Câu chuyện trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo sáng nay (4/1), thông tin về Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ năm 2021.
Ngày 1/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành 2 dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại một hoạt động xúc tiến đầu tư trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2017 (ảnh: VGP) |
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập tới những kết quả tích cực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam và thông tin rằng nhiều sản phẩm hàng hóa do Việt Nam sản xuất đã gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời dẫn lại câu chuyện hàng Việt qua chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hoa Kỳ như một ví dụ điển hình.
"Tháng 5/2017, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng đã vào cửa hàng của con gái của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Ivanka (tại New York - PV). Khi mua hàng thấy rằng tại đây có bán hàng Việt Nam rất đẹp, hàng xuất khẩu đẹp made in Việt Nam. Khi mới bước vào không hề nghĩ rằng hàng Việt Nam được bán ở trong cửa hàng này, đây là điều rất vinh dự khi chủ cửa hàng là con gái Tổng thống Mỹ bán hàng Việt Nam" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Ở trong nước, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đời sống người dân ngày càng cao: "Khi đi về các vùng nông thôn hiện nay thấy xe đạp rất ít, xe máy cũng không nhiều như trước, người dân cũng chuyển sang đi xe ô tô. Ở thành phố người dân đi ô tô rất nhiều, thậm chí nhà 2-3 xe ô tô không có chỗ để".
Người phát ngôn Chính phủ cũng thông tin, Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá nếu tính theo sức mua tương đương thu nhập trung bình đầu người Việt Nam đạt gần 9.000 USD.
Cuộc họp báo chuyên đề của Chính phủ sáng 4/1 (ảnh: Đoàn Bắc) |
Theo người phát ngôn của Chính phủ, năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao.
Tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 517 tỷ USD năm 2019; liên tục xuất siêu, năm sau cao hơn năm trước.
Nói thêm về các con số tích cực đạt được, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay: Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt bình quân 25,5% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011 - 2015 (23,4% GDP). Bội chi ngân sách nhà nước ở mức 3,5% GDP, giảm mạnh so với giai đoạn 2011 - 2015 (5,4% GDP). Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng đạt 45,88% (cao hơn nhiều so với mức 33,58% giai đoạn 2011-2015).
Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 6%/năm (so với mức 4,27% giai đoạn 2011-2015). Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2019 đạt 33,5% GDP (đạt mục tiêu đề ra là 32 - 34%). Cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỉ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm.
Tính đến hết năm 2019, 54% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020)...
Người phát ngôn Chính phủ cho rằng, vai trò kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định là một trong những động lực quan trọng của đất nước. Doanh nghiệp Việt Nam đang dần chiếm lĩnh một vị trí then chốt của nền kinh tế, ngày càng nhiều doanh nhân Việt chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ, sáng tạo, nắm bắt và làm chủ các thành tự của cách mạng 4.0.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo sáng 4/1 (ảnh: Đoàn Bắc) |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại ngày 29/4/2020 - Thủ tướng đã chủ trì hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp tại TP.HCM, đây là một hội nghị rất cởi mở, thẳng thắn của người đứng đầu Chính phủ đối với doanh nghiệp, điều này thể hiện vai trò kinh tế tư nhân như thế nào. Ngay tại đó, Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành đã giải đáp rất nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp như thủ tục hành chính, đầu tư, xây dựng, tín dụng...
"Kinh tế phát triển nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng được kiểm soát tốt cả bình đẳng về thu nhập và bình đẳng giới. Các tổ chức thế giới đã xếp chỉ số phát triển con người vào nhóm phát triển cao nhất thế giới" - ông Dũng cho biết thêm.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí