Trong tỉnh

Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa các giá trị văn hóa

Sáng 3/1, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí Tỉnh ủy viên: Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Sở, ban, ngành.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An

Thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa"

Năm 2023, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự đồng hành của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đặc biệt là những hiệu ứng tích cực từ nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ chấn hưng phát triển văn hóa theo kết luận của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Bằng việc đưa chủ thể sáng tạo là nhân dân, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng, từ đó toàn ngành VHTTDL đã gặt hái được những kết quả đáng được ghi nhận. Ngành VHTTDL đã tiếp tục thay đổi căn bản, toàn diện tư duy "làm văn hóa" sang "quản lý nhà nước về văn hóa".

Toàn ngành đã chủ động rà soát các "khoảng trống" trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu đề xuất Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện thể chế, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước thông qua công cụ pháp luật, đồng thời "khơi thông" nguồn lực, "kiến tạo" sự phát triển mà điểm nhấn quan trọng được Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Ngành đã tập trung tham mưu trúng, đúng, kịp thời cho cấp ủy đảng trong việc cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về văn hóa. Chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam với ba nội hàm Dân tộc, Khoa học và Đại chúng được lan tỏa, các thành tố về Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới được lượng hóa, để vận dụng trong thực hiện, được nhiều tỉnh, thành ủy lấy làm cơ sở trong xây dựng ban hành Nghị quyết chuyên đề về văn hóa để có thể nhận định; nhận thức về văn hóa đã có sự thay đổi theo hướng tích cực.

Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người văn hóa đã đi đúng hướng, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều điển hình tiên tiến đã xuất hiện, góp phần thiết thực để xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị "chân - thiện - mỹ" của con người, làm cho cuộc sống của mỗi gia đình, của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với các Ban, bộ, ngành, địa phương để nâng tầm quy mô tổ chức, chất lượng các sự kiện văn hóa nghệ thuật cấp vùng, cấp quốc gia. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật triển lãm, bảo tàng "đa dạng về hình thức - phong phú về thể loại - đặc sắc về nội dung" không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, phục vụ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn mà còn thực hiện sứ mệnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh về quê hương, đất nước, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

Ngành đã quan tâm mạnh mẽ hơn tới việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Điểm nhấn là với sự quan tâm, chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam lần thứ nhất do Bộ VHTTDL tham mưu chuẩn bị chương trình, nội dung đã được tổ chức thành công, làm cơ sở cho việc đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chiến lược mới về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới.

Thể thao Việt Nam dựa trên 2 trụ cột, thể thao cho mọi người với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" để phát hiện tạo nguồn, đưa thể thao thành tích cao phát triển. Du lịch đã về đích với kết quả rất đáng trân trọng, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế ước đạt 12,5 triệu lượt khách, vượt mục tiêu đề ra (8 triệu lượt), đạt mục tiêu đã điều chỉnh; tổng số khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt khách, vượt 5,8% so với kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch ước đạt 672 nghìn tỷ đồng, vượt 3,38% so với kế hoạch năm 2023. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao giải thưởng du lịch thế giới năm 2023.

Công tác ngoại giao văn hóa được triển khai tích cực, Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao. Hội An, Đà Lạt chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ 5 chuyến thăm cấp cao của Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước cùng với 6 chương trình Tuần Văn hóa, Lễ hội du lịch và văn hóa Việt Nam tại nước ngoài trong năm 2023 đã góp phần quảng bá đất nước Việt Nam tươi đẹp, an toàn với nền văn hóa đặc sắc tới đông đảo bạn bè quốc tế…

Tăng cường liên kết vùng trong phát triển văn hóa, du lịch

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương và ghi nhận những kết quả ngành VHTTDL đạt được trong năm 2023 đã phát huy tốt nội lực của đất nước là “con người – thiên nhiên – văn hóa”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu toàn ngành phải tự tin, bản lĩnh và mạnh mẽ hơn để phát huy sức mạnh của dân tộc, phát huy tối đa nền văn hóa của dân tộc, tiếp tục vững bước đi lên, phấn đấu đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ngành VHTTDL phải kịp thời, chủ động, linh hoạt, đúng thời điểm trong tham mưu các cơ chế, chính sách. Tăng cường, đẩy mạnh, linh hoạt và kịp thời hơn trong công tác truyền thông chính sách. Huy động các nguồn lực trong đầu tư văn hóa, thể thao, du lịch; huy động đầu tư công – tư để phát triển ngành nhanh và mạnh.

Đồng thời, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước để điều hành hoạt động của ngành. Tiếp tục đổi mới các sản phẩm văn hóa kết hợp văn hóa dân tộc với văn hóa tiên tiến của thế giới; quốc tế hóa và dân tộc hóa nền văn hóa. Quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng thể chế; hoàn thiện các chính sách pháp luật liên quan đến ngành VHTTDL.

Tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy tối đa các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Kết hợp phát triển chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. Nâng cao hiệu quả các thiết chế văn hóa; phát huy tối đa vai trò của gia đình trong phát triển và bảo tồn văn hóa. Phát triển thể thao chuyên nghiệp, hiện đại… Tập trung phát triển du lịch; đề xuất những cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Xây dựng con người, đội ngũ văn nghệ sĩ, bảo tồn phát huy giá trị của các dân tộc, đảm bảo các thiết chế văn hóa về đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân. Đảm bảo đời sống của đội ngũ văn nghệ sỹ; kịp thời động viên, khen thưởng văn nghệ sỹ.

Đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế trong phát huy các giá trị di sản. Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, đặc biệt là các đối tượng yếu thế. Tăng cường công tác phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa Trung ương với địa phương, giữa địa phương và địa phương, giữa các Bộ, ngành…

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP