Giáo dục

Tỉnh, thành nào cũng có sách giáo khoa riêng, có nên không?

Nhiều bất cập đã được nêu ra tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mầm non và phổ thông do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 15-12.

Một chương trình, nhiều bộ SGK đang làm trái luật?

“Tôi nghe tin Bộ GD-ĐT đang rậm rịch xin kéo dài thời gian triển khai đổi mới chương trình sách giáo khoa (SGK). Việc này nếu không kiên quyết, không tích cực sẽ kéo theo tất cả các khâu khác đều chậm. Chậm chương trình dẫn tới chậm biên soạn SGK” - GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, bày tỏ lo ngại về tình trạng chậm tiến độ xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mới.

GS Thi đề cập tới một vấn đề bất thường là trong khi chương trình giáo dục phổ thông mới còn chưa được hoàn thiện thì nhiều địa phương đã bắt đầu biên soạn SGK.

“Các địa phương biên soạn SGK là sai về tư tưởng và trái luật. Vì định hướng một chương trình nhiều bộ SGK phải được triển khai theo nguyên tắc các nhà trường được chủ động lựa chọn SGK trên cơ sở thống nhất với giáo viên và học sinh. Nếu địa phương viết SGK thì chắc chắn sẽ bắt các trường trong địa bàn chọn sách của địa phương mình”, GS Thi phân tích.

Cũng có ý kiến về việc này, ông Chu Lê Trinh, đại biểu tỉnh Lai Châu, đưa ra một giả thuyết: “Bây giờ chỉ có một vài địa phương nhưng sau này cả 63 tỉnh, thành đều biên soạn SGK, mỗi tỉnh, thành có một bộ SGK riêng. Học sinh địa phương nào phải học SGK của địa phương đó thì chuyện gì sẽ xảy ra?". Ông Trinh cho rằng đây là việc cần được lưu ý ngay từ bây giờ

Liên quan tới việc này, ni cô Thích Nữ Tín Liên, Đoàn đại biểu TP.HCM, cho biết TP có biên soạn bộ SGK, khắc phục được nhược điểm của bộ SGK hiện hành của Bộ GD-ĐT, tăng nội dung thực hành, thí nghiệm, tiếp cận với khoa học thế giới. Nhưng do còn chờ Bộ GD-ĐT hoàn thiện chương trình giáo dục mới và cho phép sử dụng nhiều bộ SGK nên TP vẫn sử dụng bộ SGK của Bộ GD-ĐT là chính, chỉ kết hợp dạy thêm nội dung thực hành trong bộ sách của TP.

Bà Liên cũng cho rằng việc này đã hình thành một số lớp “chuyên” được tiếp cận bộ sách của TP, đây cũng là lý do TP xin được tổ chức thi tốt nghiệp THPT riêng nhưng chưa được chấp thuận.

Chương trình tổng thể vẫn quá nhiều môn

Đây là ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, tại buổi tọa đàm.

“Dự thảo chương trình tổng thể vẫn vắng bóng hoàn toàn các môn học chuẩn bị định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT cho học sinh có nguyện vọng theo học các ngành như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, thể dục thể thao….”, GS Thuyết bày tỏ.

Theo GS Thuyết, ở lớp 10 với vai trò “dự hướng”, ngoài các môn công cụ là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, nên dạy đầy đủ cả năm học, các môn còn lại chỉ nên dạy một học kỳ ở dạng môn học độc lập. Riêng giáo dục thể chất thì nên tổ chức theo hình thức câu lạc bộ. Như vậy lớp 10 chỉ cần phải học 6-7 môn (hiện tại là 13-14 môn).

Sau giai đoạn dự hướng, học sinh được tập trung vào các môn học theo định hướng nghề nghiệp, trong đó bổ sung các môn mang tính định hướng nghề nghiệp như công nghệ, kinh tế, tài chính, nghệ thuật…

“Mỗi học sinh chỉ cần chọn học năm môn. Ngoài các môn cần cho nghề nghiệp tương lai, học sinh có thể chọn các môn theo sở thích”, GS Thuyết nói.

Góp ý với chương trình tổng thể, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng bên cạnh việc “còn nhiều môn quá” thì ở bậc THPT lại có những cái thiếu khó hiểu. Ví dụ chương trình vắng bóng hoàn toàn khối mỹ thuật, âm nhạc, trong khi có rất nhiều nghề sau này cần tới kiến thức của các môn học này như thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa….

“Hiện có gần 3.000 trường phổ thông chưa hề có giáo viên mỹ thuật, âm nhạc thì để “phủ kín” cần ngay 6.000 giáo viên”, GS Thuyết cũng đặt ra một khó khăn lớn nếu như khắc phục bất cập này.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm cũng bày tỏ quan điểm về việc phân luồng sau THCS phải có giải pháp mạnh hơn, lược bỏ những nội dung dạy học không phù hợp, không thiết thực để giảm tải. Đó cũng là cách để chống dạy thêm, học thêm.

"Với định hướng dạy học phân hóa, tự chọn ở bậc THPT, cần phải tính toán làm rõ kiến thức cốt lõi là gì để xác định các môn bắt buộc ít thôi, tăng cường môn tự chọn để tăng cơ hội cho người học" - PGS Trần Thị Tâm Đan, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, trao đổi.

Mầm non nhiều bất cập

Tại tọa đàm, bậc mầm non là bậc học được nhiều ý kiến nhắc đến với những bất cập chứng tỏ sự thiếu quan tâm đúng mức.

“Giáo dục mầm non không được đề cập trong Hiến pháp và Luật giáo dục, đây là khiếm khuyết phải bổ sung ngay”, GS Đào Trọng Thi lưu ý.

GS Thi cũng cho rằng chất lượng giáo dục mầm non hiện nay vẫn ở mức thấp, nhất là mầm non dưới 3 tuổi.

PGS-TS Chu Hồng Thanh (Bộ GD-ĐT) cho rằng giáo viên mầm non đang phải lao động quá tải. “Họ phải biết dạy học, biết múa, hát, chăm sóc học sinh, còn phải trông trẻ vào buổi trưa, nhưng lương của giáo viên mầm non thì quá thấp”, ông Thanh chia sẻ.

Ông Thanh đề nghị một việc cũ nhưng vẫn luôn là điều cấp bách là phải xếp lương giáo viên mầm non và phổ thông ở vị trí đầu của thang bảng lương.

Tác giả bài viết: Vĩnh Hà

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP