Kinh tế

Tiền Trung Quốc mất giá: Thêm kịch bản xấu?

Đồng NDT của Trung Quốc mất giá liên tục đang tạo ra thêm kịch bản xấu trên thị trường tiền tệ và kinh tế.

Đồng NDT liên tục mất giá

Truyền thông bằng tiếng Hoa cho biết từ tháng 5/2016 trở lại đây, đồng NDT liên tục mất giá với việc thiết lập nhiều đáy mới.

Cùng với việc đồng NDT rớt giá, thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu trong, ngoài Trung Quốc vẫn không giảm mạnh như trước đây, ngược lại còn tăng trưởng mạnh, kể cả khi chịu thêm tác động từ sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu ÂU (EU).

Theo các thống kê, dự trữ ngoại tệ tháng 6 của Trung Quốc đã đảo chiều, quay lại tăng thêm 13,426 tỷ USD, lên 3.205,1 tỷ USD (tương đương 80% so với mức đỉnh 4.000 tỷ USD đạt được hồi tháng 6/2014), là mức tăng mạnh nhất trong một tháng kể từ tháng 4/2015.

Đồng NDT của Trung Quốc mất giá liên tục đang tạo ra thêm kịch bản xấu trên thị trường tiền tệ và kinh tế.


Trước những biến động trên, theo tờ Đa chiều, có thể phán đoán chỉ cần số liệu cho thấy không có dấu hiệu dòng tiền chảy mạnh ra ngoài Trung Quốc, việc điều tiết tỷ giá của đồng NDT có thể dựa trên việc tham khảo rổ tiền tệ và tỷ giá đóng cửa.

Đồng thời, chỉ cần tỷ giá giao ngay của đồng NDT không biến động quá lớn so với tỷ giá tham chiếu thì Bắc Kinh có thể để cho thị trường tự điều tiết.

Điều đó có nghĩa, đồng NDT sẽ tiếp tục phá giá. Theo dự đoán của tập đoàn tài chính Nomura (Nhật Bản), cuối năm nay tỷ giá giữa đồng NDT và đồng USD đạt 6,94 NDT/USD và trong kịch bản cấp tiến của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) đưa ra vào hôm 4/7 là 7,2 NDT/USD.

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 11/2015 đã giảm tháng thứ 5 liên tục.

Theo kết quả khảo sát ý kiến chuyên gia của Bloomberg, GDP Trung Quốc tăng 6,9% trong năm 2015 và sẽ chỉ tăng 6,5% trong năm 2016.

Để tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc tăng thêm 10 điểm phần trăm trong năm 2016, thì đồng Nhân dân tệ phải mất giá 13%. Mức mất giá như vậy đồng nghĩa tỷ giá Nhân dân tệ giảm về mức khoảng 7,7 Nhân dân tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 2007.

Theo giới phân tích đối với Trung Quốc, việc đồng NDT mất giá sẽ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, nhưng điều đó sẽ khiến các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu cũng sẽ đi vào con đường phá giá đồng tiền của mình để cạnh tranh và một cuộc chiến tranh tiền tệ lại trực chờ.

Gia tăng rủi ro

Mặc dù đồng nhân dân tệ mất giá đã hỗ trợ xuất khẩu của Trung Quốc nhưng điều này làm gia tăng rủi ro đối với những người vay nợ bằng ngoại tệ ở quốc gia này và tăng mối lo rằng, thực chất sự suy thoái kinh tế ở nền kinh tế lớn nhất châu Á này còn tồi tệ hơn nhiều so với số liệu công bố.

Với các nước dự trữ tiền NDT như Nga cũng không phải là một kịch bản sáng và có lợi.

Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) ngày 4/7 thông báo đã bắt đầu mua đồng NDT để dự trữ kể từ quý IV năm ngoái như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ và củng cố nền tảng kinh tế trước những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Phát ngôn viên của CBR cho biết đồng NDT chưa thuộc "dự trữ vàng và ngoại hối chính thức" của Nga, do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chưa chính thức đưa đồng tiền này vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.

Tuy nhiên, quy chế đó dự kiến sẽ được trao cho đồng NDT trong tháng 10 năm nay, và đây được đánh giá là cột mốc quan trọng giúp nâng cao vị thế của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế trên toàn cầu.

Tính đến cuối năm 2015, đồng USD vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong dự trữ ngoại tệ của CBR là 47,5%.

Nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ của đồng NDT sẽ thay đổi sau thông báo của CBR, song nó lại có thể gây ra nhiều hiệu ứng không tốt cho kinh tế Nga.

Thứ nhất, khi đồng NDT mất giá thì những định chế kinh tế, những công cụ tài chính gắn với nó sẽ có những thiệt hại.

Tỷ lệ thiệt hại sẽ gia tăng theo mức độ ảnh hưởng của đồng NDT với những công cụ tài chính đó, theo tỷ trọng đồng NDT trong các hoạt động của những định chế kinh tế - tài chính đó.

Không những thế, thiệt hại của kinh tế Nga lại còn luôn lớn hơn thiệt hại của kinh tế Trung Quốc khi sử dụng đồng NDT.

Thứ hai, hành động đỡ đòn cho Bắc Kinh vô tình đã tạo ra điều kiện cho Bắc Kinh sử dụng như nó một loại công cụ chèn ép Moskva trong việc triển khai những hiệp định, thoả thuận trong quan hệ hợp tác Nga – Trung.

Trung Quốc có thể dựa vào tỷ lệ sử dụng đồng NDT trong nền tài chính của Nga như một công cụ đo lường thiện chí của Kremlin. Thế là, Moscow tự nhiên trao bảo bối cho Bắc Kinh để họ điều khiển, điều tiết chính mình.

Tác giả bài viết: Trung Dũng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP