Chủ tịch UBND xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) Mùa Dua Thái cho biết, xã có 15km đường biên giới giáp huyện Mường Mọoc, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào). Cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc H'Mông (17/19 bản), Thái và Khơ-mú.
Từ thập niên 1990, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng việc trồng cây anh túc.
“Vào mùa này, trời se lạnh là người dân bắt đầu gieo hạt anh túc. Thời đó, 1kg nhựa đen đổi được 3 nén bạc trắng (khoảng 2 triệu đồng). Cây thuốc phiện là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Cũng từ đó, khắp bản làng có người nghiện hút, tụ tập đàn đúm suốt đêm”, ông Thái kể lại.
Chủ tịch UBND xã Na Ngoi Mùa Dua Thái |
Tạm biệt rừng cây thuốc phiện
Lúc đó vận động người nhân nhổ cây thuốc phiện là 1 cuộc chiến hết sức khó khăn. Cơ quan chức năng phải sử dụng nhiều biện pháp suốt từ năm 1995 - 2001, người dân trồng cây thuốc phiện bắt đầu giảm dần và đến 2005 mới dứt điểm.
Cánh đồng lúa vàng ươm ở xã Na Ngoi. Ảnh Quốc Huy |
“Sau này nơi đây cũng được Đảng và Nhà nước đầu tư nhiều dự án, điện, đường, trường, trạm…
Nhiều cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn như Đoàn Kinh tế Quốc phòng 4, Đồn Biên phòng 545 (Đồn Na Ngoi), Tổng đội 10 xây dựng kinh tế mới..., từ đó đời sống người dân mới thay đổi được thật sự”, ông Thái chia sẻ.
|
Thương lái vào tận xã mua trâu, bò của người dân |
Mấy năm gần đây, người H'Mông chuyển đổi sang trồng lúa nước, gừng, khoai dong; chăn nuôi trâu bò, lợn đen và gà đen… phát nương làm rẫy 70% và làm ruộng 30%. Nhà nào cũng có 5-7 con bò bản địa, một số gia trại tới 30 - 40 con bò.
“Một con trâu, bò thịt bán 15 - 30 triệu đồng, dễ dàng hơn so với trồng cây thuốc phiện. Vài tháng, người dân nơi đây lại tổ chức lễ chọi bò. Bò đẹp, chọi giỏi bán được hơn 120 triệu đồng, bò chọi bình thường bán 40 - 80 triệu đồng/con”, ông Thái vui mừng kể.
Bí thư đoàn là "thủ lĩnh" tiên phong
Bí thư Đoàn xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh (SN 1985) cho biết, từ thập niên 90, nguồn thu nhập chính của gia đình anh là làm nông nghiệp và trồng cây thuốc phiện.
Năm 1995, khi Đảng và nhà nước không cho phép trồng cây thuốc phiện mà thay vào loại cây trồng khác như: Cây ngô lai, lúa, cây đào, hồng… đưa lên cho bà con nhân dân trồng thay thế cây thuốc phiện.
Bí thư Đoàn xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh |
“Tôi là người H'Mông. Tôi nuôi trâu bò, trồng cỏ voi và trồng gừng trước bà con. Đến năm 2013, có 13 chi đoàn tổng cộng có hơn 100 đoàn viên tham gia trồng được hơn 3ha gừng cho thu nhập khá.
Trong những thanh niên tự lập nghiệp, phát triển nhanh có Bí thư chi đoàn Ca Nọi (Na Ngoi) Lầu Dua Và (SN 1988). Anh Và có 13 con trâu và 9 con bò, bình quân bán mỗi con trâu thu được từ 35 đến 40 triệu đồng”, anh Dênh chia sẻ.
Đoàn xã Na Ngoi và lực lượng BĐBP đóng trên địa bàn |
Đến thời điểm hiện tại, mô hình chăn nuôi của riêng bí thư đoàn xã Na Ngoi đã có 13 con trâu, 15 con bò. Anh còn trồng hơn 1,6ha gừng, tính ra mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Từ việc làm hiệu quả, anh Dênh đã giao nhiệm vụ cho 19 chi đoàn nông thôn triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế.
Cũng từ đó, hàng trăm mô hình chăn nuôi bò, trồng ngô, trồng lúa, gà và lợn đen, cho nguồn thu nhập ổn định hàng năm.
Đàn trâu của Bí thư Đoàn xã Na Ngoi Xồng Bá Dênh |
“Trong điều kiện khó khăn ở vùng cao, quỹ ngân sách chưa nhiều, từ mô hình kinh tế, thanh niên ở các chi đoàn đã có tiền đóng quỹ tại chỗ. Nhiều gia đình có thu nhập đủ ăn, đủ mặc và làm giàu chính đáng trên quê hương”, anh Dênh chậm rãi nói.
Ngoài phát triển kinh tế, lãnh đạo đoàn xã Na Ngoi còn thành lập 3 câu lạc bộ được nhân dân đồng tình ủng hộ: CLB thanh niên giữ yên biên giới, CLB thanh niên xung kích phát triển kinh tế và CLB thanh niên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Anh Xồng Bá Dênh |
Bí thư Đoàn xã định hướng phát triển kinh tế sắp tới: Tiếp tục trồng cây pơ mu, samu, cây đào cảnh, trồng cây bo bo xe kẻ cỏ voi.
Thu nhập tiền tỷ từ cây dược liệu
Năm 2017, anh Xồng Bá Dênh được huyện Kỳ Sơn cử đi dự lễ tuyên dương thanh niên tiêu biểu làm theo lời Bác Hồ. Năm 2018, anh được cử đi dự hội nghị gặp gỡ các mô hình kinh tế tiêu biểu ở tỉnh Nghệ An. Năm 2019, anh là đại diện của huyện đi dự Đại hội tiêu biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 3 ở tỉnh nhà. |
Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Thanh Hoàngcho biết, địa phương có 192km giáp với nước bạn Lào.
Công tác truyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được truyền tải đến tận người dân.
Không những phải ổn định về chính trị vùng biên mà còn nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế giúp người dân thoát nghèo.
“Cây dược liệu được trồng ở các xã Mường Lống, Na Ngoi, Tây Sơn, Huội Tụ giúp dân thoát nghèo. Không những ổn định vùng biên, chống tư tưởng tự chuyển biến, tự chuyển hoá trong cán bộ đảng viên, tạo sự tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng”, ông Hoàng nói.
Cây gừng được trồng ở xã Na Ngoi |
Huyện phối hợp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trồng cây lan thạch học là vị thuốc đặc biệt ở xã Na Ngoi; phát triển cây chủ lực như: khoai sọ, gừng, trồng bảo vệ cây bo bo mọc giữa tán rừng. Đầu tư phát triển đàn bò hàng hoá, trồng cỏ voi rất hiệu quả và vỗ béo rất tốt.
Cây dược liệu bo bo cho thu nhập nhiều tỷ đồng ở miền núi Nghệ An |
“Cây bo bo là loại cây dược liệu tự nhiên, được nhân rộng trồng nhiều nơi trên toàn huyện. Có hộ xuất hoá đơn mỗi năm lên đến 4 tỷ đồng ở Huội Tụ và Tây Sơn”, ông Hoàng vui mừng chia sẻ.
Theo ông Hoàng, đây là động lực để người dân tin tưởng phát triển trên mảnh đất quê hương.
Tác giả: Quốc Huy
Nguồn tin: Báo VietNamNet