Kinh tế

Trả lương cao, ngành du lịch vẫn thiếu lao động trầm trọng

Thiếu hụt nguồn lao động, nhất là lao động chất lượng cao đang là bài toán cấp thiết với ngành du lịch, dịch vụ cả nước khi mở cửa hoàn toàn trở lại. Quảng Ninh, trung tâm du lịch lớn ở phía Bắc cũng không là ngoại lệ.

Hơn 2 tháng đăng tuyển nhân sự ở những vị trí cốt cán như điều hành tour, quản lý kinh doanh, kế toán trưởng... nhưng ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Công ty CP Du lịch và dịch vụ Hòn Gai (chi nhánh Quảng Ninh) vẫn chưa tuyển được người. Hơn 20 năm kinh doanh trong ngành du lịch dịch vụ, anh Hải rất ý thức được sự ổn định của lực lượng lao động đối với hoạt động của doanh nghiệp, nên cố gắng níu giữ người lao động bằng mức lương tối thiểu cùng khoản bảo hiểm hàng tháng. Dịch bệnh kéo dài, rất nhiều lao động có chuyên môn, nghiệp vụ tốt đã phải rời bỏ công ty do sức ép về cuộc sống, mưu sinh.

Thiếu lao động trầm trọng trong ngành dịch vụ, du lịch đang là thách thức lớn với Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Hà Hải nói: "Công ty tôi cần nhân sự lành nghề, chuyên nghiệp, có trình độ thì không tuyển được. Thậm chí nhiều cơ sở dịch vụ tuyển lao động không biết việc, chưa có kinh nghiệm đến để đào tạo nhưng họ cũng không mặn mà, bởi họ sợ tính bất ổn của du lịch vì những bài học khi đã qua 4 mùa dịch bệnh bùng phát".

Không chỉ với những vị trí lao động đòi hỏi trình độ, học vấn nhất định mà rất nhiều doanh nghiệp du lịch còn "chật vật" khi thiếu hụt trầm trọng lực lượng lao động phổ thông. Trong đợt cao điểm du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, Quảng Ninh chỉ có khoảng 50/169 tàu ngủ đêm đủ điều kiện hoạt động trên vịnh Hạ Long nhưng tình trạng thiếu nhân lực làm việc dưới tàu cũng không phải là dễ tuyển dụng.

Theo chia sẻ của một số chủ tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, nếu tàu không đủ người thì không thể hoạt động. Hiện nay tàu lưu trú thì thiếu khoảng 50% nhân sự, còn tàu tham quan thì các chủ doanh nghiệp đang động viên người lao động quay trở lại làm việc, sao cho đủ điều kiện để xuất bến.

Một chủ tàu nói: "Để phục vụ lượng người lên tới 200 khách, chúng tôi cần 50-60 người trên tàu để hoạt động. Hiện nay một số tàu chỉ đủ lao động vận hành, nhân lực cho bộ phận dịch vụ gần như không có. Chúng tôi cũng trả lương cao hơn so với trước dịch nhưng cũng rất khó thu hút".

Việc thiếu lao động ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch vào dịp cao điểm.

Chủ nhà hàng kiêm nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên kiêm luôn chạy bàn... đang là giải pháp tình thế của nhiều cơ sở để đáp ứng nhu cầu du khách. Nhiều lao động đã nghỉ hưu cũng được trưng dụng để có nhân lực phục vụ du khách ở những vị trí mặt tiền. Và điều đáng lo ngại là trong cuộc bình chọn của khoảng 400 thành viên chi hội hướng dẫn viên du lịch Quảng Ninh, có tới gần 1/3 số hướng dẫn viên không muốn quay trở lại làm việc trong ngành du lịch, do đã tìm được công việc và thu nhập ổn định ở ngành nghề.

Ông Lê Trọng Thanh - Phó Giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm cho biết: "Trong ngành dịch vụ, để đào tạo được những nhân viên có chất lượng cao thì không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Vì đây là kỹ năng, là tâm hồn, là văn hóa gửi gắm vào những hành động và sản phẩm phục vụ du khách. Việc này rất mất thời gian".

Trước khi dịch bùng phát, du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động, trong đó có 26.000 lao động trực tiếp. Vậy nhưng thời điểm hiện tại, số lao động trực tiếp trong ngành du lịch Quảng Ninh chỉ còn khoảng 16.000 người và phần lớn lao động rời bỏ ngành du lịch đã có việc ổn định tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp...

Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm: "Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành, trường Đại học Hạ Long mở các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn để từng bước khắc phục tình trạng khó khăn về lao động. Tôi cho rằng để đảm bảo chất lượng thì phải đủ số lượng. Một khách sạn có rất nhiều bộ phận nhưng chỉ vì thiếu nhân lực, chậm một chút thôi là dẫn tới sự không hài lòng của du khách; và về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch".

Cũng theo ông Phạm Ngọc Thủy, Sở Du lịch Quảng Ninh đang rà soát, đánh giá và đề xuất các ngành liên quan tổ chức đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động du lịch nhằm mục tiêu bổ sung nhân lực thiếu hụt và tăng chất lượng lao động du lịch. Tuy nhiên, hiện nay mới có khoảng 7% lao động quay trở lại thị trường lao động du lịch - dịch vụ và tham gia các lớp đào tạo theo hướng dẫn, hỗ trợ của Bộ Tài chính với mức hỗ trợ 4,5 triệu/người/3 khóa học. Chính vì vậy, để đảm bảo nguồn lao động trước mắt và lâu dài, cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần có những chính sách ưu đãi về lương, thưởng, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến... để từng bước thu hút lao động trở lại./.

Tác giả: Vũ Miền

Nguồn tin: vov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP