Trọng tâm của bộ sách giáo khoa (SGK) riêng của TPHCM tập trung vào hai vấn đề là những đặc thù riêng và giảm tải.
Về đặc thù riêng, báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM nói rõ bộ SGK mới phải khắc phục được những tồn tại, thiếu sót của bộ SGK hiện hành và tiếp cận được với xu hướng giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới: cơ bản, tinh giản về mặt kiến thức nhưng lại đảm bảo tính hiện đại và thực tiễn.
Bộ sách không chỉ dạy cho học sinh (HS) các kiến thức cơ bản mà còn phải giúp các em cách học, rèn luyện một số năng lực như tự học, công nghệ thông tin, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống.
TPHCM sẽ đưa vào thử nghiệm bộ sách giáo khoa riêng từ năm học này (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, việc dạy chữ để dạy người cũng sẽ được đặt ra trong quá trình biên soạn nhằm hình thành nhân cách sống tốt, phù hợp cho HS ngay từ những năm đầu của bậc phổ thông.
Bộ SGK mới sẽ đưa vào nhiều hơn những nội dung sát hợp với đặc thù riêng của thành phố về lịch sử, địa lí, văn hóa, con người, kinh tế,… hướng đến xây dựng một thế hệ công dân của thành phố có năng lực, trình độ, phẩm chất, hoài bão… đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của thành phố trong tương lai.
Định hướng giáo dục địa phương cũng sẽ được thực hiện thông qua việc soạn thảo và giảng dạy các chủ đề tích hợp ở các bộ môn và SGK lịch sử thành phố.
Về vấn đề giảm tải, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh việc quá tải trong dạy và học phụ thuộc phần lớn vào cấu tạo chương trình, SGK chủ yếu là hình thức thể hiện và chuyển tải chuẩn kiến thức-kĩ năng cần đạt theo quy định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, bộ SGK mới của thành phố sẽ xây dựng chương trình chi tiết sao cho phù hợp với đặc thù của vùng miền, cải tiến cả về hình thức và nội dung tạo hứng thú cho HS, qua đó giúp các em giảm tải và không cảm thấy bị gây sức ép; đồng thời thuận lợi cho việc dạy học theo hướng tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn.
Bộ sách mới sẽ khắc phục nhược điểm gây nhàm chán, nặng nề của bộ sách cũ do những kiến thức mang tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Biên soạn sẽ chú ý đến phương ngữ vùng, miền; các ví dụ, các bài tập thực tiễn sẽ gần gũi, sinh động hơn. Chú ý giải quyết sự nặng nề quá tải của chương trình cũ bằng việc chọn lọc các kiến thức cần thiết, thực tiễn và hiện đại, tăng cường rèn luyện phương pháp học, phương pháp tự học, hoạt động nhóm, tăng cường rèn luyện các trải nghiệm thực tế gắn với việc tập luyện giải quyết các vấn đề thực tế của cuộc sống và xã hội ngay từ nhà trường.
Sắp tới, thầy trò ở TPHCM sẽ dạy học theo bộ sách giáo khoa mang đặc thù riêng của thành phố (Trong ảnh: Học trò TPHCM trong giờ học liên môn Sử - Địa)
Việc đổi mới giáo dục phổ thông sẽ được thể hiện rõ qua định hướng đổi mới phương pháp dạy học của bộ sách. Nội dung chương trình chi tiết được sắp xếp theo các chủ đề, chủ điểm (khoa học, hợp lí, có tính đến sự tích hợp nội môn và liên môn). Từ đó, giúp số lượng bài học giảm xuống, nội dung chương trình sẽ giảm tải, nhẹ nhàng (không quy định cụ thể thành từng tiết mà phân bố thành từng chủ đề thực hiện trong một số tiết), giúp giáo viên chủ động hơn trong việc sắp xếp chương trình sát với thực tiễn lớp học, thực tiễn về phát triển công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận kiến thức của HS…
Bộ sách mới cũng chú ý đặt HS vào những tình huống cụ thể của cuộc sống. Từ đó, tạo cho HS năng lực tư duy, suy luận để giải quyết vấn đề và hình thành được năng lực giao tiếp và phát triển ngôn ngữ. Chú trọng việc dạy để HS hiểu và biết cách làm, không đặt nặng việc học thuộc lòng.
Về tiến độ, Sở GD-ĐT cho biết, hơn một năm qua, đội ngũ làm sách liên tục được tham gia các buổi tọa đàm, thảo luận về đổi mới giáo dục. Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách mời những chuyên gia hàng đầu về giáo dục của các nước đến nói chuyện, định hướng về bộ sách mới. Bên cạnh đó là những buổi trao đổi sâu, thẳng thắn về chuyên môn của từng nhóm tác giả để hình thành nên khung của từng bài, từng phần trong bộ sách.
Trước đó, TPHCM đã chủ động đề nghị việc thực hiện bộ SGK riêng để phù hợp với đặc thù của thành phố. Ngày 14/4/2015, Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn số 1744 cho phép Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ SGK theo khung chương trình mới.
Sẽ thử nghiệm sách giáo khoa mới từ năm học này Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho hay bộ sách sẽ được TPHCM thử nghiệm ở quy mô hẹp từ năm học 2016-2017. Sau đó tiếp tục mở rộng hơn từ năm học 2017-2018 và có thể sử dụng chính thức từ năm học 2018-2019. |
Tác giả bài viết: Hoài Nam
Nguồn tin: