Cuộc sống

Tôi hết lòng vì nhà chồng nhưng đến lúc công bố di chúc, họ lại làm tôi hết hồn

Làm dâu mười năm, tôi không nghĩ có ngày mình sẽ bật khóc chỉ vì… một tờ di chúc.

Tôi lấy chồng khi trong tay chẳng có gì. Bố mẹ tôi là công nhân về hưu, gia đình không khá giả. Chồng tôi là con út, sống cùng bố mẹ trong căn nhà hai tầng ở quê. Cưới xong, tôi không đi làm công ty mà ở nhà phụ việc cho bố mẹ chồng, từ cày cấy, chợ búa đến chăm lo thuốc men cho ông bà.

Chị chồng lấy chồng xa, anh chồng cả cũng có nhà riêng. Mọi việc trong nhà đều mặc định đổ lên vai vợ chồng tôi. Không ai nói ra, nhưng tôi ngầm hiểu: mình là dâu út, sống chung, không có lương, thì đây là "trách nhiệm" đối với ông bà.

Và tôi đã hết lòng như thế. Những lúc mẹ chồng ốm nằm viện dài ngày, tôi là người thức trắng chăm bà. Bố chồng bệnh tiểu đường, tôi kiêng từng miếng mắm miếng muối, nấu ăn riêng, theo dõi đường huyết. Ngay cả lúc mang thai, tôi vẫn cố gắng không phiền đến ai.

Tôi không oán thán. Tôi nghĩ, mình đối đãi chân thành thì sẽ được người ta thương.

Nhưng tôi đã lầm...

Năm ngoái, bố chồng tôi mất. Trước lúc mất, ông có gọi người cháu trong họ làm luật sư tới nhờ công bố di chúc. Lúc đó, ông cũng yếu lắm rồi, ai cũng nghĩ ông chỉ muốn công bằng.

Tôi không hỏi han gì. Chồng tôi bảo: "Mình lo hương khói chu đáo, còn nhà cửa đất đai, bố có tính rồi".

Ảnh minh họa

Tôi vẫn tin vào cái chữ "tình". Thế nhưng ngày công bố di chúc, tôi chết lặng.

Toàn bộ căn nhà đang ở được để lại cho… anh cả. Chồng tôi chỉ được một mảnh đất ruộng ven sông, bé tí, thậm chí không canh tác được vì ngập mặn. Phần tài sản tiết kiệm chia đều cho các con, không nhắc gì đến dâu.

Mẹ chồng ngồi đó, không lên tiếng. Chị chồng nhìn tôi, cười xã giao. Luật sư đọc tiếp: "Do anh cả là con trưởng, nhà thờ họ cũng đặt tại đây, nên ông để lại căn nhà cho anh, cùng trách nhiệm hương hỏa".

Tôi quay sang chồng. Anh cúi mặt, không nói gì.

Sau buổi đó, tôi thu dọn đồ về nhà mẹ đẻ ít hôm cho khuây khỏa. Tối đến, chồng tôi nhắn:

"Anh xin lỗi. Anh cũng bất ngờ. Nhưng anh nghĩ chắc bố sợ nếu để nhà lại cho mình, mẹ với chị sẽ khó chịu…".

Tôi gõ một tin nhắn dài, rồi lại xoá, không phải vì tiếc của mà vì mình đã đánh cược cả tuổi thanh xuân, sức khỏe, lòng hiếu thảo… để đổi lấy một điều tưởng chừng hiển nhiên là sự công nhận. Vậy mà cuối cùng, khi không còn cơ hội lên tiếng, bố chồng lại lặng lẽ viết một tờ giấy… gạt phăng hết những gì tôi cố gắng.

Tôi không biết có nên trách ông không. Có lẽ, ông cũng bị giằng xé. Có lẽ, ông sợ mang tiếng "bênh dâu út". Có lẽ, ông nghĩ: "Nhà thì ai ở chẳng được, miễn là còn máu mủ". Nhưng ông quên mất một điều: Không phải máu mủ nào cũng sẵn sàng hy sinh cả đời để giữ cho căn nhà luôn sáng đèn.

Đôi khi, người ta không tổn thương vì mất đi tài sản mà vì cả một hành trình hy sinh âm thầm – đến phút cuối cùng vẫn không được nhìn nhận. Không phải ai sống chung mới được gọi là gia đình, mà là người cùng ta chịu đựng và vun vén từng ngày.

Tôi không biết có nên nói thẳng với bố mẹ chồng, đòi công bằng, ít nhất là cho chồng tôi?

Tác giả: Lam Anh

Nguồn tin: thanhnienviet.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP