Những thầy cô của tháng năm học trò
Vào mùa hè năm lớp 2, tôi về quê chơi suốt 3 tháng, không hề ngó ngàng đến trường lớp. Vào năm học, các bạn giỏi trong lớp đã thi vào lớp chọn hết. Cô giáo chủ nhiệm lớp 3 của tôi lúc đó là cô Út, đã nói: "Minh không đi thi nên phải ở lại lớp".
Tôi giãy nảy lên không chịu ở lại lớp, vì tôi nghĩ như thế là tôi đã bị đúp lại lớp 2. Thời bấy giờ vẫn có rất nhiều học sinh bị đúp. Và tôi rất sợ bị đúp lại nên đã nhất quyết không chịu. Thế là cô Út đã dẫn tôi đến lớp chọn, giao cho cô Lan chủ nhiệm lớp chọn, mẹ của bạn Phạm Thị Bình. Và thế là, chẳng hề thi cử hay xin xỏ gì, tôi vẫn cứ may mắn được lọt vào lớp chọn.
Tri ân các thế hệ thầy cô. Ảnh: Đinh Quang Tuấn
Ban đầu tôi cũng học dốt lắm, nên rất nhút nhát. Cho đến một ngày, khi cô giao bài tập kể lại một việc em đã làm, tôi được mẹ gà bài văn kể về việc tôi đã rửa cốc chén giúp mẹ. Tôi nhớ bài văn có đoạn viết, khi tôi rửa cốc, nắng soi vào chậu nước lấp lánh. Câu này thực ra là của mẹ tôi, nhưng mà nhờ nó mà bài của tôi được đọc trước lớp. Từ đó, tôi được dán nhãn học sinh giỏi văn và cứ thế năm nào cũng phải đi thi học sinh giỏi.
Cô giáo năm lớp 4 của tôi là cô Ly. Cô Ly trẻ, mới ra trường nên vô cùng nhiệt tình với học sinh. Tôi tự lập 1 nhóm học tập tại nhà để kèm thêm các bạn nghịch và học kém. Ngày cưới cô Ly, chúng tôi rồng rắn đi bộ đến nhà cô và góp tiền mua tặng cô một cái mâm.
Cô Minh, cô giáo lớp 7 của tôi thì vô cùng chu đáo. Lớp 7 tôi bắt đầu học trường chuyên và phải tự đi xe đạp rất xa, cùng một nhóm bạn. Buổi trưa, cô rủ chúng tôi vào nhà ăn cơm, nghỉ trưa để chiều đi học tiếp, đỡ phải vất vưởng. Cô chú ý đến từng cái áo của học sinh mặc, bữa ăn giấc ngủ của học sinh như thế.
Cô Thìn dạy lớp 8 chăm chút chúng tôi như con. Cô biết hoàn cảnh từng đứa và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ cho quyền lợi học trò.
Thầy Vĩnh dạy lớp 9 có lẽ là giáo viên phải hứng chịu nhiều nhất các loại thói hư tật xấu và tất cả mọi hội chứng dở hơi của tôi. Khi thầy tiếp quản lớp, bọn học sinh lớp Văn tỏ ra bất mãn và chống đối vì chúng nó vẫn yêu cô chủ nhiệm lớp 8. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng thầy rất chú ý đến tôi, và cho rằng tôi có năng khiếu.
Thầy ưu ái tôi một cách hơi quá, khiến các bạn trong lớp khó chịu và bản thân tôi cũng cảm thấy bất mãn. Tôi đã tìm mọi cách để phá đám trong các giờ học, lôi kéo bạn bè chống đối thầy, nhằm khiến thầy ghét tôi, để chứng minh cho bọn trong lớp rằng tôi có thể học tốt ngay cả khi thầy bị ghét… Cho đến sát ngày thi quốc gia, chắc không chịu được nữa, hoặc vì muốn dạy cho tôi một bài học, mà thầy mời mẹ tôi đến nói chuyện về tất cả những chứng tật dở hơi bất trị ấy của tôi và còn cảnh báo mẹ tôi rằng, nếu không kịp thời dạy dỗ thì với cái tính nghêng ngang phách lối đó, dù có tài năng đến mấy, cũng chỉ là kẻ vứt đi mà thôi.
Suốt những ngày sau đó, tôi sống trong một tâm trạng căng thẳng, sợ hãi, xấu hổ, bất mãn đến nỗi muốn tự tử quách cho rồi. Trước ngày thi quốc gia, thầy đến tận nhà tôi, và ở trong căn phòng có cái ban công mở ra phía bờ sông, thầy giảng cho tôi những bài học cuối cùng trước khi thi. Kết quả kì thi năm ấy đã không được như thầy mong muốn, nhưng tôi đã học được một bài học nhớ đời.
Mặc dù thầy không dạy lớp tôi nữa, nhưng thầy vẫn luôn theo sát tôi, nhận ra và nâng đỡ khả năng viết lách của tôi. Thầy vẫn đến tận kí túc xá thăm tôi khi tôi đã học đại học… Và gần chục năm sau, mỗi khi về thăm thầy, chỉ cần bấm chuông và nói em chào thầy, bất kể là trời tối nhập nhoạng, thầy vẫn nhận ra giọng của tôi.
Thầy giáo cấp 3 có lẽ là người phải chịu đựng tất cả những bất trị, nổi loạn của bọn con gái chuyên văn đang tuổi dở người. Thầy nhiệt tình và hết mình vì học sinh, luôn mồm dặn tôi phải đi ngủ sớm, không được thức khuya, mặc dù tôi chưa bao giờ thức đến quá 10 giờ ngoại trừ phải xem đá bóng...
Và thầy Việt, thầy Văn, thầy Cộng, thầy Phí Dương, các giáo viên dạy toán đã khiến cho tôi biết rằng toán thật đẹp, thật dễ. Và thầy Đạo, cô Nga dạy địa hay đến mức tôi chẳng bao giờ phải học bài ở nhà mà vẫn được điểm cao. Và thầy Tuyến, cô Bình đã cho tôi biết rằng Sử học hấp dẫn đến thế nào…
Và thầy Trinh đã dạy tiếng Anh cho chúng tôi trong căn phòng tập thể chật chội, đã giúp cho tôi nhìn thấy bản chất của một ngoại ngữ. Và thầy Hưng dạy Sinh đã cho tôi hiểu sự sống quan trọng đến thế nào, cơ thể mình quan trọng như thế nào.
Tôi thực sự hàm ơn các thầy cô đại học
Suốt 4 năm học Đại học, cô Thìn là giáo viên chủ nhiệm lớp chúng tôi. Cô chẳng hề giàu có, nhưng cho học trò đủ thứ, cả vật chất lẫn tinh thần. Cô lo lắng cho từng đứa một. Khi cô đi công tác, chúng tôi đến chuyển nhà giúp cô. Khi cô nằm viện, trời mưa ròng rã, cả lớp lô nhô đứng hết ngoài hành lang bệnh viện chờ đợi, thức cả đêm cùng người nhà chờ đợi, đợi cô tỉnh dậy và nói với chúng tôi rằng: giờ nhà cô rộng rồi, tha hồ họp lớp... Giờ đây, khi đã nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm, nghĩ đến cô, tôi luôn cảm thấy xấu hổ vì mình đã không làm được gì cho sinh viên.
Tôi đã thực sự hàm ơn các thầy cô ở Đại học. Thầy Phùng Văn Tửu luôn bước vào lớp đúng giờ, không muộn một phút, trân trọng từng học sinh, trân trọng từng khoảnh khắc đứng trên bục giảng. Mỗi lời thầy nói đều cô đọng, khúc chiết, đều khiêm tốn, lịch sự.
Thầy Nguyễn Đăng Mạnh chỉ kể chuyện thôi mà cả lớp vẫn phải dỏng tai nghe. Thầy Phan Trọng Luận với câu nói nổi tiếng “use your head” và “thế giới trên mười đầu ngón tay”. Thầy Nguyễn Hoành Khung lúc nào trông cũng thanh tao, hào hoa… Thầy Nguyễn Ngọc San vừa dạy vừa hỏi vừa nói chuyện, bọn học sinh tha hồ nói leo như ông đang chơi với cháu. Thầy Đặng Đức Siêu lúc nào cũng nghiêm túc, sang trọng, kiêu bạc.́
Khi ở lại làm cán bộ tạo nguồn, tôi lại may mắn khi được làm việc với những người thầy mà tôi kính trọng và yêu quí thật lòng. Cô Lê Lưu Oanh sắp đặt, chỉ bảo cho tôi từng đường đi nước bước, từng cách đối nhân xử thế. Thầy Trần Đình Sử khiến cho tôi thấy ao ước muốn được đọc sách, được học hỏi không ngừng. Thầy La Khắc Hoà là sư phụ hướng dẫn của tôi, lo cho tôi từng chút một. Thầy Phùng Ngọc Kiếm lúc nào cũng khiến cho tôi có cảm giác gần gũi như một người thân trong gia đình. Lúc nào gặp các thầy tôi cũng thấy xúc động, thấy tin cậy, thấy mình may mắn, thấy đầu óc được mở mang.
Tôi còn nhớ vào những ngày vất vả tất bật sau khi ra trường, tôi được "chỉ định" học thêm tiếng Trung. Và người đã dạy tôi nhiều nhất là cô Minh. Cô rất bận vì phải chăm cháu nhỏ và cáng đáng công việc ở trường, nhưng vẫn nhận dạy thêm học sinh ở nhà. Vì không có nhiều thời gian, nên chúng tôi đã đến nhà cô học từ lúc 5h sáng đến 7 giờ sáng. Khi chúng tôi tan học, cũng là lúc hàng xóm nhà cô bắt đầu tỉnh dậy...
Và thầy Lê Thanh Hải đã dạy tôi viết thư pháp trong căn phòng ngổn ngang chữ nghĩa, giấy mực. Và thầy giáo dạy nấu ăn cấp tốc cho tôi trước lúc phải lấy chồng, cho tôi thấy nấu ăn hoá ra thật đẹp. Và thầy giáo dạy võ đã đánh trượt tôi khi thi lên đai trắng đã cho tôi biết những giới hạn của bản thân...
Tôi sống gần 20 năm trong vòng tay của bố mẹ, nhưng cả cuộc đời tôi luôn có bóng dáng của những người thầy, những con người chẳng quyền cao chức trọng, nhà lầu xe hơi hay đao to búa lớn rao giảng đạo đức.
Tôi không thể kể xiết biết bao người thầy đã cho tôi biết bao điều tốt đẹp trong cuộc sống này, dạy tôi làm người tử tế, dạy tôi biết mình là ai, dạy tôi biết sử dụng não bộ của mình, dạy tôi biết sắp đặt cuộc đời sao cho mạch lạc, dạy tôi nhận rõ những giới hạn của bản thân mình, dạy tôi biết khinh bỉ những thứ giả dối hão huyền, dạy tôi biết trân trọng mỗi phút giây của cuộc sống.
Những ân nghĩa đó là cái ta phải mang trong tim suốt cả cuộc đời mình.
Khi người ta có những người thầy thực sự, người ta không dốt nát được, không giả dối được, không tàn nhẫn được đâu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Minh (giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)
Nguồn tin: