước ngoài thì chẳng xúc phạm đến ai, nên sự phản cảm mà khán giả đang nhắc tới có vẻ hơi khắt khe.

Tác giả bài viết: Thành Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP