Ông Trung chia sẻ: “Chương trình 1 triệu cây xanh đang triển khai trên địa bàn thành phố, có nhiều cái tốt, hữu ích được nhân dân ghi nhận”.
Theo lãnh đạo công ty Cây xanh Hà Nội, để thực hiện được tốt chương trình trồng 1 triệu cây xanh mà TP đề ra cũng như do đặc thù nên việc trồng cây xanh chỉ diễn ra buổi đêm, vừa không cản trở giao thông, vừa thuận lợi cho việc phát triển của cây. Vì vậy nhiều đêm, công nhân của công ty hầu như phải thức trắng, khi về đến nhà thì trời đã sáng.
“Có những đêm công nhân gần như thức trắng, nhiều hôm 3h, 4h sáng mới về đến nhà… Để có được một cây xanh sống tươi tốt, công nhân phải đánh đổi bằng cả mồ hôi và nước mắt", Tổng Giám đốc công ty Cây xanh Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo lãnh đạo công ty Cây xanh Hà Nội, để hiểu được tầm quan trọng của cây xanh đối với đời sống cũng như nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ cây xanh, lãnh đạo công ty luôn quan tâm nhắc nhở mỗi công nhân phải gắn bó, yêu quý và chăm sóc cây như máu thịt của bản thân.
Sự tích cực, tận tụy ấy của công ty Cây xanh Hà Nội bước đầu đã có kết quả và nhận được nhiều cảm tình từ người dân. “Nếu như cả năm 2015, công ty chỉ trồng khoảng 500 cây thì trong năm 2016, mỗi đêm công ty trồng khoảng 700 – 800 cây. Hơn nữa, số cây xanh được trồng trong những tháng đầu năm 2017 cũng đã vượt cả năm 2016”, ông Vũ Kiên Trung thông tin.
Việc cắt tỉa cây xanh đề phòng mùa mưa bão cũng được công ty thực hiện liên tục trên khắp các tuyến phố của Thủ đô, được người dân Thủ đô khen ngợi. Ông Trung chia sẻ: “Để công việc cắt tỉa được nhanh chóng, nhiều hôm công nhân của công ty phải đi làm cả thứ 7 lẫn Chủ nhật”.
Cũng đề phòng mùa mưa bão sắp đến, người đứng đầu ngành cây xanh Thủ đô lo lắng bày tỏ: “Những cây mới trồng có đường kính 20-25 cm, nằm ở dải phân cách giữa, rễ chưa mọc sâu, nếu gặp gió giật cấp 11 - 12 vào quần thảo từ 2- 3 tiếng là điều chúng tôi rất lo lắng trong mùa mưa bão năm nay. Vì vậy, công ty TNHH Công viên cây xanh Hà Nội đã xin ý kiến UBND TP. Hà Nội cho đóng cọc thép (sâu xuống đất 1m), chằng chống những cây mới trồng có đường kính lớn". Theo ông Trung, về mặt cơ học thì những cọc thép này tương đối chắc chắn, nhưng khi gặp gió giật cấp 11 - 12 thì cũng khó chống đỡ được những cây có đường kính lớn.
Đối với những cây lâu năm trên địa bàn 4 quận nội thành, Tổng Giám đốc công ty Cây xanh Hà Nội chỉ rõ những tồn tại đang gặp phải. “Đó là cây bị xâm hại bộ rễ khi thi công vỉa hè, mặt đường, làm cống ga thoát nước… Năm vừa rồi, rất nhiều cây bị đổ, chúng tôi đến giải tỏa thì gần như không có tí rễ nào”, ông Trung nói và cho biết thêm, nguồn nước ngầm của Hà Nội ô nhiễm lớn, dẫn đến hiện tượng cây thối rễ rất nhiều và có thể đổ bất cứ lúc nào.
Trước những vấn đề trên, ông Trung kiến nghị UBND TP.Hà Nội và ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai yêu cầu các quận, huyện cử lực lượng thường xuyên kiểm tra các công trình thi công vỉa hè, lòng đường, nếu phát hiện xâm hại rễ cây xanh thì phải yêu cầu chấm dứt ngay.
Ngoài việc cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh trong mùa mưa bão, ông Trung còn đề nghị sở Xây dựng và UBND các quận huyện mạnh dạn chặt bỏ những cây sâu mục và đưa ra phương án thay thế cây khác.
Đưa ra hai ví dụ cụ thể để thuyết phục sở Xây dựng và UBND các quận, huyện mạnh dạn chặt bỏ những cây nguy hiểm, ông Trung nêu vụ việc cách đây khoảng 10 ngày: Một cây cơm nguội ở ngã tư Phan Huy Chú – Lý Thường Kiệt nhìn bề ngoài thì rất tươi tốt, nhưng đổ xuống thân đã mục hết, rễ cũng không còn. “Ngay cả cây xà cừ bị đổ ở trường Chu Văn An khi đổ xuống cũng mới phát hiện ra không còn tí rễ nào”, ông Vũ Kiên Trung nói.
Ông Võ Nguyên Phong - Phó Giám đốc sở Xây dựng Hà Nội cho biết: "Trong năm 2017, Sở này sẽ ưu tiên xử lý các cây có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng, tài sản nhân dân. Trường hợp có cây đổ trong mùa mưa bão, sở Xây dựng cũng cho xử lý ngay các cây đổ ra đường gây cản trở giao thông, thu dọn các cây đổ, cắt tỉa cành, cây. Sở Xây dựng cũng đảm bảo việc trồng cây thay thế cây đổ sau 5 ngày".
Tác giả bài viết: Nhất Nam
Nguồn tin: