Trong tỉnh

Tiếp vụ đền bù Dự án thủy điện Khe Bố: Tiến hành đền bù bổ sung cho người dân

Sau khi Báo PLVN phản ánh việc đền bù GPMB tại Dự án Thủy diện Khe Bố (Dự án) trên địa bàn huyện Tương Dương (Nghệ An) “quên” hỗ trợ chế độ K trong đền bù nhà cửa, vật và kiến trúc trên đất, đến nay huyện này đã bổ sung đề nghị đền bù đợt 1 cho người dân.

Dự án thủy điện Khe Bố ảnh hưởng đến nhiều người dân trên địa bàn huyện Tương Dương.

Bổ sung kinh phí hỗ trợ chế độ K đợt 1

Ngày 4/12/2017, UBND huyện Tương Dương có Quyết định số 1429 về việc Phê duyệt phương án bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ về nhà trị nhà đợt 1 của dự án Nhà máy thủy điện Khe Bố. Trước đó, ngày 28/11/2017, Ban quản lý Dự án có văn bản số 148 về việc thỏa thuận bổ sung kinh phí bồi thường, hỗ trợ bổ sung về giá trị nhà (trừ nhà sàn) đợt 1.

Ban quản lý Dự án thống nhất thỏa thuận bổ sung giá trị bồi thường, hỗ trợ về giá trị nhà (trừ nhà sàn) đợt 1 để Hội đồng bồi thường GPMB trình cấp thẩm quyền thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt giá trị như sau: Tổng kinh phí bổ sung theo hồ sơ lập là hơn 203 triệu đồng. Lý do bổ sung kinh bồi thường, hỗ trợ là nhân bổ sung hệ số K=1,2 vào đơn giá nhà cửa (trừ nhà sàn) theo các quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc Ban hành đơn giá xây dựng mới nhà, vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2007-2015. Dựa trên các quyết định của UBND huyện Tương Dương phê duyệt phương án về bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc tính chiếu.

Hàng ngàn mét vuông đất cộng đồng được người dân sử dụng từ lâu chỉ được đền bù tài sản trên đất.

Ngoài ra, UBND huyện Tương Dương cũng có tờ trình việc đề nghị thỏa thuận, thẩm định kinh phí bồi thường, hỗ trợ về đất, hạng mục: Đất nông nghiệp của Dự án Nhà máy thủy điện Khe Bố tại bản Pủng, xã Yên Thắng, huyện Tương Dương với kinh phí đề nghị hơn 3,1 tỷ đồng.

Trước đó, Báo PLVN đã thông tin trong hai bài viết: “Dự án thủy điện Khe Bố: 'Bỏ quên' quyền lợi người dân?” và “Chủ tịch huyện “cãi” quyết định của tỉnh!”. Phản ánh việc triển khai Dự án đã khiến hàng trăm ngôi nhà phải di dời, hàng ngàn met vuông đất cộng đồng, đất nông nghiệp, đất rừng, đất ở phải nhường để phục vụ Dự án. Tuy nhiên, người dân không được hỗ trợ chế độ K=1,1 theo phụ lục 2 của QĐ 69/2008 ban hành đơn giá xây dựng nhà và vật kiến trúc phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND huyện này khẳng định với phóng viên rằng: đối với dự án Thủy điện Khe Bố không được áp dụng hỗ trợ Hệ số K. Ông Hải nói “Tiền hỗ trợ vận chuyển đã có tiền vận chuyển, không ai được áp dụng Hệ số K. Nếu như giá đền bù thấp hơn với giá thực thế thì sau đó mới xin chủ trương bù giá nhân Hệ số K lên để tăng giá. Còn khi giá đền bù đã ở mức hợp lý rồi thì không được tăng giá nữa. Không hề có hệ số K nào được áp dụng trong dự án này cả…”, ông Hải khẳng định.

Cần xem xét kỹ, tránh thiệt thòi cho người dân

Ngoài ra, rất nhiều hộ dân có diện tích đất cộng đồng cũng không được bồi thường về đất mà chỉ được hỗ trợ tài sản trên đất, dù cùng thời điểm, cùng địa bàn thì những dự án khác như Thủy điện Bản Vẽ, Cầu bản Côi, mở rộng Quốc lộ 7A đều được đền bù đất cộng đồng. Qua khảo sát thực tế tại bản Đình Tiến, xã Tam Đình (Tương Dương) người dân phải di dời do bãi bồi ven sông nơi ngày trước là vùng trồng rau, một số là nơi trồng tre, nứa, luồng…bị ngập nước.

Tuy nhiên, những hộ bị ảnh hưởng chỉ được đền bù tài sản trên đất là những cây lâu năm và tre nứa, luồng… không được đền bù về đất. Được biết, phần đất này được liệt vào loại đất cộng đồng (trồng tre mét, trồng hoa màu ven sông).

Ông Kha Văn Ót, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, theo quy định thì không được đền bù đất công đồng, chỉ được đền bù tài sản cây cối trên đất. Hội đồng đền bù đang xác định lại thời điểm sử dụng đất cộng đồng để xem xét có được đền bù hay không.

Theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Phần đất này được giao cho các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội CCB… và chỉ giao trên giấy tờ, người dân không hề hay biết, các tổ chức này cũng không biết rằng mình được giao đất. Người dân vẫn tổ chức sản xuất bình thường cho đến khi bị ngập nước tiến hành kiểm kê tài sản trên đất.. Người dân đều thắc mắc là dù họ chưa được cấp sổ đỏ, nhưng diện tích đất này họ đã sản xuất hàng chục năm qua, không xảy ra tranh chấp với ai. Do đó, việc căn cứ vào bản đồ thể hiện đây là đất cộng đồng để không đền bù là thiệt thòi cho người dân.

Tại địa phương này, trước đó khi thực hiện Dự án Thủy điện Bản Vẽ người dân được đền bù đất cộng đồng giao theo Nghị định 163/CP của Chính phủ. Theo đó, đất thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất, được giao trước thời điểm quy hoạch rừng (ngày 23/3/2001) thì được bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Thậm chí, diện tích đất sử dụng sau ngày 23/3/2001, đến trước ngày 19/6/2003 vẫn được bồi thường, nhưng theo tiêu chí của đất lâm nghiệp.

Qua điện thoại, ông Phan Thế Chuyền, Trưởng Ban QLDA thủy điện Khe Bố cho biết, đơn vị đang phối hợp với huyện để tiến hành đền bù bổ sung chế độ K cho bà con bị ảnh hưởng. Còn đối với đất cộng đồng chưa có cơ chế quy định, phía Ban quản lý Dự án đã có văn bản để làm việc cùng với hội đồng với tỉnh để xem xét, các nơi không ai đề nghị đền bù đất cộng đồng đấy cả. Một số dự án được đền bù đất cộng đồng vì tỉnh có ý kiến, đối với dự án này phía tỉnh Nghệ An cũng chưa có văn bản đề nghị đề nghị xem xét.

Để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân nhường đất cho dự án, các cấp, ngành cần xem xét một cách thấu đáo việc đền bù đất cộng đồng để tránh thiệt thòi cho nhân dân.

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP