Năm 1886, các nhà khảo cổ học đã khai quật được một xác ướp với tư thế kỳ lạ đầy bí ẩn ở thung lũng Deir El Bahri, cách thành phố Cairo (Ai Cập) khoảng 483km về phía Nam. Đó là xác ướp một nam giới khoảng chừng 18-20 tuổi, nằm ở tư thế ngửa cổ lên trên, miệng há hốc như thể phải chịu đau đớn cùng cực ngay trước lúc chết.
|
Người ta đặt tên là Screaming Mummy (xác ướp la hét) và cũng kể từ đó, xác ướp này trở thành một "bài toán nan giải" đối với các nhà nghiên cứu bởi không ai lý giải được biểu cảm khó hiểu trên khuôn mặt của xác ướp này.
Được biết, khi được tìm thấy, "Xác ướp la hét" được bao bọc bằng lớp vôi sống và nhiều mẩu da cừu chứ không phải là băng vải lanh mịn như nhiều xác ướp thuộc giới quý tộc của Ai Cập cổ đại.
Tuy nhiên, theo quan niệm của người Ai Cập cổ đại, việc bọc thi thể bằng da động vật như cừu, dê thì được cho là "ô uế, dơ bẩn và không tinh khiết". Xác ướp bọc da cừu có thể khiến người đã khuất không thể sang được thế giới bên kia.
Bên cạnh đó, "Xác ướp la hét" này cũng không có tên hay bất cứ ký hiệu, dấu hiệu nào để xác định danh tính. Tên họ được cho là thứ quý giá nhất của người đã khuất theo quan niệm của Ai Cập cổ đại. Một xác ướp không tên đồng nghĩa với việc không thể đi tới được thế giới bên kia hoặc đây cũng có thể là một cách trừng phạt đối với người phạm tội.
Xác ướp có khuôn mặt la hét vì đau đớn |
Sau nhiều năm suy đoán, đầu năm 2018, các nhà khoa học đã công bố kết quả ADN cho rằng "Xác ướp la hét" có thể thuộc về Hoàng tử Pentewere, con trai của Pharaoh Ramses III, người được cho là đã âm mưu giết cha mình để chiếm ngôi báu nhưng không thành công và bị kết án tử hình bằng cách treo cổ.
Qua những vết thương ở cổ của xác ướp, nghiên cứu mới này cũng khẳng định Hoàng tử Pentewere bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ.
Theo Bộ Cổ vật Ai Cập, xác ướp này được chôn cất ở gần những ngôi mộ hoàng tộc nổi tiếng ở bờ phía tây sông Nile. Trong khi những người khác được bọc bằng vải lanh trắng và ướp xác cẩn thận, thì "Xác ướp la hét" bị để khô trong hỗn hợp các hợp chất natri, thậm chí còn bị đổ nhựa vào miệng và bị phủ bằng da cừu. Xác ướp này còn được gọi là "Unknown Man E" hiện được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập ở Cairo.
Âm mưu đáng sợ trong Hoàng gia Ai Cập từ 3000 năm trước
Theo ghi nhận của National Geographic, Hoàng tử Pentawere đã có âm mưu cắt cổ Pharaoh Ramses III dựa trên các tài liệu giấy cói có từ thế kỷ 12 trước Công nguyên. Đây là một tài liệu nói lên vai trò quan trọng của Pentawere.
Theo các nhà nghiên cứu, xác ướp của Hoàng tử Pentewere được cho là bí ẩn vì không được chôn cất theo đúng nghi thức của người Ai Cập cổ đại. Dù được chôn gần các xác ướp hoàng tộc khác, nhưng vẻ mặt thống khổ và đau đớn với miệng vẫn mở như la hét của "người đàn ông vô danh" khiến nhiều chuyên gia bối rối.
Xác ướp vô danh này chính là Hoàng tử Pentewere, người được cho là tham gia vào vụ ám sát vua Pharaoh Ramses III |
Thực tế, cho đến nay, cái chết của Pharaoh Ramses III vẫn còn là một bí ẩn. Theo tài liệu ghi chép để lại, ông là một trong những quân vương lỗi lạc bậc nhất của Ai Cập cổ đại.
Xác ướp của Pharaoh Ramses III trong bảo tàng Cairo, Ai Cập |
Dấu tích trên những giấy cói cổ mặc dù nhắc đến những kẻ âm mưu bị bắt nhưng lại không nêu rõ ràng về việc liệu vụ ám sát có thành công hay không.
Phân tích xác ướp của Pharaoh Ramses III cho thấy vị vua này qua đời ở tuổi 60, nhưng các nhà khoa học nghĩ rằng nhiều khả năng nguyên nhân cái chết không phải do tuổi già.
Kết quả chụp CT vào năm 2012 cho thấy điểm đáng ngờ. Cổ họng của ông bị rạch và ngón chân cái của ông bị cắt đứt, có thể là do nhiều kẻ tấn công cùng lúc. Điều này cũng cho thấy vụ ám sát thực sự đã thành công.
Cũng có tài liệu cổ tiết lộ rằng một trong những người vợ của ông, bà Tiye, muốn ám sát ông để đưa con trai bà là Pentawere lên ngôi. Đến hiện tại, nguyên nhân cái chết của vị vua này vẫn là bí ẩn chưa có lời giải.
|
Tác giả: L.T
Nguồn tin: Pháp luật & Bạn đọc