Thanh tra hoạt động của Sông Đà
Nguồn tin của PV.VietNamNet cho biết, mới đây Chánh thanh tra Bộ Tài chính đã có quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Sông Đà và các DN có vốn đầu tư từ Sông Đà.
Cụ thể, các nội dung thanh tra là việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại DN; việc quản lý doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách...
Theo đó, 10 đơn vị được thanh tra là Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà; các công ty CP Sông Đà 2, 3, 4, 5, 6, 9, 10; Công ty CP thủy điện Việt Lào; Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà.
Tổng công ty Sông Đà còn mang nhiều khoản nợ lớn. |
Thời kỳ thanh tra là năm 2016 và tình hình, số liệu liên quan đến thời kỳ thanh tra.
Cùng với đó, Chánh thanh tra Bộ Tài chính cũng ban hành một quyết định giám sát hoạt động của đoàn thanh tra tại Sông Đà.
Không phải ngẫu nhiên Bộ Tài chính lại để mắt đến hoạt động của Sông Đà.
Cách đây ít lâu, Bộ Tài chính cũng đã ban hành một văn bản nhắc nhở về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của Sông Đà.
Theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2016 của Sông Đà là 10.388 tỷ đồng, chỉ bằng 59% so với năm 2015 do trong năm doanh thu sản xuất công nghiệp và doanh thu hoạt động xây dựng sụt giảm.
“Điều này cho thấy khả năng cạnh tranh đối với 2 lĩnh vực này của các đơn vị thuộc Tổng công ty còn hạn chế và tiềm ẩn những khó khăn trong giai đoạn tới”, Bộ Tài chính lo ngại.
Lợi nhuận thực hiện năm 2016 của Tổng công ty đạt 675 tỷ đồng (tăng 18% so với năm 2015), trong đó công ty mẹ và 13/16 công ty con có lãi, một số công ty có tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ khá cao như Công ty CP Thủy điện Cần Đơn, thủy điện Sê San 3A, Sông Đà 10.
Tuy nhiên, một số đơn vị có số lỗ phát sinh, mất vốn như Công ty CP Sông Đà 12, Công ty thủy điện Nậm Chiến, Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà.
Đặc biệt Bộ Tài chính cảnh báo Công ty CP Điện Việt Lào - một đơn vị trong diện thanh tra - tiềm ẩn rủi ro mất vốn do dự án thủy điện Xekaman 3 dừng hoạt động dài hạn để xử lý sự cố.
Theo tìm hiểu, tại thời điểm hết năm 2016, tổng nguồn vốn của Sông Đà là gần 32 nghìn tỷ đồng, nhưng cơ cấu nợ phải trả đã chiếm tới 75% tổng nguồn vốn (hơn 24.072 tỷ đồng).
Một loạt các công ty con của Sông Đà có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao vượt quá 3 lần như Sông Đà 3 (4,42 lần), Sông Đà 4 (6,07 lần), Cơ khí lắp máy Sông Đà (6,67 lần),...
Đặc biệt Công ty CP Sông Đà 12 có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá tới 104,85 lần.
“Như vậy, các công ty này hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay tiềm ẩn rủi ro về tài chính. Đặc biệt Công ty CP Sông Đà 12 lỗ gần mất hết vốn, Công ty CP Cơ khí lắp máy Sông Đà lỗ và phát sinh nợ quá hạn là hơn 50 tỷ đồng”, Bộ Tài chính quan ngại.
Tổng công ty Sông Đà từng là đơn vị nòng cốt của Tập đoàn Sông Đà (trước đây). |
Khi thẩm định báo cáo tài chính năm 2016 của Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà, Kiểm soát viên Tổng công ty Sông Đà đã lưu ý: Hiệu quả sử dụng vốn của Sông Đà chưa cao. Tình hình tài chính của Tổng công ty cũng còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn. Công tác thu hồi vốn tại các công trình do Tổng công ty làm tổng thầu như các công trình thủy điện của Công ty CP Điện Việt Lào, thủy điện Nậm Chiến,... còn chậm.
Các khoản cho vay lại với xi măng Hạ Long, điện Việt Lào cũng gặp khó khăn trong việc thu hồi, công tác thoái vốn chưa đạt kế hoạch nên đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của Tổng công ty con và các công ty con của Tổng công ty.
Nợ nhiều chỉ là trên sổ sách?
Lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà giải thích rằng số nợ phải trả của Tổng công ty lớn một phần là do phần vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện dự án Xi măng Hạ Long.
Sau một thời gian thua lỗ, nay dự án đó đã được chuyển giao cho Tổng công ty xi măng Việt Nam, nhưng vì Sông Đà là người đứng tên vay nợ cho nên vẫn là chủ thể trả nợ. Còn thực tế 3 bên là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Xi măng, Bộ Tài chính đã ký với nhau văn bản thể hiện Tổng công ty xi măng Việt Nam là đơn vị thu xếp tiền trả nợ, còn Sông Đà sẽ lấy tiền đó trả nợ cho đối tác nước ngoài.
“Do các chủ nợ không đồng ý chuyển giao chủ thể nợ nên về mặt sổ sách kế toán Tổng công ty Sông Đà vẫn phải gánh các khoản nợ đó. Còn thực tế thì Tổng công ty Xi măng Việt Nam là đơn vị phải thu xếp tiền trả nợ”, đại diện Sông Đà giải thích.
Trước hoạt động chưa thực sự khởi sắc của Sông Đà, Bộ Tài chính một mặt đề nghị Sông Đà nâng cao hiệu quả đầu tư, mặt khác Bộ Tài chính đề nghị Sông Đà đẩy nhanh thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết, vốn góp tại các đơn vị khác không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty mẹ và không hiệu quả như cao su Phú Riềng - Kratie, Cao su COECCO, khai thác và chế biến khoáng sản Sông Đà,...
“Nghiên cứu báo cáo Bộ Xây dựng về việc thoái vốn để giảm tỷ lệ nắm giữ vốn tại một số công ty con xuống 51% hoặc dưới 51% để có dòng tiền giúp giảm áp lực về tài chính cũng như trả nợ vay... ”, Bộ Tài chính khuyến nghị.
Tác giả: Lương Bằng
Nguồn tin: Báo VietNamNet